Vốn điều lệ của Quỹ bảo lãnh tín dụng tối thiểu 30 tỷ đồng

16:42 | 18/10/2014 Print
Vốn điều lệ của Quỹ bảo lãnh tín dụng bao gồm: Vốn do ngân sách tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cấp khi thành lập Quỹ tối thiểu là 30 tỷ đồng; Vốn góp của các tổ chức tín dụng; Vốn góp của các DN khác; Vốn góp của hiệp hội ngành nghề, các tổ chức đại diện và hỗ trợ DNVVV.

Đây là những quy định tại Thông tư 147/2014/TT-BTC hướng dẫn một số điều của Quyết định số 58/2013/QĐ-TTg ngày 15/10/2013 về ban hành Quy chế thành lập, tổ chức và hoạt động của Quỹ bảo lãnh tín dụng cho DNNVV (Quỹ bảo lãnh tín dụng) vừa được Bộ Tài chính ban hành.

Thông tư 147 cho biết thêm, ngoài vốn chủ sở hữu, vốn hoạt động của Quỹ bảo lãnh tín dụng còn bao gồm: Vốn tài trợ hợp pháp của các tổ chức và cá nhân (bao gồm cả vốn hỗ trợ phát triển chính thức ODA) trong và ngoài nước dành cho lĩnh vực phát triển DNNVV; Các nguồn vốn hợp pháp khác theo quy định của pháp luật hiện hành.

Việc thay đổi vốn điều lệ của Quỹ bảo lãnh tín dụng do UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định. Khi thay đổi vốn điều lệ, Quỹ bảo lãnh tín dụng có trách nhiệm thông báo cho Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi Quỹ bảo lãnh tín dụng đặt trụ sở chính để theo dõi và giám sát.

Tại Điều 8, Thông tư 147 quy định, Quỹ bảo lãnh tín dụng được sử dụng vốn để: Thực hiện nghĩa vụ cam kết bảo lãnh của Quỹ bảo lãnh tín dụng cho bên được bảo lãnh theo quy định tại Quy chế thành lập và hoạt động của Quỹ bảo lãnh tín dụng; Đầu tư mua sắm tài sản cố định phục vụ cho hoạt động của Quỹ bảo lãnh tín dụng theo nguyên tắc giá trị còn lại của tài sản cố định tối đa không quá 7% vốn điều lệ thực có của Quỹ bảo lãnh tín dụng tại thời điểm mua sắm; Mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước và các ngân hàng thương mại hoạt động hợp pháp theo đúng quy định của pháp luật Việt Nam, đóng trên cùng địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; và sử dụng vốn nhàn rỗi để đầu tư mua trái phiếu chính phủ.

Quỹ bảo lãnh tín dụng có trách nhiệm thực hiện các quy định về bảo đảm an toàn vốn hoạt động, gồm: Quản lý, sử dụng vốn đúng mục đích, có hiệu quả; thực hiện các quy định về bảo đảm an toàn vốn trong hoạt động theo quy định của pháp luật; Mua bảo hiểm tài sản và các bảo hiểm khác theo quy định của pháp luật; Trích khoản dự phòng rủi ro theo quy định tại Điều 9 Thông tư này; Tuân thủ giới hạn bảo lãnh tín dụng theo quy định tại Điều 17 Quy chế thành lập và hoạt động của Quỹ bảo lãnh tín dụng; Thực hiện các biện pháp khác về bảo đảm an toàn vốn theo quy định của pháp luật.

“Không được sử dụng nguồn vốn hoạt động để thực hiện các mục đích kinh doanh tiền tệ, đầu tư chứng khoán (trừ trái phiếu chính phủ), kinh doanh bất động sản, đầu tư tài chính và các hoạt động kinh doanh không được phép khác”, Thông tư 147 nêu rõ.

Thông tư 147 có hiệu lực thi hành kể từ ngày 25/11/2014 và áp dụng từ năm tài chính 2014; thay thế Thông tư số 93/2004/TT-BTC ngày 29/09/2004 về hướng dẫn một số nội dung Quy chế thành lập, tổ chức và hoạt động của Quỹ bảo lãnh tín dụng cho các DNNVV./.

Xem toàn văn Thông tư 147 tại đây./.

Tài Tâm

Tài Tâm

© Thời báo Tài chính Việt Nam