Thanh toán song phương điện tử: Nhanh chóng, an toàn, thuận tiện

17:46 | 14/05/2014 Print
(TBTCVN) - Đây là 3 đặc tính tối ưu của phương thức thanh toán mới đang được Kho bạc Nhà nước (KBNN) phối hợp với hệ thống ngân hàng thương mại (NHTM) triển khai- phương thức thanh toán song phương điện tử (TTSPĐT).

Phương thức thanh toán này nhằm thay thế hình thức thanh toán qua tài khoản tiền gửi của các KBNN huyện và Sở Giao dịch (KBNN) mở tài khoản tại NHTM. Lãnh đạo KBNN cho biết, mục tiêu của công tác TTSPĐT là điện tử hóa các giao dịch thu, chi và đối chiếu số liệu giữa các đơn vị KBNN huyện với NHTM - nơi mở tài khoản.

Thực hiện phương thức này sẽ đảm bảo việc thanh toán được nhanh chóng, chính xác, đồng thời từng bước hình thành tài khoản thanh toán tập trung của hệ thống KBNN và hỗ trợ công tác quản lý ngân quỹ của KBNN được an toàn và hiệu quả. Dự kiến, trong thời gian tới, KBNN sẽ hoàn thành việc triển khai phương thức thanh toán mới này cho tất cả các KBNN quận, huyện trong cả nước.

Trong chuyến công tác của đoàn báo chí vào cuối tháng 4 vừa qua do KBNN tổ chức, tại 3 địa phương: Phú Thọ, Yên Bái, Tuyên Quang. Cảm nhận đầu tiên mà chúng tôi ghi nhận được là cả 3 địa phương đều đã triển khai rất tốt phương thức thanh toán này và bước đầu đã cho được nhiều kết quả khả quan.

Phú Thọ: Tốc độ thanh toán được đẩy nhanh

Theo lộ trình, TTSPĐT được KBNN Phú Thọ triển khai cho 3 đơn vị có mở tài khoản tại Ngân hàng Công thương (VietinBank) là: Phòng giao dịch, KBNN Lâm Thao, KBNN Phú Thọ từ ngày 4/11/2013. Đến ngày 1/4/2014 triển khai toàn bộ cho các đơn vị có mở tài khoản tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) 10 đơn vị.

PT
Sau hơn 5 tháng triển khai hệ thống TTSPĐT, tốc độ thanh toán ở KBNN Phú Thọ được đẩy nhanh rõ rệt

Theo bà Vương Thị Bảy, Phó Giám đốc KBNN Phú Thọ, sau hơn 5 tháng triển khai hệ thống TTSPĐT với các Ngân hàng VietinBank và hơn 1 tháng triển khai với các chi nhánh Agribank trên địa bàn, ưu điểm rõ ràng nhất từ phương thức thanh toán này đem lại là các thành viên tham gia không phải trực tiếp trao đổi chứng từ giấy và nhập dữ liệu thủ công như trước đây nữa.

Thông tin dữ liệu được điện tử hóa trong hệ thống TABMIS (hệ thống thông tin quản lý ngân sách và kho bạc) của KBNN sẽ truyền trực tiếp đến hệ thống thông tin kế toán của các NHTM và ngược lại, thông qua hệ thống TTSPĐT, dữ liệu từ các NHTM được truyền trực tiếp vào TABMIS.

Ngoài ra, với quy trình thanh toán mới, chứng từ giao dịch thanh toán được xử lý theo từng món, không phải chờ đến phiên giao dịch mới lập bảng kê để gửi đi ngân hàng. Nhờ đó, các yêu cầu thanh toán, chi trả của các đơn vị được nhanh chóng hơn và khoản thu, nộp từ ngân hàng được tập trung vào ngân sách nhà nước (NSNN) kịp thời hơn. Tốc độ thanh toán nhờ đó được đẩy nhanh hơn rõ rệt.

Bên cạnh đó, khi triển khai TTSPĐT, dữ liệu thanh toán đảm bảo và an toàn hơn do tất cả các lệnh thanh toán đi và đến trên hệ thống đều phải ký chữ ký số theo quy định của Luật Giao dịch điện tử.

Về phía khách hàng, TTĐTSP cũng giúp cho việc giao dịch được thuận tiện khi khách hàng được giảm bớt số liên chứng từ. Đồng thời, cán bộ kiểm soát chi của KBNN cũng giảm thời gian kiểm soát các liên chứng từ, giúp khả năng thanh toán chứng từ cho đơn vị mang tính thanh khoản cao, nhanh chóng, chính xác, an toàn và kịp thời đến người thụ hưởng.

Bà Bảy còn cho biết, khi triển khai TTSPĐT, cơ chế quản lý và điều hành vốn của đơn vị được tập trung đã tạo điều kiện cho các đơn vị giao dịch và các chủ đầu tư trong việc thanh toán vốn. Từ đó, trong việc quản lý vốn tập trung của KBNN Phú Thọ không còn lo ngại về số dư tồn ngân quỹ khi thanh toán cho đơn vị hoặc rút tiền mặt từ tài khoản tiền gửi về chi trả. Việc không phải thực hiện điều chuyển vốn đã tiết kiệm được rất nhiều thời gian cho các cán bộ KBNN.

Yên Bái: Đáp ứng các yêu cầu quản lý thu, chi

Chia sẻ về phương thức thanh toán mới, bà Địch Thị Thuyết, Phó Giám đốc KBNN Yên Bái cho biết, trong năm 2013, đơn vị đã triển khai thực hiện nâng cấp dự án TCS tập trung (dự án hiện đại hóa thu nộp NSNN); hệ thống ứng dụng chữ ký số; tổ chức tập huấn TTSPĐT cho toàn tỉnh và đã triển khai tại 2 đơn vị là Phòng Giao dịch và KBNN Yên Bình.

YB
Nhờ TTSPĐT mà việc giao dịch tại KBNN Yên Bái đã đáp ứng được nhu cầu thực tế.

Tháng 4/2014 đơn vị tiếp tục triển khai TTSPĐT tại 5 KBNN huyện: Trấn Yên, Văn Yên, Văn Chấn, Trạm Tấu, Nghĩa Lộ.

Bà Thuyết cho biết, trong quá trình triển khai, KBNN Yên Bái đã nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao và chặt chẽ của KBNN. Bên cạnh đó là sự hỗ trợ trực tiếp của nhà thầu (về kỹ thuật, đường truyền). Tuy nhiên, thời gian đầu cũng gặp nhiều khó khăn do thói quen làm việc cũ (lập bảng kê chứng từ thanh toán qua tài khoản tiền gửi với ngân hàng thủ công) nên việc tiếp cận nghiệp vụ mới chuyển đổi từ mô hình thanh toán thủ công phân tán sang mô hình thanh toán điện tử cũng là một thách thức không thể tránh khỏi.

Nhưng với việc thực hiện nghiêm túc, tuân thủ theo đúng quy trình kế toán thanh toán điện tử của KBNN (từ khâu tiếp nhận, lập chứng từ trên các phần mềm ứng dụng, chuyển hóa từ chứng từ giấy sang chứng từ điện tử, ...) nên nhìn chung, cho đến thời điểm này, phương thức thanh toán mới đã cơ bản ổn định, khai thác được các tiện ích của chương trình, đáp ứng các yêu cầu quản lý về thu, chi NSNN.

Tuyên Quang: Tiết kiệm được nhiều thời gian

Tuyên Quang, TTSPĐT cũng đã được triển khai tại các KBNN huyện và Phòng Giao dịch của KBNN tỉnh với các Ngân hàng VietinBank và Agribank. Ông Trương Trọng Dũng, Phó Giám đốc KBNN Tuyên Quang cho biết, bước đầu triển khai tại địa phương đạt kết quả tốt. Công tác đối chiếu và quyết toán cuối ngày trên chương trình TTSPĐT đều được làm đúng các bước theo quy định.

TQ
Tại KBNN Tuyên Quang khách hàng và thanh toán viên đều hài lòng vì tiết kiệm được thời gian khi giao dịch

Trong quá trình triển khai, phòng Kế toán KBNN Tuyên Quang và phòng Tin học đã luôn phối hợp tốt với đội hỗ trợ để giải quyết các lỗi phát sinh trong quá trình thực hiện. Bên cạnh đó, đơn vị cũng thường xuyên theo dõi và nắm bắt kịp thời các lỗi phát sinh, các khó khăn, vướng mắc để có hướng tháo gỡ.

Theo ông Dũng, lợi ích lớn nhất mà TTSPĐT đem lại là tiết kiệm được được thời gian, công sức của thanh toán viên vì không phải mất thời gian kiểm tra chứng từ và giao nhận qua ngân hàng như thanh toán thủ công trước đây. Lúc này, thanh toán viên chỉ thực hiện đối chiếu số liệu khi công việc thu chi trong ngày kết thúc. Hơn nữa, thực hiện TTSPĐT, công tác thu NSNN cũng được hạch toán kịp thời hơn, đầy đủ và nhanh chóng hơn, không còn bị tập trung nhiều vào cuối ngày, cuối tháng đã giúp cho KBNN tổng hợp được báo cáo đầy đủ và kịp thời./.

Vân Hà

Vân Hà

© Thời báo Tài chính Việt Nam