Giải ngân vốn đầu tư: Hồ sơ thanh toán được đơn giản hóa tối đa

10:08 | 14/10/2014 Print
(TBTCVN) - Tính đến hết tháng 9/2014, số vốn giải ngân qua Kho bạc Nhà nước (KBNN) đạt trên 184.348 tỷ đồng (gồm cả vốn tạm ứng), bằng 63,9% kế hoạch vốn Nhà nước giao năm 2014. Con số này cho thấy, số vốn giải ngân cao hơn so với cùng kỳ năm 2013 về tuyệt đối, nhưng thấp hơn về tỷ lệ giải ngân.

Ngày 7/10 vừa qua, KBNN đã tổ chức buổi Tọa đàm về Giải ngân vốn đầu tư năm 2014 nhằm đưa ra các giải pháp để đẩy nhanh tiến độ từ nay đến cuối năm.

Nhiều biện pháp nhưng vẫn “vướng”

Ông Nguyễn Việt Hồng, Phó Tổng giám đốc KBNN cho biết, để tạo điều kiện thuận lợi nhất trong công tác thanh toán vốn đầu tư, KBNN đã thực hiện một số giải pháp, cụ thể:

Việc giải ngân nguồn vốn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố chứ không chỉ riêng KBNN. Đến KBNN chỉ là khâu cuối cùng trong tất cả các khâu thanh toán vốn. Tuy nhiên, về phía KBNN, chúng tôi cố gắng làm sao để cải cách thủ tục hành chính một cách tốt nhất và phối hợp với các cơ quan chủ quản, chủ đầu tư, BQLDA để tìm cách tháo gỡ nhanh nhất những vướng mắc phát sinh từ thực tiến.

Nguyễn Việt Hồng

Ông Nguyễn Việt Hồng

KBNN đã phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ Tài chính tham mưu trình Bộ ban hành một số văn bản nhằm tháo gỡ vướng mắc trong quá trình thực hiện kiểm soát chi, tập trung thu ngân sách nhà nước (NSNN) và tăng cường kiểm soát thanh toán các khoản chi. Đồng thời, ban hành các văn bản hướng dẫn các đơn vị KBNN thực hiện kiểm soát chi ngân sách năm 2014.

Trong quá trình kiểm soát chi, KBNN các tỉnh, thành phố đã phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành và hướng dẫn các chủ đầu tư, ban quản lý dự án (BQLDA) trong việc hoàn thiện hồ sơ, thủ tục tạm ứng, thanh toán. Đảm bảo mọi hồ sơ, chứng từ do chủ đầu tư và BQLDA gửi tới Kho bạc đều được tiếp nhận và giải quyết theo đúng chế độ và thời gian quy định. Bên cạnh đó, KBNN thường xuyên có văn bản đôn đốc các chủ đầu tư, các BQLDA đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, nghiệm thu khi đã có khối lượng hoàn thành và hoàn chỉnh hồ sơ thủ tục gửi đến KBNN để kiểm soát thanh toán, thu hồi vốn đã tạm ứng.

KBNN cũng chủ động nắm bắt kịp thời những vướng mắc, tồn tại, nguyên nhân giải ngân chậm, tổng hợp lại để xử lý theo thẩm quyền. Báo cáo Bộ Tài chính để báo cáo Thủ tướng Chính phủ nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc giải ngân dự án như: Tháo gỡ về thủ tục đầu tư đối với các dự án thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia, tháo gỡ một số nội dung liên quan đến bảo lãnh tạm ứng hợp đồng, mức tạm ứng đối với các dự án ODA…

Ngoài ra, định kỳ hàng tháng, KBNN công khai tình hình giải ngân vốn đầu tư của từng địa phương để các địa phương có biện pháp chỉ đạo, đôn đốc chủ đầu tư tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, khẩn trương nghiệm thu và hoàn thiện hồ sơ thanh toán gửi KBNN, tránh dồn nhiều vào cuối năm.

Cung the thao nam dinh

Cung thể thao tỉnh Nam Định là một trong những công trình có tiến độ giải ngân vốn đầu tư nhanh.

Tuy nhiên, theo ông Hồng, việc giải ngân của cả nước hiện chưa cao là do một số nguyên nhân.

Đầu tiên phải kể đến quy định về bảo lãnh tạm ứng hợp đồng tại Nghị định số 207/2013/NĐ- CP ngày 11/12/2013 của Chính phủ. Quy định này đảm bảo quản lý chặt chẽ, chống thất thoát, chiếm dụng nguồn vốn NSNN, nhưng cũng là một trong những nguyên nhân ảnh hưởng không nhỏ tới tỷ lệ giải ngân. Bởi vì, để có được bảo lãnh tạm ứng của ngân hàng, nhà thầu phải có số dư trên tài khoản hay giá trị tài sản thế chấp tương ứng tại ngân hàng. Mặt khác, cùng với việc khống chế tỷ lệ tạm ứng không quá 30%/kế hoạch vốn của dự án nên dẫn đến trường hợp nhà thầu không thực hiện tạm ứng hợp đồng.

Hay như công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) tại một số dự án còn chậm, một số dự án chưa bố trí đủ vốn GPMB nên không thể bồi thường dẫn đến không bàn giao được mặt bằng cho thi công.

Việc bổ sung vốn TPCP cho các dự án giai đoạn 2014 - 2016, bổ sung vốn đối ứng từ nguồn TPCP cho các dự án ODA, dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia mới được Chính phủ bổ sung vào giữa năm nay nên các bộ, địa phương mới phân khai vốn cho các dự án, nhưng việc phân khai chậm đã làm ảnh hưởng đến công tác giải ngân…

Đã đơn giản hóa tối đa

Để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư đạt mức cao nhất vào cuối năm, KBNN đã đưa ra một số phương hướng. Theo đó, KBNN các cấp tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các đơn vị, các chủ đầu tư để có biện pháp tháo gỡ kịp thời những khó khăn phát sinh trong thực tiễn. Đồng thời, KBNN cũng sẽ chỉ đạo các đơn vị trong toàn hệ thống phối hợp với cơ quan tài chính các cấp đảm bảo đủ nguồn vốn, thực hiện điều hành linh hoạt nguồn vốn trong hệ thống để kịp thời thanh toán khi chủ đầu tư gửi hồ sơ thanh toán đến… Bên cạnh đó, KBNN kiên quyết từ chối các khoản chi không đúng chế độ, không có trong định mức tiêu chuẩn để đảm bảo “một đồng vốn đầu tư từ NSNN, từ trái phiếu chính phủ vào các công trình xây dựng cơ bản sẽ phát huy những tác dụng hết sức to lớn tới sự phát triển kinh tế xã hội, đến an sinh của người dân và từ đó sẽ tác động ngược trở lại tới nguồn vốn đầu tư XDCB mới”, ông Hồng nhấn mạnh.

Tuy nhiên, theo ông Hồng, các chủ đầu tư và nhà thầu cũng cần thẳng thắn nhìn lại trách nhiệm của mình bởi theo ghi nhận từ Vụ Đầu tư, Bộ Tài chính, hồ sơ thanh toán đã được đơn giản tối đa. Đây là những nỗ lực rất lớn của cơ quan quản lý để tạo điều kiện thuận lợi cho chủ đầu tư và nhà thầu trong công tác thanh toán vốn. Nhưng qua các cuộc kiểm tra tại địa phương, một thực tế đưa ra là, không phải lúc nào nhà thầu và chủ đầu tư cũng đã làm hết trách nhiệm của mình. Bởi nhiều nơi, năng lực của các chủ đầu tư và nhà thầu, đặc biệt ở cấp tỉnh, huyện, xã còn hạn chế, dẫn tới không thể thực hiện dự án hoặc thanh quyết toán theo yêu cầu. Vì thế, theo ông Hồng, nên có biện pháp mạnh là thay nhà thầu nếu nhà thầu đó không đủ năng lực./.

Vân Hà

Vân Hà

© Thời báo Tài chính Việt Nam