Giải pháp nâng cao năng lực ngành Thẩm định giá Việt Nam

10:10 | 23/04/2014 Print
(TBTCVN) - Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Văn Hiếu trả lời phỏng vấn TBTCVN xung quanh Đề án “Nâng cao năng lực hoạt động thẩm định giá của Việt Nam giai đoạn 2013-2020” vừa được Bộ trưởng Bộ Tài chính phê duyệt.

Bộ trưởng Bộ Tài chính vừa ban hành Quyết định phê duyệt Đề án “Nâng cao năng lực hoạt động thẩm định giá của Việt Nam giai đoạn 2013-2020”. Thực hiện Đề án này, kỳ vọng sẽ giúp phát triển nghề thẩm định giá tài sản ở nước ta thành công cụ hữu hiệu giúp cho thị trường tài sản trở nên công khai, minh bạch hơn... Xung quanh vấn đề này, TBTCVN đã có cuộc phỏng vấn Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Văn Hiếu. TBTCVN: Xin Thứ trưởng cho biết ý nghĩa và tầm quan trọng của việc nâng cao năng lực hoạt động thẩm định giá đối với nền kinh tế, xã hội nói chung và ngành Tài chính nói riêng? Thứ trưởng Trần Văn Hiếu: Cùng với quá trình chuyển đổi kinh tế của đất nước, nhu cầu về thẩm định giá ở nước ta đã xuất hiện và ngày càng gia tăng trên nhiều lĩnh vực do đòi hỏi của hoạt động sản xuất, kinh doanh và các hoạt động khác trong nền kinh tế thị trường, nhất là giai đoạn từ 1993-1994 đến nay. Điều đó đòi hỏi phải hình thành các tổ chức tài chính hoặc tổ chức thẩm định giá trung gian, hình thành đội ngũ thẩm định viên về giá có đủ điều kiện, năng lực chuyên môn cung cấp dịch vụ thẩm định giá theo yêu cầu của khách hàng và quy định của pháp luật để xác định đúng giá trị thị trường của tài sản, phục vụ cho việc trao đổi, giao dịch về tài sản, hàng hóa trên thị trường để góp phần ngăn ngừa hoạt động của “thị trường ngầm”. Từ khi Pháp lệnh Giá ra đời, nhất là từ khi Nghị định số 101/2005/NĐ-CP ngày 3/8/2005 của Chính phủ về thẩm định giá được ban hành, các cơ quan có thẩm quyền đã cho phép thành lập và công bố đủ điều kiện hoạt động 135 doanh nghiệp thẩm định giá. Qua quá trình hoạt động, các doanh nghiệp đã góp phần tích cực vào việc xác định giá trị đất đai, tài nguyên, tài sản làm căn cứ để cơ quan có thẩm quyền phê duyệt các dự án FDI, dự án đầu tư trong nước, cổ phần hóa DNNN, dự toán cấp phát kinh phí mua sắm từ nguồn NSNN... Theo báo cáo của các doanh nghiệp thẩm định giá, kết quả thẩm định giá đã giúp giảm dự toán chi từ NSNN dành để mua sắm tài sản nhà nước khoảng 10-15% so với dự toán. Nhu cầu về thẩm định giá ở nước ta đã xuất hiện và ngày càng gia tăng trên nhiều lĩnh vực do đòi hỏi của hoạt động sản xuất, kinh doanh và các hoạt động khác trong nền kinh tế. Ảnh: T.L Nhu cầu về thẩm định giá tài sản trong xã hội ngày càng lớn, đặt ra yêu cầu phải đưa thẩm định giá tài sản trở thành một nghề - một loại hoạt động dịch vụ tư vấn mang tính chuyên nghiệp, độc lập, khách quan. Đề án “Nâng cao năng lực hoạt động thẩm định giá của Việt Nam giai đoạn 2013-2020” được thiết kế với mục tiêu xây dựng một chiến lược phát triển hoạt động thẩm định giá với các kế hoạch, lộ trình cụ thể trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn, phạm vi bao gồm cả thẩm định giá của Nhà nước và thẩm định giá của doanh nghiệp, để tạo cơ sở cho các cấp, ngành tổ chức triển khai thực hiện, thúc đẩy nghề thẩm định giá Việt Nam phát triển. * TBTCVN: Thưa Thứ trưởng, nhân lực vốn đang là một trong các “yếu điểm” của hoạt động thẩm định giá. Vậy vấn đề này sẽ được giải quyết ra sao? Thứ trưởng Trần Văn Hiếu: Để hoạt động thẩm định giá phát triển đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế phải thực hiện đồng bộ các giải pháp. Trong đó, có vấn đề hết sức quan trọng là phát triển nguồn nhân lực. Nhu cầu về thẩm định giá tài sản trong xã hội ngày càng lớn, đặt ra yêu cầu phải đưa thẩm định giá tài sản trở thành một nghề - một loại hoạt động dịch vụ tư vấn mang tính chuyên nghiệp, độc lập, khách quan. Thứ trưởng Trần Văn Hiếu Theo đó, mục tiêu phát triển nguồn nhân lực từng thời kỳ sẽ là: Giai đoạn 2013-2015, tập trung phát triển đội ngũ thẩm định viên về giá và doanh nghiệp cả về số lượng lẫn chất lượng. Cụ thể, dự kiến cả nước có thêm khoảng 700 người sẽ được được cấp Thẻ thẩm định viên về giá. Nếu tính cả số lượng thẩm định viên về giá được cấp thẻ hiện hành thì sẽ có khoảng 1400 thẩm định viên. Cùng với đó, các doanh nghiệp được khuyến khích phát triển, nâng cao uy tín, cạnh tranh về chất lượng dịch vụ thẩm định giá. Giai đoạn 2015-2020, cả nước sẽ có thêm khoảng 800 người được cấp Thẻ thẩm định viên về giá. Nếu tính cả số lượng thẩm định viên về giá được cấp thẻ ở giai đoạn 2013-2015 thì sẽ có khoảng 2200 thẩm định viên. Cùng với phát triển về số lượng, đây là giai đoạn hoạt động thẩm định giá cần chú trọng hơn nữa đến chất lượng và hiệu quả, giúp nghề thẩm định giá phát triển bền vững ở cả trong nước và vươn ra tầm khu vực và quốc tế. Theo đó, cả nước sẽ duy trì khoảng 250 doanh nghiệp thẩm định giá đủ điều kiện hành nghề theo quy định, tiếp tục được ưu tiên phát triển theo hướng nâng cao năng lực và chất lượng thẩm định giá, khuyến khích mở rộng quy mô hoạt động, đặc biệt tại các vùng sâu, vùng xa và vươn sang các nước trong khu vực. * TBTCVN: Trong quá trình thực hiện không tránh khỏi những khó khăn, bất cập. Vậy theo Thứ trưởng, đâu là giải pháp để khắc phục những khó khăn, bất cập để đưa hoạt động thẩm định giá phát triển như mục tiêu Đề án đặt ra? Thứ trưởng Trần Văn Hiếu: Để đạt được mục tiêu phát triển nguồn nhân lực qua hai giai đoạn như trên, cần triển khai đồng bộ các giải pháp như: Biên soạn lại theo hướng chuẩn hóa và nâng cấp tài liệu bồi dưỡng, cấp Chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên ngành thẩm giá cho các cá nhân có nhu cầu học tập, bồi dưỡng để thi cấp Thẻ thẩm định viên về giá. Đồng thời, thực hiện bồi dưỡng cập nhật kiến thức chuyên môn về thẩm định giá cho đội ngũ thẩm định viên về giá đã được cấp thẻ theo hình thức: Mở các khoá đào tạo, tập huấn cập nhật kịp thời kiến thức, tình hình về thẩm định giá trong khu vực và thế giới. Kết thúc khoá đào tạo, học viên được cấp giấy chứng nhận đã qua khoá đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức, nghiệp vụ thẩm định giá. Triển khai tổ chức thi và cấp Thẻ thẩm định viên về giá theo quy định; Sửa đổi, cải tiến các quy định hiện hành về tổ chức thi và cấp thẻ thẩm định viên theo hướng mở rộng đối tượng được phép dự thi một cách hợp lý, có tiêu chí rõ ràng; nội dung thi phải nằm trong chương trình, nội dung đào tạo, bồi dưỡng và cập nhật kiến thức chuyên ngành thẩm định giá theo chương trình chuẩn của Bộ Tài chính; bảo đảm đủ kiến thức cơ bản, năng lực vận dụng kiến thức, sự hiểu biết về thực hành của thí sinh; phân loại được trình độ của thí sinh. Đào tạo và cập nhật kiến thức cho đội ngũ giảng viên về thẩm định giá, kết hợp với nâng cao số lượng và chất lượng đội ngũ giảng dạy chuyên ngành, góp phần quan trọng trong mục tiêu nâng cao chất lượng của đội ngũ thẩm định viên về giá. Bên cạnh đó, cần tăng cường hơn nữa hiệu lực, hiệu quả của các biện pháp quản lý Nhà nước về giá và thẩm định giá, thành lập Trung tâm Dữ liệu quốc gia, Bồi dưỡng nghiệp vụ và Dịch vụ về giá và thẩm định giá tạo ra hệ thống cơ sở dữ liệu đáng tin cậy phục vụ cho hoạt động thẩm định giá. Đồng thời, nâng cao vai trò hoạt động của Hội Thẩm định giá Việt Nam; Tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực thẩm định, trước mắt là Hiệp hội Thẩm định giá các nước ASEAN (AVA) mà Việt Nam đã là thành viên... * TBTCVN: Để hoạt động thẩm định giá phát triển đúng lộ trình đề ra, ngoài nguồn nhân lực, hành lang pháp lý cho hoạt động này cũng rất quan trọng. Vấn đề này được giải quyết ra sao, thưa Thứ trưởng? Thứ trưởng Trần Văn Hiếu: Sau khi Luật Giá được ban hành, Bộ Tài chính đã xây dựng và trình Chính phủ ban hành Nghị định số 89/2013/NĐ-CP ngày 06/8/2013 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Giá về thẩm định giá với các nội dung đã được giao trong Luật Giá. Bộ Tài chính cũng đã hoàn tất các thủ tục theo quy trình và sẽ ban hành các Thông tư hướng dẫn, quy định cụ thể quy trình thực hiện trong tháng 4/2014. Cụ thể, nhóm quy định chung về hoạt động thẩm định giá, bao gồm: quản lý nhà nước trong lĩnh vực thẩm định giá đối với doanh nghiệp thẩm định giá, tổ chức nghề nghiệp về thẩm định giá theo quy định của pháp luật; quy định về kiểm soát chất lượng hoạt động thẩm định giá và việc chấp hành các quy định của Nhà nước về thẩm định giá; ... Nhóm quy định về điều kiện dự thi, việc tổ chức thi và điều kiện để cấp Thẻ thẩm định viên về giá; quản lý, cấp và thu hồi Thẻ thẩm định viên về giá. Nhóm quy định về đào tạo, cấp chứng chỉ đào tạo nghiệp vụ thẩm định giá; bồi dưỡng kiến thức chuyên môn về thẩm định giá cho thẩm định viên về giá hành nghề. Cuối cùng là nhóm quy định về Tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam. Song song với việc hoàn chỉnh các văn bản quy phạm pháp luật, Bộ sẽ ban hành các Thông tư hướng dẫn về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giá và thẩm định giá. Các hành vi vi phạm trong hoạt động thẩm định giá được khái quát thành 2 nhóm lớn: Nhóm 1 là các hành vi vi phạm trong hoạt động thẩm định giá liên quan đến doanh nghiệp thẩm định giá từ khâu cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá đến phát hành chứng thư, báo cáo hàng năm. Nhóm 2: Các hành vi vi phạm trong hoạt động thẩm định giá liên quan đến thẩm định viên về giá từ khâu đăng ký hành nghề thẩm định giá đến toàn bộ quá trình hoạt động thẩm định giá./. * TBTCVN: Xin trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!

Nguyễn Phượng

Nguyễn Phượng

© Thời báo Tài chính Việt Nam