Nhiều lợi ích khác biệt khi đơn vị sự nghiệp đăng ký tự chủ tài chính

10:22 | 28/08/2014 Print
Mặc dù lợi ích của việc xác định giá trị tài sản (TS) để giao cho đơn vị sự nghiệp công lập (ĐVSNCL) quản lý theo cơ chế giao vốn cho doanh nghiệp là thấy rõ, tuy nhiên, nhiều đơn vị vẫn còn chưa mạnh dạn, vì muốn “thăm dò” hoặc chưa sẵn sàng với sự thay đổi.

ĐVSNCL

Ảnh T.L minh họa.

Đây là trao đổi của ông Nguyễn Tân Thịnh, Cục phó Cục Quản lý công sản, Bộ Tài chính với phóng viên Thời báo Tài chính Việt Nam xung quanh vấn đề tự chủ tài chính của các ĐVSNCL.

PV: Thưa ông, đến thời điểm này đã có bao nhiêu ĐVSNCL được giao quyền tự chủ?

Nhiều lợi ích khác biệt khi đơn vị sự nghiệp đăng ký tự chủ tài chính
 Hiện, Bộ Tài chính đã có đề nghị các bộ, ngành, địa phương đánh giá tình hình triển khai Luật quản lý, sử dụng TSNN, trong đó có nội dung giao vốn cho các ĐVSNCL tự chủ tài chính. Nếu các vướng mắc về mặt thể chế không thuộc thẩm quyền, Bộ Tài chính sẽ kiến nghị với các cấp có liên quan để sửa đổi, bổ sung các quy định hiện hành. Ông Nguyễn Tân Thịnh

Ông Nguyễn Tân Thịnh: Theo báo cáo chưa đầy đủ của các bộ, ngành, địa phương, đến 31/12/2013, mới có 16 ĐVSNCL được xác định giá trị TS để giao cho đơn vị quản lý theo cơ chế giao vốn cho doanh nghiệp, với tổng giá trị TS trên 3.678 tỷ đồng; 55 ĐVSNCL đang trình cấp có thẩm quyền để thực hiện giao vốn với tổng giá trị TS khoảng trên 4.825 tỷ đồng.

Vừa rồi Bộ Tư pháp có thêm 2 đơn vị nữa được giao quyền tự chủ, nâng tổng số lên thành 18 đơn vị.

PV: 18 đơn vị, con số này còn khá khiêm tốn. Phải chăng trong quy định vẫn còn nhiều ràng buộc nên các ĐVSNCL chưa mặn mà với cách làm mới này, thưa ông?

Ông Nguyễn Tân Thịnh: Đúng là khi thực hiện xác định giá trị để giao vốn cho ĐVSNCL phải có điều kiện.

Cụ thể, trong Luật quản lý, sử dụng tài sản nhà nước (TSNN) có quy định rất rõ, khi được xác định giá trị TS và giao cho quản lý theo cơ chế giao vốn cho doanh nghiệp, thì đơn vị được sử dụng TS vào mục đích sản xuất, kinh doanh dịch vụ, cho thuê, liên doanh, liên kết nhưng không được làm ảnh hưởng đến nhiệm vụ chính trị được giao và phải khai thác được công năng TS hiệu quả hơn.

Đặc biệt, đơn vị phải đảm bảo các nghĩa vụ tài chính với nhà nước, phải bảo toàn, phát triển vốn và TS nhà nước giao.

PV: Trong các điều kiện như ông vừa nói, chưa đề cập đến vấn đề nếu đơn vị làm ăn thua lỗ, để mất vốn nhà nước giao, lúc này ai sẽ là người chịu trách nhiệm?

Ông Nguyễn Tân Thịnh: Luật quy định, khi nhà nước thực hiện giao vốn, thủ trưởng ĐVSNCL tự chủ tài chính là bên nhận vốn. Thủ trưởng đơn vị là người chịu trách nhiệm, ký xác nhận nhận vốn với nhà nước.

Do vậy, về mặt nguyên tắc, thủ trưởng đơn vị là người chịu trách nhiệm với việc bảo toàn và phát triển vốn, TS được nhà nước giao.

Để đảm bảo việc không bị mất vốn và khả năng làm ăn thua lỗ không xảy ra, ngoài các điều kiện ràng buộc nêu trên, pháp luật hiện hành cũng có những cơ chế khác để hỗ trợ cũng như ràng buộc trách nhiệm của đơn vị trong việc triển khai thực hiện.

Ví dụ, trong Nghị định số 52/2009/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật quản lý, sử dụng TSNN có quy định rất chặt chẽ trường hợp nào đơn vị được sử dụng TS để cho thuê, trường hợp nào được sử dụng TS để liên doanh, liên kết. Và khi liên doanh, liên kết phải có đề án được Bộ trưởng các bộ quyết định (đối với ĐVSNCL thuộc trung ương quản lý) và phải có ý kiến thống nhất của Bộ Tài chính.

Còn nếu ở tỉnh phải được Chủ tịch UBND tỉnh quyết định sau khi có ý kiến của Thường trực HĐND cùng cấp, chứ không phải thủ trưởng đơn vị muốn làm gì cũng được.

Hơn nữa, cơ chế về xử lý vi phạm trong quản lý, sử dụng TSNN cũng đã quy định rõ, trường hợp sử dụng TSNN sai mục đích, tự ý sử dụng TS để kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết…, bên cạnh các hình thức xử phạt, Nhà nước sẽ thực hiện thu hồi TS và các khoản thu lợi bất hợp pháp.

PV: Lợi ích lớn nhất của việc đăng ký để trở thành đơn vị được giao tự chủ theo cơ chế giao vốn cho doanh nghiệp là gì, thưa ông?

Ông Nguyễn Tân Thịnh: Khác với các đơn vị chưa tự chủ tài chính (cơ bản việc quản lý, sử dụng TS giống như cơ quan nhà nước và không được sử dụng tài sản vào mục đích liên doanh, liên kết, cho thuê, cho mượn… mà chỉ được sử dụng tài sản phục vụ nhiệm vụ chính trị được giao), đơn vị tự chủ tài chính có thể sử dụng TS được nhà nước giao vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết.

Đây là điểm thay đổi quan trọng của Luật quản lý, sử dụng TSNN nhằm khai thác nguồn tài sản hiện có của các đơn vị một cách hiệu quả hơn. Đồng thời, huy động được nguồn lực đáng kể từ các tổ chức, cá nhân để cùng với nhà nước đầu tư, cung cấp các dịch vụ sự nghiệp công. Từ đó nâng cao chất lượng dịch vụ cũng như cải thiện điều kiện thu nhập cho các cán bộ, công nhân viên tại đơn vị đó.

PV: Vậy sao vẫn còn quá ít ĐVSNCL đăng ký để trở thành đơn vị tự chủ tài chính, ông có thể lý giải cho việc này?

Ông Nguyễn Tân Thịnh: Giao quyền tự chủ cho ĐVSNCL theo cơ chế giao vốn cho doanh nghiệp là một cách làm mới, với sự thay đổi một cách căn bản về chế độ quản lý, sử dụng TSNN nên các đơn vị còn muốn “nghe ngóng” xem các đơn vị tiên phong đi trước có hoạt động tốt hơn sau khi được giao vốn hay không.

Bên cạnh đó, công tác chỉ đạo triển khai thực hiện ở nhiều bộ, ngành, địa phương còn chưa thực sự quyết liệt. Thủ trưởng đơn vị chưa nhận thức được những ưu điểm của phương thức quản lý mới, cũng như trách nhiệm của mình trong việc triển khai thực hiện.

PV: Tới đây, Bộ Tài chính có bước đi gì để thúc đẩy các ĐVSN công lập đăng ký tham gia nhiều hơn nữa trong việc giao quyền tự chủ?

Ông Nguyễn Tân Thịnh: Để thúc đẩy các đơn vị tham gia vào chủ trương mới này nhiều hơn, Bộ Tài chính đã rất tích cực hỗ trợ, hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương giải quyết các vướng mắc. Với các đơn vị tiên phong đi đầu, ngoài sự hỗ trợ của các cơ quan chủ quản, Bộ Tài chính cũng kịp thời tháo gỡ các khó khăn nhằm giúp các đơn vị thuận lợi trong việc triển khai nhiệm vụ để rút ra bài học kinh nghiệm cho các đơn vị đi sau.

Hiện, Bộ Tài chính cũng đã có đề nghị các bộ, ngành, địa phương đánh giá tình hình triển khai Luật quản lý, sử dụng TSNN, trong đó có nội dung giao vốn cho các ĐVSNCL tự chủ tài chính. Nếu các vướng mắc về mặt thể chế không thuộc thẩm quyền, Bộ Tài chính sẽ kiến nghị với các cấp có liên quan để sửa đổi, bổ sung các quy định hiện hành.

Thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ tập trung vào việc tuyên truyền chính sách, phổ biến kinh nghiệm của các đơn vị tiên phong để các đơn vị hiểu hơn các quy định của pháp luật và tự tin hơn khi chuyển đổi cơ chế quản lý, sử dụng TSNN, tránh những sai sót, vi phạm trong quản lý, sử dụng TSNN.

PV: Xin cảm ơn ông!

Hạnh Thảo

Hạnh Thảo

© Thời báo Tài chính Việt Nam