Một trong những đơn vị đi đầu của ngành Dự trữ Quốc gia

10:20 | 12/09/2014 Print
(TBTCVN) - Nhân dịp kỷ niệm 35 năm thành lập và phát triển của Cục Dự trữ Nhà nước (DTNN) khu vực Đà Nẵng, Tổng cục trưởng Tổng cục DTNN Phạm Phan Dũng đã có cuộc trao đổi với phóng viên TBTCVN, về những đóng góp của Cục DTNN khu vực Đà Nẵng, trong thành tích chung của ngành Dự trữ Quốc gia (DTQG).

* Xin Tổng cục trưởng khái quát một vài đánh giá về đóng góp của Cục DTNN khu vực Đà Nẵng, trong quá trình xây dựng và phát triển của ngành DTQG?

- Ông Phạm Phan Dũng: Có thể khẳng định, Cục DTNN khu vực Đà Nẵng là một trong những đơn vị đi đầu trong tất cả các mặt hoạt động của ngành, mặc dù lịch sử của đơn vị mới chỉ là 35 năm trong 70 năm xây dựng và phát triển ngành Dự trữ.

Một trong những đơn vị đi đầu của ngành Dự trữ Quốc gia
Bảo quản hàng DTQG là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu. Trong suốt những năm qua, Cục DTNN khu vực Đà Nẵng luôn được Tổng cục lựa chọn để ứng dụng khoa học công nghệ mới trong bảo quản hàng DTQG, trong đó bảo quản lương thực đã được triển khai từ thí điểm đến áp dụng đại trà. Tổng cục trưởng Tổng cục DTNN Phạm Phan Dũng

Trong 35 năm qua, hàng vạn tấn kim khí, thiết bị, hàng ngàn xe ô tô các loại và hàng chục vạn tấn lương thực, xăng dầu, máy móc, thiết bị, khung kho... đã được bảo quản, xuất cấp kịp thời, đáp ứng đủ số lượng, chất lượng, góp phần cho việc khôi phục phát triển kinh tế, an ninh xã hội sau chiến tranh.

Đặc biệt, trong những năm gần đây, khi thiên tai, lũ lụt xảy ra ngày càng nhiều, gây thiệt hại nặng nề cho nhân dân khu vực miền Trung và Tây Nguyên, tập thể cán bộ, công chức đơn vị đã không quản ngày đêm, khẩn trương thực hiện xuất cấp và vận chuyển hàng cứu trợ đến các vùng, các địa phương bị thiệt hại, đặc biệt là các huyện miền núi và huyện vùng sâu, vùng xa như Bắc Trà My, Nam Giang, Tây Giang, A Lưới...; kịp thời giải quyết khó khăn cho đồng bào, cho chính quyền địa phương.

Đến nay, Cục DTNN khu vực Đà Nẵng đã thực hiện nhiệm vụ xuất cứu trợ trên 63.000 tấn gạo, 64 xuồng cứu hộ các loại, 1.905 bộ nhà bạt cứu sinh, 1.140 phao bè, 45.080 phao tròn, 34.700 phao áo đáp ứng kịp thời, đủ số lượng, chất lượng.

Điểm nổi bật trong quá trình phát triển là Cục DTNN khu vực Đà Nẵng đã quán triệt chỉ đạo của Tổng cục, làm tốt công tác đầu tư xây dựng, củng cố cơ sở vật chất và quy hoạch hệ thống kho DTNN theo hướng vừa từng bước nâng cấp hệ thống kho hiện có, kết hợp với việc xây dựng mới các kho tại những vị trí trọng yếu để áp dụng thử nghiệm công nghệ bảo quản tiên tiến; có giải pháp để nhanh chóng đưa dự án kho mới vào khai thác sử dung nên đến cuối năm 2013 đã đưa thêm 20.000 tấn tích lượngkho vào sử dụng.

Đây cũng là một thắng lợi chung của toàn ngành trong những năm qua, không những góp phần thực hiện được Chiến lược DTQG, tạo thêm tích lượng kho để bố trí nguồn hàng DTNN cho khu vực miền trung, đáp ứng yêu cầu cấp bách về phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh; vừa đảm bảo an sinh xã hội vừa tạo thêm được công ăn việc làm cho CBCC để họ yên tâm với công việc được giao, bảo quản hàng DTQG an toàn cả về chất lượng và số lượng, không để xảy ra tham ô, mất mát.

Cục Dự trữ Nhà nước khu vực Đà Nẵng
Cục DTNN khu vực Đà Nẵng luôn đoàn kết, phát huy sức mạnh tổng hợp, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

* Cục DTNN khu vực Đà Nẵng đã nỗ lực, đi đầu trong các lĩnh vực, đặc biệt là thí điểm, áp dụng công nghệ bảo quản mới. Tổng cục trưởng đánh giá thế nào về thành tích này?

- Ông Phạm Phan Dũng: Bảo quản hàng DTQG là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu. Trong suốt những năm qua, Cục DTNN khu vực Đà Nẵng luôn được Tổng cục lựa chọn để ứng dụng khoa học công nghệ mới trong bảo quản hàng DTQG, trong đó bảo quản lương thực đã được triển khai từ thí điểm đến áp dụng đại trà.

Từ năm 1993, đơn vị đã thí điểm bảo quản gạo trong môi trường CO2, yếm khí, đến bảo quản gạo trong môi trường khí N2. Thực hiện thí điểm bảo quản thóc đổ rời thoáng tự nhiên đến bảo quản bằng phương pháp thảo mộc Guchungjing (GCJ). Từ năm 2004, thí điểm bảo quản thóc bằng phương pháp áp suất thấp; bảo quản gạo trong môi trường khí Nitơ.

Từ năm 2007 đến nay, bảo quản 100% thóc bằng phương pháp yếm khí. Kết quả là chất lượng lương thực sạch hơn; thời gian bảo quản lưu kho lâu hơn, tiết kiệm sức lao động, tiết kiệm chi phí; môi trường lao động, môi trường sống trong lành, sạch sẽ hơn; hao hụt thực tế sau chu kỳ bảo quản ở mức thấp nhất.

Hiện nay, Cục DTNN khu vực Đà Nẵng là một trong hai đơn vị được Tổng cục DTNN giao nhiệm vụ thực hiện bảo quản thử nghiệm thóc đổ rời, thóc đóng bao yếm khí, bảo quản gạo đóng bao trong môi trường khí Nitơ để kéo dài thời gian bảo quản lưu kho đến 36 tháng đối với thóc và 24 tháng đối với gạo tại những kho được xây dựng theo công nghệ mới.

Cục DTNN khu vực Đà Nẵng là một trong những đơn vị thực hiện đầy đủ, nghiêm túc qui trình bảo quản hàng DTQG theo đúng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia; có biện pháp xử lý kịp thời diễn biến chất lượng hàng hóa trong quá trình lưu kho, đảm bảo hàng DTQG khi xuất bán, xuất sử dụng được người tiêu sử dụng và khách hàng chấp nhận, không để hàng hóa bị hư hỏng, xuống cấp và mất mát gây thiệt hại cho Nhà nước...

* Tổng cục trưởng có thể chia sẻ một số bài học kinh nghiệm rút ra từ thực tiễn hoạt động của Cục DTNN khu vực Đà Nẵng đã được Tổng cục áp dụng cho các đơn vị khác trong ngành?

- Ông Phạm Phan Dũng: Một số bài học kinh nghiệm về xây dựng và phát triển một đơn vị cấp cục: Trước hết, thủ trưởng và ban lãnh đạo đơn vị phải là hạt nhân đoàn kết, luôn nắm vững chức năng nhiệm vụ của mình; chủ động khai thác, nâng cao các nguồn lực (hàng hóa, cơ sở vật chất, nguồn nhân lực…)

Thứ hai là, phải chăm lo xây dựng hệ thống tổ chức, đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ được giao, đi đôi với việc xây dựng đội ngũ cán bộ công chức có phẩm chất đạo đức, năng lực, tâm huyết với ngành, sẵn sàng đảm nhận, thực hiện nhiệm vụ trong mọi tình huống.

Thứ ba là, luôn thích ứng và nắm vững các cơ chế chính sách mới, chủ động linh hoạt trong điều hành, thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ được giao.

Thứ tư là, phải luôn chăm lo, phát triển, sử dụng có hiệu quả cơ sở vật chất kỹ thuật hiện có, chủ động áp dụng công nghệ mới vào bảo quản hàng DTQG; áp dụng công nghệ thông tin vào hoạt động quản lý; làm tốt công tác an ninh bảo vệ, bảo đảm an toàn hàng DTQG và các loại tài sản của Nhà nước.

Thứ năm là, tăng cường mối quan hệ với cấp ủy đảng, chính quyền địa phương nơi hoạt động để phối hợp thực hiện nhiệm vụ.

* Nhân dịp kỷ niệm 35 năm ngày thành lập Cục DTNN khu vực Đà Nẵng, Tổng cục trưởng có đôi lời với cán bộ công chức của đơn vị?

- Ông Phạm Phan Dũng: Tôi tin tưởng và hy vọng rằng, toàn thể cán bộ công chức Cục DTNN khu vực Đà Nẵng sẽ nỗ lực phấn đấu hơn nữa, để giữ vững truyền thống của ngành, góp phần bảo đảm ổn định nguồn dự trữ chiến lược của Nhà nước; chủ động đáp ứng yêu cầu đột xuất, cấp bách về phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa, dịch bệnh, góp phần đảm bảo an sinh xã hội, phục vụ quốc phòng, an ninh và thực hiện các nhiệm vụ khác mà Chính phủ giao.

* Xin trân trọng cảm ơn Tổng cục trưởng!

Hồng Sâm

Hồng Sâm

© Thời báo Tài chính Việt Nam