Cùng vào cuộc để giải phóng nhanh hàng hóa xuất nhập khẩu

11:47 | 22/09/2014 Print
Tổng cục Hải quan vừa tổ chức hội nghị công bố kết quả đo thời gian giải phóng hàng năm 2013. Đây là kết quả chung các khoảng thời gian giải phóng hàng của cơ quan hải quan được tổng hợp từ 11 Chi cục Hải quan tiến hành đo.

Thời gian tác nghiệp của cơ quan hải quan: 28%

Theo đó, đối với hàng NK, thời gian từ khi hàng đến cảng/cửa khẩu đến khi hàng có quyết định thông quan/giải phóng hàng ra khỏi khu vực giám sát hải quan (tổng thời gian giải phóng hàng) là: 115 giờ 17 giây.

Phó Tổng cục trưởng TCHQ Hoàng Việt Cường cho biết, thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan đã có kế hoạch chi tiết triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để góp phần giảm thời gian giải phóng hàng. Trong đó chú trọng: Đơn giản hóa, minh bạch thủ tục và thời gian thực hiện trong Luật Hải quan, nâng cao chất lượng công tác nghiệp vụ hải quan, kiểm soát thời gian tác nghiệp của cán bộ theo luật định, phối hợp với các cơ quan liên quan để cắt giảm thời gian.

Luật Hải quan năm 2014 có hiệu lực vào ngày 01/01/2015, Tổng cục Hải quan đã chỉ đạo các Cục Hải quan tỉnh, thành phố tổ chức thực hiện ngay những nội dung cải cách hành chính, để ngay trong năm 2014 đạt thời gian tiếp nhận và đăng ký tờ khai dưới 5 phút; thời gian kiểm tra hồ sơ không quá 2 giờ; thời gian kiểm tra thực tế hàng hóa không quá 8 giờ; thời gian kiểm tra giám sát tại cổng cảng không quá 3 phút; thanh toán thuế và lệ phí cơ bản bằng phương thức điện tử.

Trong đó, thời gian giải phóng hàng từ khi đăng ký tờ khai cho đến khi cơ quan hải quan ra quyết định thông quan/giải phóng hàng là: 32 giờ 37 phút 55 giây (chiếm khoảng 28% tổng thời gian giải phóng hàng). 72% còn lại là thời gian tác nghiệp của các cơ quan, tổ chức khác có liên quan đến hoạt động XNK hàng hóa.

Đối với hàng XK, thời gian từ khi đăng ký tờ khai cho đến khi cơ quan hải quan ra quyết định thông quan/giải phóng hàng là: 11 giờ 6 phút 33 giây.

Kết quả cuộc đo cũng cho thấy các chủ thể tác động đến kết quả thời gian thông quan/giải phóng hàng. Cụ thể: Từ khi hàng đến đến khi đăng ký tờ khai (chiếm 58%) thuộc trách nhiệm của DN, các cơ quan kiểm tra chuyên ngành, hãng tàu, công ty kinh doanh cảng, kho bãi, bến bãi chứa hàng hóa…

Từ khi đăng ký tờ khai đến khi thông quan/giải phóng hàng (chiếm 28%): Thuộc trách nhiệm của cơ quan hải quan, DN, các cơ quan kiểm tra chuyên ngành (thời gian DN chờ kết quả kiểm tra chuyên ngành để kiểm tra chi tiết hồ sơ), công ty kinh doanh cảng (chờ chuẩn bị hàng để kiểm hóa),...

Từ khi thông quan/giải phóng hàng đến khi hàng ra khỏi cổng cảng (chiếm 14%) thuộc trách nhiệm của DN, công ty kinh doanh cảng, lực lượng giám sát hải quan, cơ quan quản lý giao thông ngoài cửa khẩu,…

Cuộc đo thời gian giải phóng hàng năm 2013 được Tổng cục Hải quan tổ chức triển khai tại 11 Chi cục Hải quan cảng/cửa khẩu thuộc 7 Cục Hải quan tỉnh, thành phố với 3 tuyến đường vận chuyển hàng hóa gồm: đường không, đường bộ và đường biển. Phương pháp đo được thực hiện theo phương pháp nghiên cứu thời gian giải phóng hàng (TRS) của Tổ chức Hải quan thế giới (WCO) phiên bản 2.0 - 2011. Cuộc đo được tài trợ bởi Dự án Hỗ trợ kỹ thuật tư vấn và chính sách vùng (R-PATA) và Ngân hàng Phát triển châu Á – ADB.

Đây là lần đầu tiên Việt Nam thực hiện một cuộc đo thời gian giải phóng hàng nhằm đánh giá hoạt động của các cơ quan, tổ chức tham gia trong quá trình XK, NK hàng hóa (DN XNK, cơ quan hải quan, cơ quan kiểm dịch, kiểm tra chất lượng nhà nước,…).

Cần sự vào cuộc mạnh mẽ của các Bộ, ngành

Theo kết quả cuộc đo, thủ tục XNK hàng hóa có liên quan đến nhiều cơ quan, đơn vị thuộc các Bộ, ngành cũng như các DN kinh doanh kho, bãi, cảng, logistics…

Vì vậy, để đạt được mục tiêu giảm thời gian thông quan, thời gian XNK hàng hóa theo chỉ đạo của Chính phủ, bên cạnh sự chủ động, nỗ lực của ngành Hải quan, cần sự vào cuộc mạnh mẽ của các Bộ, ngành quản lý nhà nước. Đặc biệt, chính các DN cũng đóng vai trò quan trọng trong công cuộc này. Cụ thể như vai trò của các DN kinh doanh kho bãi, cảng, dịch vụ logistics… chiếm vị trí không nhỏ trong việc giảm thời gian thông quan hàng hóa.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Hoàng Việt Cường cho biết, năm 2015 sẽ là năm tiếp theo ngành Hải quan thực hiện đo thời gian giải phóng hàng. Phó Tổng cục trưởng hy vọng, sau cuộc đo toàn diện hơn vào năm 2015, các Bộ, ngành cũng sẽ có một cuộc công bố kết quả đo thời gian giải phóng hàng của đơn vị mình, trong đó xác định rõ thời gian mỗi đơn vị tác nghiệp cũng như những khâu, những loại giấy tờ… làm tăng thời gian giải phóng hàng để từ đó có giải pháp khắc phục cụ thể.

Đồng tình với ý kiến của Tổng cục Hải quan, đại diện Phòng Pháp chế - Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đánh giá cao kết quả đo thời gian giải phóng hàng của ngành Hải quan lần này. Vị này cũng cho biết, kết quả đo tương ứng với những phản ánh của cộng đồng DN, đó là ngoài ngành Hải quan, còn có vai trò rất lớn của các Bộ, ngành quản lý nhà nước khác tác động đến thời gian thông quan hàng hóa. Do đó, trong năm 2015, cuộc đo cần làm rõ được cụ thể những khâu nào chiếm nhiều thời gian và thuộc phạm vi quản lý của Bộ, ngành nào.

Đại diện Văn phòng phía Bắc Hiệp hội Logistics Việt Nam mong mốn từ kết quả cuộc đo thời gian giải phóng hàng được công bố hôm nay, ngành Hải quan sẽ có những kiến nghị cụ thể với các cơ quan quản lý nhà nước và đưa ra giải pháp giảm thời gian thông quan hàng hóa. Hiệp hội này cũng khẳng định trong cuộc đo tới đây sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với cơ quan hải quan để đạt được kết quả tốt.

Theo bà Lê Như Quỳnh – Phó trưởng Ban Cải cách hiện đại hóa hải quan, Phó trưởng Ban chỉ đạo cuộc đo thì đo thời gian giải phóng hàng đem đến lợi ích cho tất cả các bên liên quan.

Về phía Chính phủ, có thêm công cụ để quản lý, giám sát hoạt động của các cơ quan hữu quan. Về phía hải quan và các cơ quan quản lý chuyên ngành thì có cơ sở để xây dựng văn bản pháp lý, phục vụ công tác tự động hóa tại đơn vị, thực hiện liêm chính khi thực thi công vụ, giúp cải tổ quá trình thực thi nhiệm vụ đồng thời cải thiện tính minh bạch trong quản lý nhà nước.

Doanh nghiệp cũng được lợi từ kết quả đo thời gian giải phóng hàng, đó là chủ động trong kế hoạch XNK hàng hóa, lường trước những yêu cầu từ phía cơ quan quản lý, từ đó có phân bổ hợp lý nguồn lực, tiết kiệm thời gian, chi phí.

Công tác đo thời gian giải phóng hàng sẽ được ngành Hải quan thực hiện định kỳ 5 năm 3 lần (đầu kỳ, giữa kỳ và cuối kỳ) nhằm đánh giá việc thực hiện Kế hoạch cải cách, phát triển và hiện đại hóa Hải quan theo giai đoạn 5 năm. Năm 2015 sẽ là năm tiếp theo Tổng cục Hải quan thực hiện đo thời gian giải phóng hàng hóa toàn diện.

Theo customs.gov.vn

Theo customs.gov.vn

© Thời báo Tài chính Việt Nam