Bộ Tài chính tổ chức hội nghị giao ban cơ sở đào tạo năm 2014

17:39 | 06/11/2014 Print
Ngày 6/11 tại Hưng Yên, Bộ Tài chính đã tổ chức Hội nghị giao ban các cơ sở đào tạo trực thuộc Bộ Tài chính năm 2014. Tham dự và chỉ đạo hội nghị có Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai, đại diện Vụ Tổ chức cán bộ, đại diện các cơ sở đào tạo thuộc Bộ Tài chính.

Thứ trưởng Vũ Thị Mai

Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai phát biểu và chỉ đạo hội nghị. Ảnh: MN.

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Vũ Thị Mai yêu cầu các ý kiến thảo luận tập trung vào mấy nội dung quan trọng như: tổng kết, đánh giá chất lượng đào tạo của các trường, những kết quả đã đạt được, những vấn đề cần rút kinh nghiệm về công tác đào tạo của các trường sau 1 năm thực hiện Chiến lược phát triển các cơ sở đào tạo trực thuộc Bộ Tài chính giai đoạn 2011 - 2015 và phương hướng nhiệm vụ năm học 2014 - 2015 đã được phê duyệt; công tác đào tạo cán bộ; đổi mới cơ chế tài chính; vấn đề luân chuyển cán bộ...

Ông Phạm Xuân Thủy - Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ đã trình bày báo cáo kết quả thực hiện Thông báo số 242/TB-BTC của Bộ Tài chính, chiến lược phát triển các cơ sở đào tạo trực thuộc Bộ năm học 2014 - 2015.

Báo cáo cho biết, hiện có 5 cơ sở đào tạo đại học, cao đẳng thuộc Bộ Tài chính, gồm: Học viện Tài chính, Đại học Tài chính - Marketing, Đại học Tài chính - Kế toán, Đại học Tài chính - Quản trị kinh doanh và Cao đẳng Tài chính - Hải quan.

Tính đến 30/8/2014, tổng số công chức, viên chức và người lao động của 5 cơ sở đào tạo là 1.947 người trên tổng số biên chế được giao là 2.100 người, trong đó có 2 giáo sư, 1 tiến sĩ khoa học, 45 phó giáo sư, 173 tiến sĩ, 812 thạc sĩ, 727 cử nhân.

Năm 2014, tổng quy mô đào tạo của 5 cơ sở đào tạo trực thuộc là 55.660 lượt người, trong đó có 329 nghiên cứu sinh, 3.862 học viên cao học và 39.186 sinh viên đại học, 11.744 sinh viên cao đẳng và 539 học sinh trung cấp.

Theo ông Phạm Xuân Thủy, công tác đào tạo trong thời gian qua dù đã đạt được những kết quả nhất định, nhưng còn tồn tại một số hạn chế, đó là việc cung cấp những kiến thức thực tế chuyên ngành cho học viên, sinh viên còn hạn chế, nên thời gian tiếp cận với công việc sau khi ra trường còn nhiều lúng túng. Đa số sinh viên sau khi tốt nghiệp chưa có kỹ năng xử lý công việc, các chuyên ngành đào tạo chưa đáp ứng kịp thời với nhu cầu xã hội.

Công tác nghiên cứu khoa học chưa có sự liên kết chặt chẽ, học hỏi kinh nghiệm giữa các trường với nhau và giữa các trường với Viện Chiến lược và Chính sách tài chính.

Từ những tồn tại trên đây, ông Phạm Xuân Thủy đề nghị các cơ sở đào tạo tiếp tục bám sát Đề án Chiến lược phát triển Trường giai đoạn 2013 - 2020 và định hướng phát triển đến năm 2030 đã được Bộ Tài chính phê duyệt cho từng cơ sở đào tạo, đặc biệt rà soát lại tiến độ thực hiện kế hoạch giai đoạn 2013 - 2015.

Để nâng cao chất lượng đào tạo trong thời gian tới, đề nghị các trường tăng thời gian học các môn chuyên ngành, tạo điều kiện cho sinh viên được học đầy đủ các môn học về tài chính, kế toán, tăng cường liên kết với các đơn vị để nâng cao kiến thức thực tế cho sinh viên.

Tăng cường hợp tác, trao đổi kinh nghiệm giữa các cơ sở đào tạo về công tác nghiên cứu khoa học và chủ động phối hợp với Viện Chiến lược Chính sách tài chính để định hướng đào tạo cho phù hợp với nhu cầu thực tế...

Theo kế hoạch, hội nghị sẽ diễn ra đến hết ngày 7/11/2014./.

Nhật Minh

Nhật Minh

© Thời báo Tài chính Việt Nam