Thanh toán song phương điện tử: Bước tiến lớn trong điện tử hóa các giao dịch

15:26 | 04/09/2014 Print
(TBTCVN) - Kho bạc Nhà nước (KBNN) đã cùng với 4 hệ thống ngân hàng thương mại (NHTM) và 2 nhà thầu triển khai thành công hệ thống thanh toán song phương điện tử (TTSPĐT) và phối hợp thu NSNN (PHT NSNN).

4 NHTM là: Vietinbank, BIDV, Agribank, Vietcombank và 2 nhà thầu: Công ty Seatech, Công ty TNHH Hệ thống thông tin FPT- FIS.

Qua 1 năm triển khai (từ tháng 7/2013 đến tháng 7/2014), hệ thống TTSPĐT này đã được "phủ sóng" trên toàn quốc cho hơn 700 đơn vị KBNN cấp huyện và Sở Giao dịch KBNN cũng như tại 45 đơn vị KBNN tỉnh có mở tài khoản chuyên thu tại các NHTM. Sự thành công này đã mở ra một bước tiến lớn trong điện tử hóa các kênh thanh toán cũng như tạo bước chuyển trong quản lý ngân quỹ.

Chấm dứt thanh toán thủ công

Ông Nguyễn Hồng Hà, Tổng giám đốc KBNN cho biết, công tác thanh toán trong nội bộ hệ thống KBNN trong những năm gần đây tuy đã được điện tử hóa, song công tác thanh toán song phương của KBNN với các NHTM cơ bản vẫn thực hiện thủ công, đặc biệt là tại các KBNN quận, huyện.

Vì vậy, việc tập trung các khoản thu NSNN, đáp ứng nhu cầu thanh toán cho các đơn vị sử dụng NSNN chưa đáp ứng được yêu cầu. Việc theo dõi thu, chi và tồn quỹ ngân sách các cấp chưa kịp thời làm mất nhiều thời gian công sức trong việc xử lý các lệnh thanh toán.

TTSPĐT
Tại Hội nghị tổng kết triển khai TTSPĐT Và PHT NSNN, Tổng giám đốc KBNN Nguyễn Hồng Hà đã trao giấy khen cho đại diện 4 NHTM và 2 nhà thầu vì đã có thành tích trong việc phối hợp triển khai thành công pgương thức thanh toán mới này.

Bên cạnh đó, việc thanh toán qua tài khoản tiền gửi cũng làm phân tán ngân quỹ, ảnh hưởng đến khả năng thanh khoản của hệ thống KBNN nói chung và khả năng đáp ứng kịp thời nhu cầu thanh toán chi trả của NSNN nói riêng.

Điều này dẫn đến thực tế ngân quỹ KBNN mặc dù luôn đảm bảo đủ khả năng thanh toán, song có những thời điểm và tại một vài đơn vị KBNN cấp tỉnh, huyện lại bị thừa, thiếu khả năng thanh khoản cục bộ.

Với việc triển khai thành công hệ thống TTSPĐT và PHT NSNN (với quy trình cơ bản là điện tử hóa các giao dịch thu, chi NSNN và thanh toán của KBNN qua NHTM nơi KBNN mở tài khoản) đã thay thế hoàn toàn phương thức thủ công giao nhận và xử lý, thanh toán bằng chứng từ giấy trước đây giữa 2 bên.

Qua đó, góp phần tập trung nhanh, đầy đủ và đảm bảo thanh toán kịp thời, chính xác các khoản chi NSNN cho đối tượng thụ hưởng giúp nâng cao hiệu quả quản lý quỹ NSNN. Đây là bước tiến lớn của KBNN và NHTM trong việc tiếp tục đẩy nhanh công tác cải cách thủ tục hành chính và tăng cường thanh toán không dùng tiền mặt theo chủ trương, chỉ đạo của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước.

Đặc biệt, hệ thống thanh toán mới còn giúp giảm đáng kể chi phí lao động xã hội trong xử lý các hoạt động nghiệp vụ kế toán, thanh toán của KBNN và NHTM. Đồng thời, tạo điều kiện giúp Bộ Tài chính và NHNN dự báo nhanh chóng các luồng tiền vào ra của khu vực công làm cơ sở điều chỉnh lượng cung cầu tiền trên thị trường phù hợp, đảm bảo sự phối kết hợp chặt chẽ giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ.

Tiếp tục phối hợp chặt chẽ để tạo hiệu quả cao

Tổng giám đốc KBNN Nguyễn Hồng Hà cho biết, bên cạnh những kết quả đạt được, trong quá trình triển khai và vận hành hệ thống TTSPĐT và PHT NSNN giữa KBNN và các NHTM vẫn còn những vướng mắc về quy trình nghiệp vụ, công nghệ, kỹ thuật, công tác phối hợp, hỗ trợ cũng như việc chấp hành quy trình, kỷ luật thanh toán.

Do đó, ông Nguyễn Hồng Hà đề nghị, trong thời gian tới, lãnh đạo các NHTM cần quan tâm chỉ đạo các chi nhánh phối hợp chặt chẽ với các đơn vị KBNN thực hiện nghiêm thỏa thuận hợp tác đã ký kết.

Đồng thời, có biện pháp xử lý hài hòa các quan hệ về nghiệp vụ, kỹ thuật, doanh số giao dịch giữa các chi nhánh trong nội bộ hệ thống các NHTM để đảm bảo công tác TTSPĐT giữa KBNN với các NHTM được thực hiện thông suốt, nhanh chóng, hiệu quả và an toàn.

“Bên cạnh đó, đề nghị các đơn vị thuộc KBNN cần tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy trình nghiệp vụ, chấp hành kỷ luật thanh toán; xây dựng các tiện ích ứng dụng có khả năng cảnh báo, ràng buộc chéo để tránh sai sót trong quá trình thanh toán đảm bảo tuyệt đối an toàn tiền và tài sản của nhà nước giao cho hệ thống KBNN quản lý”, ông Nguyễn Hồng Hà nhấn mạnh.

Vân Hà

Vân Hà

© Thời báo Tài chính Việt Nam