Thanh tra Kho bạc Nhà nước: Kịp thời phát hiện và khắc phục sai phạm

13:30 | 14/11/2014 Print
(TBTCVN) - Thanh tra, kiểm tra là để chỉ ra những sai phạm, những rủi ro tiềm ẩn trong công tác chỉ đạo điều hành cũng như trong các thao tác nghiệp vụ nhằm kịp thời sửa chữa, tránh vấp phải sai lầm.

thanh tra KBNN

Nhằm đảm bảo an toàn tiền và tài sản của Nhà nước giao cho quản lý, hàng năm, KBNN đã tổ chức hơn 1.000 cuộc kiểm tra tới các đơn vị KBNN. Ảnh: Hạnh Thảo

Nhất là trong thời kỳ hiện nay, khi toàn hệ thống Kho bạc Nhà nước (KBNN) đang dồn hết tâm lực cho Chiến lược Phát triển tổng thể đến năm 2020 thì công tác thanh tra, kiểm tra luôn là một hoạt động nghiệp vụ đặc biệt quan trọng.

Kịp thời phát hiện sai phạm

Bộ máy thanh tra KBNN được hình thành ngay từ những ngày đầu thành lập hệ thống, với 3 cán bộ tại KBNN trung ương và từ 1 đến 2 cán bộ tại các kho bạc địa phương. Đến thời điểm hiện tại, toàn hệ thống kho bạc đã có khoảng 267 cán bộ làm nhiệm vụ này. Đội ngũ cán bộ thanh tra kho bạc đã và đang từng bước được chuẩn hóa, đáp ứng các tiêu chuẩn nghiệp vụ quy định.

Nhằm đảm bảo an toàn tiền và tài sản nhà nước giao cho KBNN quản lý, KBNN đã chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ tăng cường kiểm tra và chấn chỉnh, cảnh báo chung trong toàn hệ thống. Đồng thời, chỉ đạo trực tiếp đến giám đốc KBNN các tỉnh, thành phố tổ chức kiểm tra theo chuyên đề nghiệp vụ và tự kiểm tra đến từng đơn vị KBNN.

Theo báo cáo từ KBNN, với lực lượng cán bộ ngày càng lớn mạnh, công tác thanh tra, kiểm tra đã đạt được nhiều kết quả. Bên cạnh việc kiến nghị sửa đổi, bổ sung chính sách, chế độ do Bộ Tài chính và KBNN ban hành, hàng năm, thanh tra KBNN và các kho bạc tỉnh, thành phố đã tổ chức hơn 1.000 cuộc kiểm tra các đơn vị KBNN, bao gồm cả kiểm tra thường xuyên và đột xuất.

Trong đó có từ 15 đến 20 cuộc kiểm tra chéo để kịp thời phát hiện và có văn bản chấn chỉnh những tồn tại, sai sót, đồng thời, kiến nghị xử lý các trường hợp vi phạm chính sách, chế độ của các cá nhân, đơn vị trong hệ thống. Bên cạnh đó, thanh tra KBNN còn là đầu mối giúp lãnh đạo KBNN các cấp trong công tác giải quyết các đơn thư khiếu nại, tố cáo; công tác triển khai thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng; công tác thực hiện quy chế dân chủ tại cơ sở…

Chỉ tính trong 8 tháng đầu năm 2014, KBNN đã thực hiện kiểm tra tại 25/29 đơn vị KBNN tỉnh và 28 KBNN quận, huyện, đạt 86% so với kế hoạch. KBNN các tỉnh thành phố đã tiến hành kiểm tra trên 1.768 cuộc, đạt trên 79% kế hoạch năm.

Cũng trong 8 tháng đầu năm, các đơn vị KBNN đã thực hiện giám sát được 1.591 lượt, qua đó đã phát hiện được một số các tồn tại trong việc hạch toán kế toán, việc chấp hành định mức chi tiêu đơn vị, cũng như phát hiện những số liệu bất hợp lý, những số liệu phát sinh bất thường. Chính từ những phát hiện này, KBNN đã có biện pháp kiểm tra đột xuất hay yêu cầu đơn vị báo cáo giải trình, đồng thời là cơ sở xác định được trọng tâm khi kiểm tra nghiệp vụ tại cơ sở.

Bên cạnh đó, công tác kiểm tra và tự kiểm tra nội bộ hệ thống KBNN được thực hiện tương đối tốt và được triển khai trên tất cả các mặt hoạt động nghiệp vụ. Công tác tự kiểm tra đã giúp cho cán bộ trực tiếp làm nghiệp vụ thấy được những tồn tại, sai sót của mình và chủ động khắc phục kịp thời ngay trong quá trình thực hiện. Với việc duy trì công tác tự kiểm tra thường xuyên đã tạo được ý thức cho cán bộ chú trọng hơn tới việc chấp hành chính sách, chế độ, quy trình nghiệp vụ, từ đó góp phần nâng cao trình độ nghiệp vụ của mỗi cán bộ, công chức.

Trong năm 2014, thực hiện việc tự kiểm tra diện rộng theo quy định của Chính phủ trong việc quản lý đầu tư và xử lý nợ đọng đối với các dự án đầu tư xây dựng cơ bản (XDCB) nội ngành, các đơn vị KBNN đã phát hiện và nhanh chóng khắc phục những tồn tại, sai sót của các dự án. Kết quả kiểm tra tại 63 KBNN tỉnh, thành phố, không có dự án nào nợ đọng trong đầu tư XDCB.

KBNN Tuyên Quang
Công tác thanh tra, kiểm tra luôn là nghiệp vụ đặc biệt quan trọng tại hệ thống KBNN. Ảnh: H.T

Công tác xử lý và chấn chỉnh sau kiểm tra có tính quyết định hiệu quả hoạt động thanh tra, kiểm tra. Hệ thống thanh tra KBNN đã tăng cường theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận, kiến nghị xử lý sau thanh tra, kiểm tra, nhất là các tồn tại, vi phạm về quy trình nghiệp vụ, quy chế làm việc dẫn đến mất an toàn tiền và tài sản do KBNN quản lý. Về cơ bản, các tồn tại trên đã được khắc phục kịp thời.

Minh bạch trong sử dụng ngân sách

Theo đánh giá của KBNN, mặc dù công tác thanh tra đã được toàn hệ thống KBNN nghiêm túc thực hiện, nhưng với Chiến lược Phát triển KBNN cùng với hàng loạt các nghiệp vụ được điện tử hóa thì công tác thanh tra càng phải được nâng cao.

Để làm được điều đó, theo chỉ đạo của KBNN, lãnh đạo các đơn vị KBNN cần kịp thời phổ biến, quán triệt các chủ trương, chính sách mới của Nhà nước, các văn bản chỉ đạo hướng dẫn của Bộ Tài chính, KBNN đến các đơn vị thuộc và trực thuộc để triển khai thực hiện kịp thời.

Bên cạnh đó, KBNN cũng chỉ đạo và có kế hoạch cụ thể bồi dưỡng nghiệp vụ kho bạc cho đội ngũ cán bộ công chức thanh tra, mỗi quý một lần cần tổ chức sinh hoạt trao đổi nghiệp vụ với các phòng chuyên môn nghiệp vụ nhằm 2 mục đích: Trao đổi thông tin về những tồn tại thiếu sót còn phát sinh tại đơn vị; trao đổi thông tin về những chế độ chính sách mới đang được triển khai thực hiện tại đơn vị.

Ngoài ra, công tác phúc tra, xử lý, khắc phục và chấn chỉnh sau thanh tra, kiểm tra cần được tăng cường hơn nữa, đảm bảo các kiến nghị đều được khắc phục triệt để. Đồng thời, yêu cầu báo cáo khắc phục sau thanh tra, kiểm tra của đơn vị phải kèm theo các bằng chứng chứng minh những tồn tại, sai sót đó đã được khắc phục.

Vân Hà

Vân Hà

© Thời báo Tài chính Việt Nam