Phấn đấu tăng thu NSNN năm 2014 khoảng 8 - 10%

15:06 | 22/07/2014 Print
Đây là ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh tại Hội nghị trực tuyến đánh giá công tác điều hành thực hiện nhiệm vụ tài chính - NSNN 6 tháng đầu năm, triển khai thực hiện nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2014, vừa được Văn phòng Chính phủ truyền đạt bằng văn bản cuối tuần trước.

Phấn đấu tăng thu NSNN năm 2014 khoảng 8 - 10%

Phó Thủ tướng chỉ đạo ngành Tài chính phối hợp bộ, ngành, địa phương phấn đấu hoàn thành vượt mức dự toán thu NSNN năm 2014 khoảng 8 - 10%. Ảnh minh họa

>> Quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ tài chính - ngân sách năm 2014

Theo đó tại văn bản này, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đã đồng ý phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm và các giải pháp chủ yếu trong 6 tháng cuối năm 2014 đã nêu trong Báo cáo của Bộ Tài chính và ý kiến của các đại biểu.

Phấn đấu vượt mức dự toán thu khoảng 8 - 10%

Để phấn đấu hoàn thành cao nhất nhiệm vụ tài chính - NSNN, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2014, ngành Tài chính cần tiếp tục phát huy kết quả đã đạt được, nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức, thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra từ đầu năm, trong đó chú trọng một số nội dung.

Cụ thể, thực hiện đồng bộ, hiệu quả chính sách tài khóa, phối hợp chặt chẽ với chính sách tiền tệ để đạt được các mục tiêu, chỉ tiêu đã đề ra, nhất là bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát; tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế khoảng 5,8%.

Ngành Tài chính chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương xây dựng các phương án, giải pháp ứng phó với những tình huống phát sinh trong quan hệ với Trung Quốc; đồng thời khuyến khích, tạo điều kiện để các DN tìm kiếm, mở rộng, đa dạng hóa thị trường, giảm sự tập trung quá lớn vào một thị trường, một đối tác.

Quản lý chặt chẽ nợ công, bảo đảm trong giới hạn an toàn cho phép; có giải pháp phù họp để cơ cấu lại các khoản nợ, giảm chi phí vay nợ và rủi ro, tăng cường quản lý và nâng cao hiệu quả sử dụng vốn vay.

Trước đó, Hội nghị đã được tổ chức hôm 4/7, tại Bộ Tài chính. Tại hội nghị này, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đã phát biểu chỉ đạo sau khi nghe Lãnh đạo Bộ Tài chính báo cáo, ý kiến phát biểu của Lãnh đạo UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các đại biểu.

Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương tập trung chỉ đạo, phấn đấu hoàn thành vượt mức dự toán thu NSNN năm 2014 khoảng 8 - 10%; điều hành ngân sách nhà nước chủ động, tích cực, bảo đảm cân đối ngân sách các cấp. Tăng cường kiểm tra, giám sát chống thất thu, chống chuyển giá, nợ đọng thuế..., bảo đảm thu đúng, thu đủ, thu kịp thời vào ngân sách nhà nước.

“Trong điều hành từ nay đến cuối năm, dự phòng ngân sách trung ương không còn nhiều phải tập trung cho các nhiệm vụ khắc phục hậu quả thiên tai, bão lũ, dịch bệnh, yêu cầu các địa phương cần chủ động điều hành dự phòng ngân sách cấp mình, bảo đảm đáp ứng kịp thời các nhiệm vụ chi cấp bách phát sinh trên địa bàn”, Phó Thủ tướng chỉ đạo.

Trước tình hình Biển Đông diễn biến phức tạp, Phó Thủ tướng yêu cầu ngành Tài chính cùng các Bộ, ngành và địa phương chủ động đánh giá sát khả năng thực hiện thu ngân sách nhà nước năm 2014. Bộ Tài chính tính toán, có phương án chủ động ứng phó, nhất là về thực hiện các nhiệm vụ tài chính, ngân sách nhà nước. Đồng thời tiếp tục thực hiện tốt các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động bị thiệt hại tại một số địa phương vừa qua.

Tăng cường thanh, kiểm tra chấp hành pháp luật tài chính

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu thực hiện nghiêm túc các nhiệm vụ được giao để thúc đẩy tái cơ cấu kinh tế, trong đó trọng tâm của ngành tài chính là đôn đốc, theo dõi, giám sát tình hình thực hiện nhiệm vụ tái cơ cấu DNNN theo kế hoạch và lộ trình đã được phê duyệt. Các Bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước khẩn trương hoàn thành việc xây dựng lộ trình, các công việc cụ thể cần triển khai, định kỳ giao ban để xử lý kịp thời các vướng mắc.

Đi đôi với đó, đẩy mạnh cải cách hành chính, đặc biệt trong các hoạt động có liên quan đến DN, người dân trên tinh thần cần tạo thuận lợi tối đa cho người dân và doanh nghiệp theo Nghị quyết 19/NQ-CP của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh. Trong đó, cần tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin; xem xét đặt ra các chỉ tiêu cụ thể (như giảm thời gian kê khai, nộp thuế...) để phấn đấu.

Tăng cường quản lý thị trường, kiểm soát giá cả; phát huy kết quả trong việc điều hành giá xăng dầu, giá sữa thời gian qua, tiếp tục thực hiện lộ trình giá thị trường đối với các hàng hóa, dịch vụ thiết yếu, bao gồm cả dịch vụ công. Các địa phương tăng cường kiểm soát, bình ổn giá trên địa bàn. Bộ Tài chính phối hợp các Bộ, ngành và các địa phương thực hiện việc sơ kết, đánh giá công tác bình ổn giá.

Phó Thủ tướng cũng chỉ đạo ngành Tài chính tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra chấp hành pháp luật về tài chính, thu, chi ngân sách nhà nước, xử lý nghiêm những hành vi vi phạm; tạo điều kiện, khuyến khích các doanh nghiệp, người dân tự giác chấp hành tốt các chính sách pháp luật về tài chính, NSNN; tiếp tục phát huy và tăng cường đối thoại với doanh nghiệp nhằm tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc trong quá trình chấp hành pháp luật về tài chính - ngân sách của doanh nghiệp.

Ngoài ra, cần tập trung làm tốt công tác xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2015 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, bảo đảm chất lượng, đúng thời hạn; đồng thời chuẩn bị xây dựng báo cáo đánh giá, tổng kết việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội và NSNN 5 năm 2011-2015./.

Hoàng Lâm

Hoàng Lâm

© Thời báo Tài chính Việt Nam