Thẩm duyệt thiết kế phòng cháy và chữa cháy cho dự án mất phí tối đa 150 triệu đồng

16:55 | 16/10/2014 Print
Bộ Tài chính mới ban hành Thông tư 150 /2014/TT-BTC quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy và chữa cháy.

Theo đó, Thông tư 150 quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy và chữa cháy áp dụng cho các dự án, công trình và phương tiện giao thông cơ giới (sau đây gọi chung là dự án) được quy định tại khoản 2 Điều 15 Nghị định số 79/2014/NĐ-CP ngày 31/7/2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật phòng cháy và chữa cháy và các văn bản sửa đổi, bổ sung (nếu có).

Cũng theo Thông tư, mức thu phí thẩm duyệt phải nộp đối với một dự án tối thiểu là 2.000.000 đồng/dự án và tối đa là 150.000.000 đồng/dự án.

Đối với trường hợp cải tạo hoặc thay đổi tính chất sử dụng công trình, hạng mục công trình; phương tiện giao thông cơ giới được hoán cải thì mức phí thẩm duyệt bằng 40% mức thu phí thẩm duyệt lần đầu.

Đối với trường hợp dự án có thay đổi tổng vốn đầu tư thì tính phí thẩm duyệt được xác định trên cơ sở phần vốn đầu tư bổ sung.

Thời gian nộp phí thẩm duyệt là từ thời điểm nộp đủ hồ sơ đề nghị thẩm duyệt đến thời điểm nhận kết quả thẩm duyệt, theo giấy hẹn của cơ quan thẩm duyệt, cụ thể như sau:

Đối với dự án thiết kế quy hoạch tỷ lệ 1: 500: Thời gian nộp phí từ thời điểm nộp đủ hồ sơ đề nghị thẩm duyệt đến khi cơ quan thẩm duyệt có văn bản trả lời về giải pháp phòng cháy và chữa cháy, theo giấy hẹn.

Đối với hồ sơ thiết kế dự án, công trình và phương tiện giao thông cơ giới có yêu cầu đặc biệt về bảo đảm an toàn phòng cháy và chữa cháy:

Đối với hồ sơ thiết kế dự án, công trình có 1 bước thiết kế và phương tiện giao thông cơ giới: Người nộp phí phải nộp toàn bộ số phí thẩm duyệt trong thời gian từ thời điểm nộp đủ hồ sơ thiết kế đến trước khi được cấp Giấy chứng nhận thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy và chữa cháy; theo giấy hẹn.

Đối với hồ sơ thiết kế có từ 2 bước thiết kế trở lên: Người nộp phí phải nộp 30% số tiền phí thẩm duyệt phải nộp theo quy định, trong thời gian kể từ khi nộp đủ hồ sơ thiết kế cơ sở đến trước khi cơ quan thẩm duyệt có văn bản trả lời về giải pháp phòng cháy và chữa cháy đối với hồ sơ thiết kế cơ sở; nộp số tiền phí còn lại (70%) trong thời gian kể từ thời điểm nộp đủ hồ sơ thiết kế kỹ thuật (hoặc thiết kế bản vẽ thi công) đến trước khi được cấp Giấy chứng nhận thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy và chữa cháy, theo giấy hẹn.

Điểm đáng chú ý là, cơ quan thu phí được trích để lại 80% trên tổng số tiền phí thu được trước khi nộp vào ngân sách nhà nước để trang trải cho các nội dung như: Chi thanh toán cho cá nhân trực tiếp thực hiện công việc, dịch vụ và thu phí: tiền lương, tiền công, phụ cấp lương, các khoản đóng góp theo quy định được tính trên tiền lương (trừ chi phí tiền lương cho cán bộ, công chức, viên chức đã hưởng lương từ ngân sách nhà nước theo chế độ quy định). Chi làm thêm giờ cho công chức, viên chức thực hiện thẩm duyệt và thu phí theo quy định.

Chi văn phòng phẩm, vật tư văn phòng, thông tin liên lạc, điện, nước, công tác phí theo tiêu chuẩn, định mức hiện hành.

Chi sửa chữa thường xuyên, sửa chữa lớn tài sản, máy móc, thiết bị phục vụ trực tiếp cho thực hiện thẩm duyệt và thu phí; khấu hao tài sản cố định để thực hiện thẩm duyệt, thu phí.

Chi mua sắm, thiết bị làm việc, vật tư và nguyên liệu và các khoản chi khác liên quan trực tiếp đến việc thực hiện thẩm duyệt và thu phí;

Trích quỹ khen thưởng, phúc lợi cho cán bộ trực tiếp thực hiện công việc trong đơn vị theo hướng dẫn của pháp luật phí, lệ phí.

Cơ quan thu phí nộp 20% số tiền phí thu được vào ngân sách nhà nước theo Chương, mục, tiểu mục của Mục lục ngân sách nhà nước hiện hành.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/12/2014.

Phương Quyên

Phương Quyên

© Thời báo Tài chính Việt Nam