Cách nào thúc tiến độ giải ngân vốn đầu tư?

14:38 | 26/09/2014 Print
(TBTCVN) - Ngay từ đầu năm 2014, tại Nghị quyết số 01/NQ- CP về những nhiệm vụ, giải pháp chỉ đạo điều hành thực hiện phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước (NSNN), vấn đề giải ngân được coi là một trong những yếu tố hàng đầu quyết định sự phát triển.

giải ngân vốn đầu tư XDCB

Nguồn vốn TPCP thuộc trung ương nhưng dự án lại giao cho cấp xã thực hiện cũng là nguyên nhân làm cho tiến độ giải ngân vốn bị chậm. Ảnh: Hạnh Thảo

Nhưng cho đến thời điểm này, bên cạnh một số bộ, ngành, địa phương có tỷ lệ giải ngân cao (đạt từ 70% trở lên), vẫn còn một số đơn vị có tỷ lệ giải ngân thấp (dưới 30%), thậm chí có đơn vị còn chưa thực hiện giải ngân. Với chức năng, nhiệm vụ của mình, Kho bạc Nhà nước (KBNN) đã đưa ra một số giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải ngân…

Nhiều nguyên nhân ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân

Ông Vũ Đức Hiệp, Vụ trưởng Vụ Kiểm soát chi NSNN, KBNN cho biết, nhiều chính sách, chế độ mới được ban hành có hiệu lực trong năm 2014 như: Quy định về bảo lãnh tạm ứng, đơn giản hóa trong đấu thầu, nâng cao trách nhiệm của các đơn vị tham gia thực hiện trong quá trình đầu tư và xây dựng đã góp phần quản lý chặt chẽ, hiệu quả hơn nguồn vốn đầu tư từ NSNN.

Về phía KBNN cũng đã có nhiều biện pháp nhằm đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư như: Tổ chức hội nghị tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ chủ chốt làm công tác kiểm soát chi trong toàn hệ thống, trong đó phổ biến nội dung mới liên quan đến việc kiểm soát, thanh toán vốn đầu tư xây dựng cơ bản (XDCB) năm 2014; kịp thời tháo gỡ vướng mắc hoặc báo cáo Bộ Tài chính những trường hợp vượt thẩm quyền giải quyết; công khai bộ thủ tục hành chính tại hệ thống KBNN hoặc trên các phương tiện thông tin đại chúng, trong đó có thủ tục hành chính liên quan đến kiểm soát, thanh toán vốn đầu tư XDCB; công khai tỷ lệ giải ngân nguồn vốn này về từng KBNN địa phương ngay từ quý I/2014;…

Tuy nhiên, theo ông Hiệp, vẫn còn một số nguyên nhân ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân như: Vướng mắc về thủ tục đầu tư đối với các dự án khởi công mới của các dự án Chương trình mục tiêu (mới được tháo gỡ trong tháng 7 vừa qua). Hay như vướng mắc về bảo lãnh tạm ứng theo Nghị định số 207/2013/NĐ- CP của Chính phủ đối với trường hợp dân tự làm cũng mới có hướng dẫn từ Bộ Xây dựng vào ngày 1/7/2014…, nên KBNN đang gặp khó khăn trong kiểm soát thanh toán vốn đối với trường hợp này.

Tính đến ngày 20/8/2014, lũy kế vốn đầu tư giải ngân qua hệ thống KBNN trên 159.411 tỷ đồng, đạt 53% so với kế hoạch vốn được giao, cao hơn về số tuyệt đối nhưng thấp hơn về tỷ lệ giải ngân so với cùng kỳ năm 2013 (lũy kế vốn đầu tư giải ngân đến ngày 20/8/2013 trên 143.728 tỷ đồng, đạt 59% so với kế hoạch vốn nhà nước giao). Trong đó, giải ngân vốn đầu tư XDCB trên 88.313 tỷ đồng, vốn TPCP gần 46.979 tỷ đồng, vốn chương trình mục tiêu quốc gia trên 8.648 tỷ đồng.

Hơn nữa, trong những tháng đầu năm 2014, các bộ, ngành, địa phương đang trong quá trình thực hiện phân bổ vốn đầu tư, vì vậy chủ đầu tư chưa có khối lượng nghiệm thu gửi KBNN làm cơ sở kiểm soát, thanh toán. Bên cạnh đó, trong những tháng đầu năm, chủ đầu tư và nhà thầu tập trung thanh toán kế hoạch năm 2013 và kế hoạch kéo dài, ứng trước (khoảng 38.000 tỷ đồng).

Ngoài ra, do ảnh hưởng biến động bởi giá xăng dầu dẫn đến cước vận tải tăng trong những tháng đầu năm, kéo theo giá nguyên vật liệu xây dựng tăng lên đáng kể, đã làm cho một số công trình phải thực hiện phê duyệt dự toán bổ sung. Việc giao kế hoạch vốn đối với nguồn vốn trái phiếu chính phủ cũng gặp khó khi nguồn vốn thuộc trung ương nhưng dự án lại giao cho cấp xã làm chủ đầu tư đã kéo nhiều thời gian phân cấp (trung ương - tỉnh - huyện - xã)… ảnh hưởng rất lớn tới tiến độ giải ngân.

Làm thế nào để giải ngân nhanh nguồn vốn?

Đây là câu hỏi đang được đặt ra cho các bộ, ngành, địa phương cũng như các cơ quan chức năng khi lượng vốn đầu tư cần giải ngân từ nay đến cuối năm là khá lớn.

Tuy nhiên, theo ông Hiệp, giải ngân vốn đầu tư thường tập trung vào những tháng cuối năm đặc biệt là tháng 12 và tháng 1 năm sau. Nắm bắt được quy luật này, với chức năng và nhiệm vụ của mình, toàn hệ thống KBNN đã và đang triển khai nhiều biện pháp.

Cụ thể, KBNN đã kịp thời phổ biến, quán triệt đầy đủ tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính đến từng cán bộ trong hệ thống nói chung và cán bộ làm công tác kiểm soát chi nói riêng đối với những quy định mới trong quá trình thực hiện nhiệm vụ kiểm soát chi vốn đầu tư XDCB năm 2014.

Bên cạnh đó, KBNN thường xuyên chỉ đạo cán bộ làm công tác kiểm soát chi tận tình hướng dẫn, tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ đầu tư hoàn tất các hồ sơ, thủ tục thanh toán vốn, đồng thời quán triệt cán bộ KBNN phải chấp hành nghiêm quy định của nhà nước, chấp hành và thực hiện đầy đủ quy trình nghiệp vụ.

Ngoài ra, KBNN đang đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, chỉ đạo KBNN các tỉnh, thành phố thực hiện nghiêm quy định về công khai quy trình, hồ sơ, thủ tục kiểm soát chi NSNN... Ðể đẩy nhanh tiến độ giải ngân, KBNN đã thực hiện quy trình “Thanh toán trước, kiểm soát sau”, qua đó đã giảm thời gian thanh toán từng phần từ 5 ngày làm việc xuống còn 3 ngày. Ðồng thời, thiết lập các đường dây nóng để tiếp nhận và giải quyết các vướng mắc do các chủ đầu tư phản ánh; kiên quyết xử lý các trường hợp gây phiền hà, sách nhiễu, cửa quyền nhằm nâng cao chất lượng phục vụ của hệ thống KBNN...

Vân Hà

Vân Hà

© Thời báo Tài chính Việt Nam