Gỡ bỏ thủ tục cản trở tiến độ giải ngân vốn Quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh

18:21 | 07/05/2014 Print
(TBTCVN)- Bộ Tài chính vừa tổ chức đoàn kiểm tra tại địa bàn các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận, Khánh Hòa để đưa ra một số giải pháp nhằm thúc đẩy việc giải ngân nguồn vốn giúp các dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên hoàn thành đúng tiến độ.

đường HCM

Thi công đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tay Nguyên. Ảnh Internet.

Theo báo cáo của Kho bạc Nhà nước (KBNN), đến hết tháng 3/2014, tỷ lệ giải ngân kế hoạch vốn trái phiếu chính phủ (TPCP) năm 2014 của các dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ (QL) 1 và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên đạt thấp, các nhà thầu đang phải ký quỹ để thực hiện dự án. Hầu hết các chủ đầu tư chua tạm ứng hợp đồng cho các nhà thầu, việc này đã gây khó khăn cho các nhà thầu và ảnh hưởng đến việc thực hiện các dự án.

Tỉnh Khánh Hòa: Dự án được bố trí 1.377 tỷ đồng (bao gồm cả 246 tỷ đồng bố trí hoàn ứng). Đến nay, đã giải ngân được 175,4 tỷ đồng, trong đó 167 tỷ đồng GPMB; 8,4 tỷ đồng xây lắp.

Tỉnh Ninh Thuận: Nguồn vốn được bố trí cho dự án là 291 tỷ đồng (bao gồm cả 96 tỷ đồng hoàn ứng). Đã giải ngân 56,1 tỷ đồng, trong đó 53,6 tỷ đồng GPMB; 2,5 tỷ đồng xây lắp.

Tỉnh Bình Thuận: Nguồn vốn bố trí cho dự án là 1.611 tỷ đồng (bao gồm cả 376 tỷ đồng hoàn ứng). Đã giải ngân được 139 tỷ đồng GPMB; chưa giải ngân cho phần xây lắp.

Vướng mắc về giải phóng mặt bằng và thi công xây lắp

Theo báo cáo kiểm tra từ Vụ Đầu tư (Bộ Tài chính), tỷ lệ giải ngân tại 3 tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận đạt thấp do một số vướng mắc từ công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) và thi công xây lắp.

Đơn cử như một số dự án không bố trí được vốn để xây dựng khu tái định cư, hoặc giá đất thu hồi của dân thấp nên không bù đắp được kinh phí đầu tư khu tái định cư (ví dụ dự án QL1 tại Khánh Hòa, giá đất dân nộp là 242 nghìn đồng/m2, nhưng kinh phí nhà thầu đã ứng ra để san lấp mặt bằng khu tái định cư là 1 triệu đồng/m2).

Trên tổng mặt bằng đã bàn giao cho chủ đầu tư vẫn còn xen kẽ các hộ dân chưa thống nhất phương án thu hồi nên chưa nhận tiền đền bù.

Đối với công tác thi công xây lắp, để đảm bảo khả năng thực hiện hợp đồng đáp ứng tiến độ cấp bách của các dự án QL1, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đã có chính sách đề nghị các nhà thầu khi ký hợp đồng phải thực hiện ký quỹ 10% giá trị hợp đồng. Đến nay, mặc dù kế hoạch vốn TPCP năm 2014 của các dự án đã được giao, tuy nhiên các nhà thầu vẫn chưa được giải tỏa khoản ký quỹ.

Bên cạnh đó, nhiều gói thầu còn chưa phê duyệt dự toán do phải chờ thẩm định của Bộ Xây dựng. Hay như, trên tuyến QL1 đoạn Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, xen kẽ với các đoạn được đầu tư bằng nguồn vốn TPCP giai đoạn 2014 - 2016 vẫn còn một số đoạn thuộc dự án Biến đổi khí hậu trước đây được dự kiến thực hiện bằng nguồn vốn ODA.

Tuy nhiên, theo báo cáo của Bộ GTVT, đến nay một số nhà tài trợ ODA đã rút lui, hoặc vẫn đang trong quá trình đàm phán, vì vậy các đoạn tuyến này chưa được triển khai gây khó khăn cho công tác GPMB toàn tuyến, đồng thời ảnh hưởng đến việc khai thác khi các đoạn được đầu tư bằng nguồn vốn TPCP hoàn thành, mở rộng...

Kiến nghị sớm bãi bỏ khoản ký quỹ cho các nhà thầu

Qua thực tế kiểm tra, Vụ Đầu tư đã tổng hợp được nhiều kiến nghị từ chủ đầu tư cũng như của địa phương.

Cụ thể, do hiện nay kế hoạch vốn TPCP năm 2014 đã được giao, vì vậy các nhà thầu đều có ý kiến đề nghị sớm bãi bỏ khoản ký quỹ cho các nhà thầu để giảm bớt lãi suất ngân hàng (vì hầu hết các nhà thầu phải vay ngân hàng thương mại với lãi suất cao). Chủ đầu tư và các nhà thầu cũng đề nghị xử lý sớm thủ tục tạm ứng theo chế độ.

Một số nhà thầu đề nghị KBNN cấp thẳng vốn thanh toán, tạm ứng trực tiếp cho họ thi công công trình (lý do, hiện một số nhà thầu thi công là các công ty con của nhà thầu chính ký hợp đồng với chủ đầu tư, theo quy định hiện nay việc thanh toán, tạm ứng được chuyển về nhà thầu chính sau đó mới được chuyển xuống cho các công ty con, đã khiến nguồn vốn đến công trình bị chậm trễ). Bên cạnh đó, các địa phương cũng đề nghị hỗ trợ kinh phí xây dựng khu tái định cư phục vụ GPMB.

Trước thực tế này, Vụ Đầu tư đề xuất, đối với công tác GPMB, chủ đầu tư phải phối hợp chặt chẽ với địa phương để giải tỏa ngay những địa điểm mà các hộ dân đã nhận tiền đền bù để tránh tái lấn chiếm.

Theo Vụ Đầu tư, trước mắt, để đẩy nhanh tiến độ GPMB của dự án và tạo điều kiện sớm ổn định đời sống của người dân, đề nghị các tỉnh phối hợp với Bộ GTVT báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép tạm ứng từ dự án để có kinh phí xây dựng hạ tầng khu tái định cư. Các tỉnh cần phối hợp với chủ đầu tư rà soát chặt chẽ quy mô dự án tái định cư trên cơ sở nguyên tắc chỉ tạm ứng xây dựng khu tái định cư cho các hộ dân thuộc phạm vi GPMB của dự án TPCP.

Đối với công tác thi công xây lắp và giải ngân, do hiện nay các dự án đã thi công, có những dự án đã thi công được khối lượng tương đối lớn, tuy nhiên, Bộ GTVT chậm làm thủ tục tạm ứng vốn cho các dự án. Để thúc đẩy giải ngân kế hoạch vốn TPCP năm 2014 cũng như để có vốn cho các nhà thầu mua vật liệu, phục vụ sẵn sàng thi công đáp ứng tiến độ công trình trước mùa mưa lũ, Vụ Đầu tư đề nghị Bộ GTVT xem xét bãi bỏ việc ký quỹ, đồng thời, tìm giải pháp tạo cơ chế chuyển tiền trực tiếp cho nhà thầu thi công nhằm bố trí vốn kịp thời đến chân công trình./.

Vân Hà

Vân Hà

© Thời báo Tài chính Việt Nam