Kiên định điều hành giá thị trường có sự quản lý của Nhà nước

16:22 | 09/12/2014 Print
Đó là chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh tại phiên họp thứ nhất của Ban Chỉ đạo điều hành hành giá, tổ chức ngày 9/12/2014, tại Hà Nội. Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cũng đồng thời là trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá.

điều hành giá

Phỏ Thủ tướng yêu cầu, định hướng cho năm 2015 vẫn phải thống nhất theo nguyên tắc kiên định bám sát giá thị trường có sự quản lý của Nhà nước. Ảnh: Hữu Thọ

Điều hành giá đã đạt kết quả tốt

Theo Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh, công tác điều hành quản lý, điều hành giá thời gian qua đã quán triệt chủ trương đường đối chính sách của Đảng và Nhà nước: điều hành theo thị trường có sự quản lý của Nhà nước.

Trong đó, năm 2014 “có thể nói chúng ta đã điều hành tốt, nhất là việc phối kết hợp triển khai những giải pháp kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô”, Phó Thủ tướng cho biết. Nhờ vậy đã tạo được sự chủ động hơn trong điều hành giá các mặt hàng thiết yếu như xăng dầu, giá điện, giá than, giá dược phẩm..., cơ bản theo đúng lộ trình đã đặt ra.

Về điều hành giá các mặt hàng cụ thể, theo Phó Thủ tướng, về cơ bản giá xăng, giá điện, giá than hay tiền tệ đã đạt được một bước tiến khá dài. Việc thực hiện bình ổn giá sữa và một số giá cước vận tải đúng thời điểm đã tạo ra hiệu ứng tốt với người dân và xã hội. Giá dịch vụ y tế, giáo dục, mặc dù chưa đạt được yêu cầu như mong muốn nhưng đã tạo tiền đề quan trọng, nhất là về mặt nhận thức.

Cùng với đó, cung cầu hàng hóa được bảo đảm, không để xảy ra thiếu hàng, sốt giá. “Lâu lắm rồi chúng ta không để xảy ra tình trạng như vậy”, Phó Thủ tướng nói. Song với công tác điều hành, công tác thanh tra, kiểm tra cũng được thực hiện tốt hơn, nhất là đã có sự kết hợp giữa thanh kiểm tra với công tác bình ổn giá…

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, theo Phó Thủ tướng, công tác điều hành giá thời gian qua cũng có một số tồn tại như giá một số mặt hàng dịch vụ chưa đạt lộ trình dự kiến; công tác dự báo, đánh giá tình hình còn cần phải tăng cường hợp nữa.

Đồng thời, việc điều hành tăng giảm giá một số mặt hàng cũng chưa được nhịp nhàng. Đơn cử như giá xăng đã giảm rất sâu nhưng giá cước giảm rất chậm. “Các đồng chí cần nghiên cứu, cân nhắc để có biện pháp kết hợp điều hành tốt hơn trong thời gian tới”, Phó Thủ tướng chỉ đạo.

Về công tác chuẩn bị cho Tết Dương lịch và Âm lịch 2015, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh yêu cầu Bộ Tài chính và các bộ, ngành sớm tham mưu giúp Chính phủ ban hành Chỉ thị bình ổn giá cả thị trường. Cùng với đó, phải hết sức chủ động về cung cầu các mặt hàng, tăng cường kiểm tra, chống đầu cơ găm hàng, tăng giá bất hợp lý.

“Đặc biệt, công tác quản lý giá cũng như quản lý thị trường không chỉ có các bộ, ngành, mà cả các địa phương cũng phải vào cuộc, khẩn trương chỉ đạo các đơn vị ra quân đồng bộ mới phát huy được hiệu quả”, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh yêu cầu.

“Phải có gậy để điều hành”

Về định hướng công tác quản lý, điều hành giá cho năm 2015, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh nhấn mạnh, việc điều hành giá theo thị trường là rất quan trọng, trong đó, việc tính đúng, tính đủ chi phí cấu thành giá cũng như minh bạch trong cách tính giá sẽ tạo hiệu ứng rất tốt cho môi trường kinh doanh chung.

Chính vì vậy, định hướng cho năm 2015 vẫn phải thống nhất theo nguyên tắc kiên định bám sát giá thị trường có sự quản lý của Nhà nước. Đi kèm theo đó là có chính sách phù hợp với các đối tượng Nhà nước cần hỗ trợ.

“Không bao cấp tràn lan và kiên quyết không bù lỗ. Xăng, điện, than đã làm được, tiến tới dịch vụ giáo dục, y tế cũng phải thực hiện như vậy. Việc tính đúng, tính đủ vào cơ cấu giá thành là để làm sao nâng cao chất lượng dịch vụ, sản phẩm tốt hơn chứ không phải là thương mại hóa”, Phó Thủ tướng chỉ đạo.

Đồng thời, trong công tác chỉ đạo, điều hành phải có sự thống nhất từ Trung ương đến địa phương. Nếu chỉ một bộ, ngành sẽ không thể làm nổi, mà phải có sự phối kết hợp, nhất là các địa phương đóng vai trò rất quan trọng trong công tác này.

Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành cần khẩn trương rà soát, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật. “Như trường hợp giá cước vận tải giảm chậm vừa qua, phải có chế tài quản lý để buộc các doanh nghiệp phải điều chỉnh. Nói cách khác là chúng ta phải “có gậy” để điều hành”, Phó Thủ tướng lưu ý.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ, ngành làm tốt hơn công tác dự báo, bảo đảm cung cầu hành hóa. Trong điều hành giá các mặt hàng thiết yếu, cần có phương án điều hành cụ thể theo lộ trình, có đánh giá tác động đối với kinh tế - xã hội cũng như giải pháp để hạn chế thấp nhất những tác động có thể xảy ra.

Ngoài ra, Phó Thủ tướng cũng lưu ý các bộ, ngành phải chủ động trong công tác truyền thông, nhất là việc cung cấp thông tin chính thống là rất quan trọng. Cùng với đó, các cơ quan truyền thông cũng phải đưa tin khách quan, công bằng, chính xác và đặc biệt là không đưa thông tin một chiều./.

Ban Chỉ đạo điều hành giá được thành lập theo Quyết định số 690/QĐ-TTg ngày 11/5/2014 của Thủ tướng Chính phủ do Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh làm Trưởng Ban. Bộ trưởng Bộ Tài chính làm Phó Trưởng Ban. Thành viên Ban Chỉ đạo gồm Lãnh đạo Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Văn phòng Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Nhóm giúp việc Ban Chỉ đạo được thành lập, đặt tại Bộ Tài chính (Cục Quản lý Giá) do Cục trưởng Cục Quản lý giá – Bộ Tài chính là Trưởng nhóm; 2 Phó Trưởng nhóm là Lãnh đạo Vụ Thị trường trong nước - Bộ Công Thương và Lãnh đạo Cục Quản lý giá - Bộ Tài chính.

Quy chế hoạt động nêu rõ: Ban Chỉ đạo điều hành Giá làm việc theo nguyên tắc tham mưu, giúp Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định những chủ trương, định hướng quản lý, điều hành giá; các biện pháp điều hành giá, bình ổn giá đối với các hàng hóa, dịch vụ quan trọng, thiết yếu nhằm kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ trong từng thời kỳ.

Đối với những vấn đề điều hành, quản lý giá phức tạp, hoặc có tác động lớn đến kinh tế - xã hội, hay còn nhiều ý kiến khác nhau, Ban chỉ đạo có thể mời các chuyên gia, các nhà khoa học, tổ chức có liên quan tham gia góp ý. Các nội dung thảo luận của Ban Chỉ đạo, ý kiến thảo luận của các thành viên, ý kiến kết luận cuộc họp của Ban Chỉ đạo và các tài liệu liên quan được bảo quản, bảo mật theo quy định của pháp luật.

Hoàng Lâm

Hoàng Lâm

© Thời báo Tài chính Việt Nam