Sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực tài chính quốc gia

13:17 | 02/05/2014 Print
(TBTCVN) - Mới đây, Viện Chiến lược và Chính sách tài chính vừa tổ chức hội thảo “Tổng kết một số vấn đề lý luận – Thực tiễn qua 30 năm đổi mới (1986 – 2016) về phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa (XHCN)”.

Bên lề hội thảo phóng viên TBTCVN đã có cuộc trao đổi với ông Vũ Nhữ Thăng – Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách tài chính, về vấn đề trên.

* Sau gần 30 năm đổi mới, các yếu tố cấu thành cơ bản của nền kinh tế thị trường (KTTT) định hướng XHCN ở Việt Nam đã được tạo lập. Xin ông một vài đánh giá về quá trình chuyển đổi của nền kinh tế?

- Đây là một bước đột phá trong đổi mới tư duy, giúp giải phóng sức sản xuất vốn bị kìm hãm trong nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung trước đây. Sự tồn tại khách quan của nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế đã được khẳng định. Vai trò, chức năng của Nhà nước có sự thay đổi đáng kể - đó là xây dựng và hoàn thiện thể chế, tạo dựng và cải thiện môi trường kinh tế vĩ mô, môi trường kinh doanh; can thiệp vào nền kinh tế với mục tiêu khắc phục những khiếm khuyết của thị trường và đảm bảo an sinh xã hội. Đồng thời, Nhà nước cũng đóng vai trò là một chủ thể kinh tế thông qua việc đầu tư vốn và quản lý tài sản công.

Sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực tài chính quốc gia
Quan điểm và phương châm tái cấu trúc nền tài chính quốc gia là “chủ động, căn bản, toàn diện nhưng có trọng tâm, trọng điểm”, kiên quyết, nhất quán nhưng thận trọng và theo lộ trình rõ ràng; chủ động sử dụng cơ chế thị trường trong sự phối hợp với vai trò điều tiết của nhà nước để tiến hành tái cơ cấu nền tài chính quốc gia.. . Ông Vũ Nhữ Thăng

Việc “cởi trói” để hàng hóa được tự do lưu thông, cùng với mở cửa nền kinh tế đã giúp chuyển từ một nền kinh tế mất cân đối cung cầu sang nền kinh tế dựa vào sản xuất, có xuất khẩu và từng bước tham gia vào chuỗi giá trị gia tăng toàn cầu.

Đáng chú ý, quan hệ phân phối đã chuyển dịch từ chỗ coi Nhà nước là chủ thể quyết định (phân phối lần đầu và phân phối lại), sang việc coi thị trường quyết định phân phối lần đầu và Nhà nước đóng vai trò phân phối lại.

Đặc biệt, nhận thức về giá, cơ chế giá ngày càng đầy đủ, đảm bảo tính hệ thống; cùng với các cải cách khác thì cải cách về giá đã được xác định là đột phá để chuyển sang KTTT. Chủ trương nhất quán là chuyển cơ chế giá từ quản lý mệnh lệnh hành chính (không phản ánh đúng quy luật giá trị), sang quản lý theo cơ chế thị trường có sự điều tiết vĩ mô của Nhà nước; đồng thời chủ động nhận diện, khắc phục những bất cập, hạn chế về giá, những mặt trái về giá trong KTTT, nhằm đảm bảo ổn định và an sinh xã hội.

Ngoài ra, chủ trương khuyến khích phát triển đồng bộ các loại thị trường, trong đó thị trường tài chính đã được chú trọng, đặc biệt là thị trường vốn để tạo kênh dẫn vốn quan trọng cho nền kinh tế.

* Quá trình chuyển đổi sang KTTT của Việt Nam chưa hoàn tất, những thách thức còn rất lớn, trong cả tư tưởng, nhận thức, cơ chế, chính sách và tổ chức thực hiện. Xin ông cho biết cụ thể hơn về điều này?

- Có thể nói, quá trình chuyển đổi sang nền KTTT của Việt Nam còn chậm, chưa đáp ứng được yêu cầu và chưa theo kịp sự vận động của thực tiễn. Tính dự báo, đón đầu các vấn đề trong phát triển kinh tế - xã hội còn hạn chế, chưa theo kịp và đáp ứng yêu cầu của công cuộc đổi mới cũng như sự phát triển nhanh chóng, sâu sắc của thực tiễn đất nước.

Nhiều vấn đề còn tiếp tục cần làm sáng tỏ như về nội dung cơ bản của thể chế KTTT định hướng XHCN; quan hệ giữa Nhà nước và thị trường; quan hệ giữa kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo và sự phát triển bình đẳng các thành phần kinh tế…

thị trường giá cả
Thực tế đến nay, cơ chế giá thị trường chưa được thực hiện đầy đủ. Ảnh: Hà Dung

Bên cạnh đó, tư duy theo KTTT định hướng XHCN cũng là một quá trình, cần có thời gian, có mô hình hay và cách làm tốt để chứng minh tính đúng đắn của vấn đề. Ví dụ như vai trò của sở hữu hỗn hợp trong nền kinh tế, các tập đoàn, tổng công ty phát triển theo mô hình đa sở hữu… Nhận thức về giá dù đã có những đổi mới, nhưng “tính xã hội” vẫn bị ảnh hưởng lớn hơn “tính thị trường”.

Thực tế đến nay, cơ chế giá thị trường chưa đầy đủ, vẫn còn đan xen giữa giá thị trường và một số giá hàng hóa, dịch vụ chưa theo thị trường; còn tình trạng bao cấp qua giá đối với một số hàng hóa, dịch vụ; tính minh bạch trong cơ chế hình thành giá còn hạn chế.

* Thưa ông, để đạt được mục tiêu “chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh”; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với phát triển kinh tế - xã hội, thời gian tới chúng ta cần có những giải pháp gì?

- Thực hiện tái cấu trúc nền tài chính quốc gia, ưu tiên đẩy nhanh tiến trình tái cơ cấu ở 3 trọng tâm, cụ thể là tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, tái cơ cấu đầu tư công, tái cơ cấu hệ thống tài chính. Đồng thời, coi nâng cao hiệu quả phân bổ và sử dụng các nguồn lực tài chính quốc gia phải xuyên suốt ở tất cả các giai đoạn phát triển nhằm đạt được mục tiêu “chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh”.

Quan điểm và phương châm tái cấu trúc nền tài chính quốc gia là “chủ động, căn bản, toàn diện nhưng có trọng tâm, trọng điểm”, kiên quyết, nhất quán nhưng thận trọng và theo lộ trình rõ ràng; chủ động sử dụng cơ chế thị trường trong sự phối hợp với vai trò điều tiết của nhà nước để tiến hành tái cơ cấu nền tài chính quốc gia.

Về cơ cấu thu ngân sách nhà nước (NSNN), tiếp tục nghiên cứu, rà soát, hoàn thiện các cơ chế chính sách về thu NSNN theo hướng vừa khuyến khích đầu tư, sản xuất - kinh doanh trong nước và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, vừa động viên hợp lý nguồn thu trên cơ sở thực hiện mở rộng cơ sở thuế, áp dụng mức thuế suất hợp lý, đảm bảo công bằng, bình đẳng về thuế giữa các đối tượng nộp thuế; đảm bảo phù hợp theo cam kết trong WTO.

Đồng thời, nghiên cứu xây dựng và tổ chức thực hiện một số luật thuế mới như Luật Phí, lệ phí (thay thế pháp lệnh); xây dựng Luật thuế Bất động sản; nghiên cứu ban hành hoặc sửa đổi, bổ sung chính sách thu liên quan đến hoạt động thăm dò, khai thác và sử dụng tài nguyên...

Về cơ cấu chi NSNN, hoàn thiện Luật NSNN theo hướng phù hợp với Hiến pháp sửa đổi, về thẩm quyền của Quốc hội trong việc quyết định, phân bổ, phê chuẩn quyết toán NSNN; sửa đổi phân cấp nguồn thu và nhiệm vụ chi giữa các cấp ngân sách; kế hoạch tài chính ngân sách trung hạn; quy định về công tác chấp hành, quyết toán, thanh tra, kiểm toán; công khai minh bạch NSNN…

Từng bước điều chỉnh cơ cấu đầu tư theo hướng giảm dần tỷ trọng đầu tư công, kể cả chi đầu tư từ NSNN, ưu tiên tập trung vốn đầu tư nhà nước phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - kỹ thuật thiết yếu, hoặc các bộ phận, cấu thành của cơ sở hạ tầng kinh tế - kỹ thuật thiết yếu cho phát triển kinh tế - xã hội nhưng không có khả năng thu hồi vốn hoặc mức độ thu hồi vốn thấp, rủi ro cao, dịch vụ công quan trọng, một số ngành sản xuất thiết yếu, then chốt, đóng vai trò chủ đạo và những lĩnh vực mà tư nhân không thể hoặc chưa thể thực hiện được.

Đồng thời, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công, đảm bảo chi đầu tư công được giới hạn trong khả năng nguồn lực và thống nhất với các ưu tiên chính sách của Quốc hội và Chính phủ. Quản lý chặt chẽ các khoản chi, bảo đảm theo đúng dự toán đã được phê duyệt, chống thất thoát, lãng phí, tham nhũng; tăng cường quản lý chi đầu tư xây dựng cơ bản, vốn trái phiếu chính phủ, chương trình mục tiêu quốc gia; thực hiện công khai giải ngân vốn đầu tư, công khai quyết toán dự án hoàn thành trong cả nước; rà soát, quản lý chặt chẽ các khoản chi chuyển nguồn.

Bên cạnh đó, tập trung nguồn lực đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa và chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong nông nghiệp, nông thôn; đảm bảo chi cho khoa học công nghệ và môi trường từ NSNN theo quy định và huy động thêm các nguồn ngoài NSNN đầu tư vào lĩnh vực khoa học công nghệ.

Ưu tiên đầu tư cho cơ sở vật chất giáo dục, đào tạo và y tế phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, gắn với nâng cao hiệu quả sử dụng NSNN; tăng tốc độ đầu tư từ NSNN cho lĩnh vực y tế để nâng cấp các cơ sở y tế, trong đó, ưu tiên củng cố, hoàn thiện mạng lưới y tế cơ sở và y tế dự phòng, các bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh, tuyến huyện.

* Xin cảm ơn ông!

Hồng Sâm

Hồng Sâm

© Thời báo Tài chính Việt Nam