Ngành Tài chính tiên phong trong ứng dụng công nghệ

13:39 | 19/05/2014 Print
(TBTCVN) - Các hoạt động nghiên cứu khoa học của ngành Tài chính đã diễn ra tích cực, khẳng định vai trò quan trọng của hoạt động khoa học và công nghệ (KH&CN) trong nghiên cứu lý luận và công tác xây dựng chính sách của ngành.

Nganhtaichinh

Nghiệm thu đề tài NCKH cấp Bộ năm 2012 của Viện Chiến lược và chính sách tài chính

Khoa học bám sát thực tiễn

Thời gian qua, nhiều công trình nghiên cứu khoa học của ngành Tài chính được triển khai đã bám sát chủ trương của Chính phủ cũng như tình hình thực tiễn, tập trung vào các định hướng lớn như:

Hoàn thiện chính sách kinh tế tài chính vĩ mô thực hiện các mục tiêu kinh tế xã hội giai đoạn 2011-2015 và các mục tiêu chiến lược đến năm 2020;

Cải cách hệ thống thuế, phí phù hợp với quá trình chuyển đổi của nền kinh tế và thông lệ quốc tế; đổi mới cơ chế quản lý tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp công lập đã được đi sâu nghiên cứu vấn đề đổi mới tài chính đơn vị sự nghiệp công và dịch vụ công;

Đổi mới, hoàn thiện chính sách cơ chế tài chính đối với doanh nghiệp và các tập đoàn kinh tế; đảm bảo an ninh tài chính quốc gia; phát triển thị trường tài chính và dịch vụ tài chính;

Giải pháp hạn chế các thủ thuật chuyển giá trong điều kiện hiện nay của các công ty đa quốc gia đang hoạt động tại Việt Nam;

Hoàn thiện cơ chế quản lý nhà nước về giá đối với hàng hóa, dịch vụ thiết yếu do các doanh nghiệp có vị trí độc quyền, thống lĩnh thị trường sản xuất – kinh doanh;

Nâng cao hiệu quả công tác quản lý rủi ro về nợ công tại Việt Nam; tổng kết tình hình và công tác quản lý nợ công giai đoạn 2006-2010;

Đánh giá đồng tiền chung châu Âu trước bối cảnh khủng hoảng nợ công và tác động đến an ninh tài chính quốc gia. Ngoài ra, còn có một số công trình nghiên cứu liên quan tới mục tiêu thúc đẩy hội nhập kinh tế tài chính quốc tế.

Bên cạnh đó, hoạt động nghiên cứu khoa học của các đơn vị ngành Tài chính được thực hiện có trọng tâm, trọng điểm như: Ủy ban Chứng khoán được triển khai xoay quanh việc giải quyết các vấn đề liên quan đến hoàn thiện thể chế cho thị trường, phát triển cơ sở hạ tầng thị trường, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đối với các công ty niêm yết và tổ chức kinh doanh chứng khoán.

Công tác nghiên cứu khoa học của Tổng cục Hải quan đóng góp tích cực trong tổ chức triển khai các nội dung của Chiến lược phát triển Hải quan đến năm 2020 và Kế hoạch cải cách phát triển hiện đại hóa ngành Hải quan 2011-2015.

Hoạt động nghiên cứu khoa học của Kho bạc Nhà nước (KBNN) cũng bám sát các mục tiêu chiến lược và lộ trình phát triển của ngành Tài chính và hệ thống KBNN, tiếp tục nghiên cứu nhằm đổi mới cơ chế tổ chức, quản lý hoạt động nghiên cứu khoa học, nghiên cứu ứng dụng, nâng cao chất lượng hoạt động nghiệp vụ, là cơ sở để sử dụng hiệu quả các công trình nghiên cứu khoa học thuộc lĩnh vực quản lý của KBNN…

Mục tiêu lâu dài

Nhằm hỗ trợ thực hiện các mục tiêu của “Chiến lược tài chính đến năm 2020”, các Chiến lược ngành, góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội của đất nước trong các năm tiếp theo, cũng như giải quyết các vấn đề kinh tế - tài chính cấp bách đặt ra từ thực tiễn và trực tiếp phục vụ cho điều hành và quản lý của Bộ Tài chính, định hướng triển khai nghiên cứu khoa học giai đoạn 2014-2016 tập trung vào những nội dung cơ bản:

Chuẩn bị đánh giá 5 năm thực hiện nghị quyết Đại hội XI của Đảng đối với lĩnh vực tài chính, ngân sách. Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa trong lĩnh vực tài chính gắn với quá trình tái cơ cấu và bối cảnh phát triển mới;

Đánh giá tình hình thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế và các trọng tâm tái cấu trúc; vấn đề hoàn thiện thể chế quản lý, giám sát nền tài chính quốc gia trong tình hình mới;

Nghiên cứu nội dung, mức độ và các hình thức tự chủ về tài chính; đổi mới cơ chế, phương thức hỗ trợ từ ngân sách nhà nước trong cung cấp dịch vụ sự nghiệp công; cơ chế, chính sách giá dịch vụ công (học phí, viện phí…);

Phân tích, dự báo về tình hình, xu hướng phát triển kinh tế - tài chính thế giới và tác động của nó đến sự phát triển, hội nhập tài chính của Việt Nam…

Hoạt động nghiên cứu khoa học và công nghệ nói chung và trong ngành Tài chính nói riêng đã mang lại những kết quả tích cực, càng khẳng định vai trò phát triển khoa học và công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hóa.

Tổ chức các hoạt động để hướng tới Ngày KH&CN Việt Nam hàng năm sẽ có ý nghĩa to lớn để nuôi dưỡng và phát huy sự say mê nghiên cứu của các nhà khoa học, nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân về KH&CN và ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất và đời sống./.

Luật Khoa học và Công nghệ (sửa đổi) được Quốc hội thông qua ngày 18/6/2013 tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIII, quy định lấy ngày 18/5 hàng năm là ngày Khoa học và Công nghệ.

Hữu Tuấn - Viện Chiến lược và Chính sách tài chính - Bộ Tài chính

Hữu Tuấn - Viện Chiến lược và Chính sách tài chính - Bộ Tài chính

© Thời báo Tài chính Việt Nam