Sửa Luật Ngân sách: Nhấn mạnh nguyên tắc cải cách thủ tục hành chính

16:10 | 16/10/2014 Print
Tăng cường cải cách thủ tục hành chính trong quản lý và sử dụng ngân sách nhà nước (NSNN) là một nguyên tắc được nhấn mạnh xuyên suốt trong dự án Luật NSNN (sửa đổi) sắp được trình Quốc hội vào cuối tháng 10.

NSNN

Cán bộ kho quỹ KBNN Nam Định thực hiện chi trả các khoản tiền cho khách hàng. Ảnh: Thu Hằng

Nhiều quy định tạo thuận lợi trong quản lý, sử dụng ngân sách

Luật NSNN (sửa đổi) gồm có 11 nhóm thủ tục hành chính, liên quan đến: lập dự toán ngân sách (khoản 7 Điều 24, từ Điều 40 đến Điều 45), lập lại dự toán ngân sách (Điều 46), phân bổ dự toán ngân sách (Điều 47, Điều 48), tạm cấp ngân sách (Điều 49), điều chỉnh dự toán ngân sách (Điều 50), kiểm soát chi ngân sách (khoản 7 Điều 24, Điều 12, Điều 54), ứng trước dự toán ngân sách năm sau (Điều 55), quyết toán ngân sách (khoản 7 Điều 24, từ Điều 63 đến Điều 68), thu ngân sách, nộp ngân sách (khoản 7 Điều 24, Điều 53) và các thủ tục kê khai, miễn giảm, gia hạn, hoàn trả các khoản thu ngân sách (điểm b khoản 2 Điều 15).

Về cơ bản Luật sửa đổi không phát sinh thêm các thủ tục hành chính mới. Đồng thời, nhiều nội dung đã sửa đổi, bổ sung rõ hơn về thời gian trình, quyết định, phân bổ và giao dự toán NSNN, thời hạn điều chỉnh dự toán, thời gian tổng hợp, báo cáo quyết NSNN,... để tạo thuận lợi trong quá trình thực hiện.

Cụ thể, về nội dung quản lý kinh phí ủy quyền, quy định hiện hành là trường hợp cơ quan quản lý cấp trên ủy quyền cho cơ quan quản lý cấp dưới thực hiện nhiệm vụ chi của mình thì phải chuyển kinh phí từ ngân sách cấp trên cho ngân sách cấp dưới để thực hiện nhiệm vụ đó.

Thực tế cho thấy quy trình lập dự toán, thực hiện và quyết toán phức tạp, tính ràng buộc trách nhiệm hạn chế. Trên cơ sở số kinh phí ủy quyền từ ngân sách cấp trên, cơ quan tài chính cấp dưới báo cáo UBND trình HĐND cùng cấp phân bổ cho các đơn vị cấp dưới được ủy quyền thực hiện; trong quá trình thực hiện, cơ quan tài chính cấp trên chuyển kinh phí vào tài khoản kinh phí ủy quyền của ngân sách cấp dưới để cơ quan tài chính cấp dưới cấp cho đơn vị nhận ủy quyền; kết thúc năm đơn vị cấp dưới được ủy quyền quyết toán với cơ quan tài chính cùng cấp, cơ quan tài chính tổng hợp quyết toán với cơ quan tài chính cấp trên.

Vì vậy, Luật NSNN (sửa đổi) bổ sung quy định trường hợp cơ quan quản lý nhà nước cấp trên ủy quyền cho cơ quan quản lý nhà nước cấp dưới thực hiện nhiệm vụ chi của mình, thì phải phân bổ và giao dự toán cho cơ quan quản lý nhà nước cấp dưới để thực hiện nhiệm vụ đó; cơ quan nhận kinh phí ủy quyền phải quyết toán với cơ quan ủy quyền khoản kinh phí này.

Quy định như trên đã khắc phục được những tồn tại hiện hành, tăng cường cải cách thủ tục hành chính; việc phân bổ, giao dự toán được thực hiện trực tiếp từ cơ quan ủy quyền cho cơ quan được ủy quyền; các đơn vị được ủy quyền thực hiện rút dự toán kinh phí ở Kho bạc Nhà nước nơi giao dịch; đồng thời, đơn vị nhận kinh phí ủy quyền quyết toán trực tiếp với đơn vị ủy quyền.

Thẩm tra sau trong thực hiện dự toán ngân sách

Với thảo luận dự toán ngân sách của cơ quan tài chính cấp trên đối với UBND cấp dưới, Luật hiện hành quy định các năm trong thời kỳ ổn định ngân sách, cơ quan tài chính các cấp có trách nhiệm làm việc với UBND cấp dưới trực tiếp về dự toán ngân sách khi UBND cấp dưới có đề nghị.

Để cải cách thủ tục trong việc xây dựng dự toán ngân sách hàng năm, Luật NSNN (sửa đổi) quy định cơ quan tài chính cấp trên chỉ thảo luận về dự toán ngân sách đối với năm đầu thời kỳ ổn định ngân sách với UBND cấp dưới trực tiếp để xác định tỷ lệ phần trăm (%) phân chia các khoản thu phân chia giữa ngân sách cấp trên và ngân sách cấp dưới, số bổ sung cân đối từ ngân sách cấp trên cho ngân sách cấp dưới, để làm cơ sở xây dựng dự toán ngân sách các năm sau.

Để đẩy nhanh việc thực hiện dự toán ngân sách, Luật NSNN (sửa đổi) quy định cơ quan tài chính “thẩm tra sau” thay cho việc cơ quan tài chính “thẩm tra trước” khi các cơ quan nhà nước ở Trung ương và địa phương, các đơn vị dự toán quyết định dự toán của đơn vị mình.

Trong việc thẩm định quyết toán NSNN, dự thảo Luật bỏ quy định Bộ Tài chính phải thẩm định quyết toán ngân sách địa phương đã được HĐND cấp tỉnh phê chuẩn, thể hiện cải cách thủ tục hành chính, gắn trách nhiệm của HĐND cấp tỉnh trong việc phê chuẩn ngân sách địa phương mình. Trong quá trình tổng hợp, nếu có phát hiện sai sót, thì cơ quan tài chính cấp trên yêu cầu địa phương xử lý vào ngân sách năm sau, sẽ phù hợp với thực tiễn, đảm bảo tính khả thi trong tổ chức thực hiện của địa phương.

Với những sửa đổi trên, Luật NSNN (sửa đổi) đã quán triệt nguyên tắc tăng cường cải cách thủ tục hành chính trong quản lý NSNN, tạo thuận lợi cho các đơn vị sử dụng ngân sách, đồng thời nâng cao ý thức trách nhiệm trong việc sử dụng ngân sách đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả./.

Thanh Mai

Thanh Mai

© Thời báo Tài chính Việt Nam