Cần phải kiểm tra, rà soát lại số liệu đối tượng an sinh xã hội

08:25 | 24/09/2014 Print
Bộ Tài chính vừa có ý kiến góp ý vào Đề án cơ sở dữ liệu quốc gia về an sinh xã hội giai đoạn 2015-2025 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội chuẩn bị trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

yt

Số liệu cấp trùng thẻ BHYT chưa chính xác cần rà soát lại. Ảnh: H.Minh

Số liệu ”vênh” nhau

Theo dự thảo Đề án báo cáo là khoảng 2,6 triệu đối tượng trợ giúp xã hội hàng tháng. Tuy nhiên, Bộ Tài chính cho biết, dự thảo Tờ trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án quy hoạch, phát triển mạng lưới các cơ sở trợ giúp xã hội của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (tháng 5/2014), số đối tượng này là 2,7 triệu người.

Về số liệu cấp trùng thẻ bảo hiểm y tế, theo số liệu tổng hợp của Bộ Tài chính từ báo cáo của các địa phương, tổng số thẻ bảo hiểm y tế cấp trùng là 1,451 triệu thẻ (trong đó: năm 2011 là 0,734 triệu thẻ; năm 2012 là 0,717 triệu thẻ), tương ứng với tổng số tiền ngân sách nhà nước đã cấp trùng là 624 tỷ đồng.

Theo báo cáo của Chính phủ số 64/BC-CP ngày 21/3/2014, tỷ lệ hộ nghèo đến cuối năm 2012 là 9,6%, số hộ nghèo còn 2,149 triệu hộ, đến năm 2013 thì tỷ lệ hộ nghèo còn 7,8% dân số (số hộ nghèo theo dự thảo Đề án là 2,8 triệu hộ).

Theo dự thảo Đề án, số lượt học sinh nghèo được miễn giảm học phí, hỗ trợ học tập và trợ cấp tiền ăn là 4 triệu lượt. Tuy nhiên, theo Báo cáo số 63/BC-CP ngày 21/3/2014 của Chính phủ, đây là số thực hiện trong 02 năm 2011-2012 chứ không phải số lượt học sinh được hỗ trợ đến hiện tại.

Chính vì vậy, Bộ Tài chính đề nghị Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội phải kiểm tra, rà soát số liệu đối tượng trên nhằm bảo đảm tính chính xác, cụ thể khi thực hiện đề án.

Nên gộp 3 đề án thành 1 để tránh chồng chéo

Bộ Tài chính cho biết, Nghị quyết số 70/NQ-CP ngày 01/11/2012 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TW giao Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội chủ trì trình Thủ tướng Chính phủ 3 Đề án:

Mã số an sinh xã hội và ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý và cung cấp dịch vụ xã hội; Cơ sở dữ liệu quốc gia về an sinh xã hội; Phát triển bộ chỉ số an sinh xã hội, xây dựng báo cáo quốc gia và báo cáo đối với các nhóm đặc thù về an sinh xã hội.

Tuy nhiên, nội dung Đề án đã bao trùm nội dung của cả 3 Đề án trên. Do vậy, để tránh chồng chéo về chính sách và nội dung, Bộ Tài chính đề nghị Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội trình Thủ tướng Chính phủ gộp 3 Đề án thành Đề án cơ sở dữ liệu quốc gia về an sinh xã hội giai đoạn 2015-2025.

Bộ Tài chính cũng đề nghị Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội làm rõ hơn sự cần thiết của việc đầu tư xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về an sinh xã hội trong mối quan hệ với các Cơ sở dữ liệu.

Theo lý giải của Bộ Tài chính, trong Thông báo của Văn phòng Chính phủ đã đồng ý chủ trương xây dựng Cơ sở dữ liệu thống kê tổng hợp về dân số (trên cơ sở bổ sung, hoàn thiện, cập nhật Cơ sở dữ liệu quốc gia tổng hợp điều tra dân số và nhà ở). Đây là cơ sở dữ liệu quốc gia được khai thác chung, phục vụ công tác quản lý nhà nước, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội.

"Do đó, việc làm rõ này để tránh trùng lắp trong việc xây dựng các cơ sở dữ liệu quốc gia liên quan đến thu thập thông tin của người dân", Bộ Tài chính nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng nêu rõ, kinh phí thực hiện Đề án do cơ quan tài chính các cấp trình cấp có thẩm quyền bố trí theo đề nghị của các bộ, cơ quan trung ương và các ban, ngành ở địa phương.

Việc quyết định bố trí kinh phí cho hoạt động của các đơn vị ở địa phương thuộc thẩm quyền của HĐND và UBND các cấp theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn Luật.

Việc lập, phân bổ, thanh quyết toán kinh phí thực hiện Đề án theo phân cấp quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn.

Các hoạt động của Đề án đều đã có các văn bản hướng dẫn về nội dung và mức chi (ví dụ: chi chế độ công tác phí, hội nghị, hội thảo, chi đào tạo ngắn hạn, tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực chuyên môn nghiệp vụ,..) thực hiện theo các chế độ hiện hành đối với cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp./.

M.Hoàng

M.Hoàng

© Thời báo Tài chính Việt Nam