Hoàn thiện hệ thống thông tin pháp luật tài chính để hỗ trợ doanh nghiệp

16:51 | 01/10/2014 Print
Trong những năm gần đây, hỗ trợ pháp lý cho DN được xác định là nhiệm vụ thường xuyên của các đơn vị thuộc Bộ Tài chính. Hàng năm, Bộ Tài chính đều ban hành Kế hoạch hỗ trợ pháp lý cho DN với các nội dung trọng tâm cần hỗ trợ và xác định hình thức hỗ trợ phù hợp.

doi thoai

Đối thoại với doanh nghiệp là hoạt động thường niên của ngành Tài chính. Ảnh: mof.gov

Nhiều hình thức hỗ trợ

Trong thời gian qua, Bộ Tài chính đã tập trung triển khai hỗ trợ cho DN đối với các nội dung liên quan đến Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập cá nhân, thuế GTGT, thuế TNDN, Luật Giá…Đồng thời, chỉ đạo các Tổng cục tổ chức theo hệ thống ngành dọc thực hiện lồng ghép nhiệm vụ hỗ trợ pháp lý vào kế hoạch phổ biến giáo dục pháp luật, tuyên truyền, cung cấp thông tin cho người khai hải quan, người nộp thuế để thực hiện hiệu quả công tác này.

Hàng năm, Tổng cục Hải quan, Tổng cục Thuế đã phối hợp với Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức Hội nghị đối thoại DN, để giải đáp những vướng mắc của DN trong quá trình thực hiện VBQPPL thuế, hải quan.

Ngoài ra, Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan đã chỉ đạo trong toàn ngành đẩy mạnh công tác hỗ trợ người nộp thuế trong thực hiện VBQPPL và thủ tục hành chính. Một số cơ quan thuế, hải quan đóng tại địa phương đã thực hiện tốt việc cung cấp thông tin pháp luật và hỗ trợ cho người dân và DN thực hiện tốt các quy định của pháp luật và thủ tục hành chính trong tuần lễ ”Lắng nghe ý kiến người nộp thuế”: cung cấp thông tin cho người khai hải quan, người nộp thuế...

Ông Đặng Công Khôi, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Tài chính cho biết: Trong lĩnh vực tài chính, việc lựa chọn lĩnh vực, nội dung trọng tâm hỗ trợ pháp lý cho DN được thực hiện theo nguyên tắc: Các văn bản pháp luật tài chính mới ban hành trong năm, có nội dung liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN; Các VBQPPL dự kiến ban hành trong năm; Các VBQPPL tài chính cần tiếp tục thực hiện hỗ trợ pháp lý cho DN, căn cứ quan trọng là các chương trình xây dựng VBQPPL tài chính và kết quả triển khai thực hiện các chương trình.

Hoàn thiện hệ thống thông tin pháp luật tài chính để hỗ trợ doanh nghiệp
Các DN có thể dễ dàng tra cứu các VBQPPL và tham khảo các thông tin kinh tế qua hệ thống Website của Bộ Tài chính và các tạp chí chuyên ngành. Đây cũng là một trong những hoạt động được đánh giá là khá hiệu quả trong triển khai hỗ trợ pháp lý cho DN của Bộ Tài chính.  Ông Đặng Công Khôi

Theo đó, nội dung trọng tâm hỗ trợ pháp lý cho DN năm 2014 là các VBQPPL như: Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật thuế TNDN, thuế GTGT và các văn bản hướng dẫn thi hành; Các Nghị định liên quan đến xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài chính, Luật Giá, Luật kinh doanh bảo hiểm; Các văn bản hướng dẫn về thủ tục hải quan, kiểm tra giám sát hải quan; thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và quản lý thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu và các văn bản hướng dẫn cộng đồng doanh nghiệp về Hệ thống thông quan tự động (gọi tắt là Hệ thống VNACCS/VCIS)…

Cần hoàn thiện hệ thống thông tin pháp luật về tài chính

Tuy nhiên, nhiều DN cho biết, mặc dù các VBQPPL tương đối đầy đủ, nhưng để có thể hiểu, nắm bắt được các quy định của pháp luật nhất là trong một số lĩnh vực mang tính chuyên ngành cao như chứng khoán, bảo hiểm... để triển khai hiệu quả các quy định của pháp luật vẫn là khó khăn đối với DN.

Ông Đặng Công Khôi cho rằng: Để hỗ trợ DN có hiệu quả, trước hết cần hoàn thiện hệ thống thông tin pháp luật về tài chính tạo điều kiện cho DN nắm bắt kịp thời và tuân thủ pháp luật một cách đầy đủ, qua đó góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người quản lý DN. Đây có thể coi là một trong những hoạt động cấp thiết hiện nay.

Bên cạnh đó, cần đề cao trách nhiệm của Thủ trưởng đơn vị trong tổ chức triển khai nhiệm vụ hỗ trợ pháp lý cho DN; xác định hỗ trợ pháp lý cho DN là nhiệm vụ thường xuyên của đơn vị, từ đó xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể để thực hiện.

Thực hiện lồng ghép hoạt động hỗ trợ pháp lý cho DN với các hoạt động chuyên môn khác như hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật; tuyên truyền cung cấp thông tin cho người nộp thuế, người khai hải quan; các hoạt động phối hợp với VCCI, các hiệp hội ngành nghề. Đặc biệt, trong các dịp triển khai ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, ngày Pháp luật Tài chính, tháng/ tuần lễ đối thoại với người nộp thuế, người khai hải quan đang thực hiện có hiệu quả thời gian qua. Thiết thực xây dựng cơ chế tiếp nhận các đề xuất kiến nghị, nắm bắt yêu cầu để xác định nội dung, đối tượng, trên cơ sở đó lựa chọn hình thức thực hiện hỗ trợ pháp lý cho DN hiệu quả.

Thảo Miên

Thảo Miên

© Thời báo Tài chính Việt Nam