Giảm giá cổ phần tối đa 10% nếu đấu thầu lần 1 không thành

16:14 | 02/04/2014 Print
Doanh nghiệp sẽ được bán cổ phần theo phương thức thỏa thuận với mức giảm giá tối đa 10%, nếu đấu giá 1 lần không thành công. Đây là một trong những nội dung đề xuất của Bộ Tài chính tại dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ hướng dẫn Nghị quyết số 15/NQ-CP, nhằm đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn tại DNNN.

NQ15

Theo dự thảo Quyết định, các bộ, ngành hoặc địa phương quyết định phương án thoái vốn dưới mệnh giá đối với các doanh nghiệp thuộc phạm vi quản lý. Ảnh: T.L

Nhiều tình huống doanh nghiệp được giảm giá bán 10%

Điều 49 Nghị định 17 về bán đấu giá tài sản quy định, tài sản bán đấu giá được giảm giá 2 lần, mỗi lần giảm không quá 10% giá khởi điểm.

Điều 14 Nghị định 151 quy định, SCIC được giảm giá khởi điểm tối đa không quá 3 lần, mỗi lần không quá 10% so với giá khởi điểm của lần bán vốn trước, để đấu giá bán tiếp phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp chuyển giao về SCIC, đối với doanh nghiệp chưa niêm yết...

Căn cứ vào các quy định này, tại dự thảo hướng dẫn Nghị quyết 15, Bộ Tài chính đề xuất mức giảm giá tối đa 10% để chuyển sang bán thỏa thuận, sau khi đấu giá không thành công hoặc không bán hết cổ phần qua đấu giá. Tức là chỉ đấu giá 1 lần, nếu không thành công thì giảm 10% giá bán để bán thỏa thuận.

Lý giải về đề xuất này, Bộ Tài chính cho biết, với phương thức này sẽ hạn chế được tối đa tổn thất đầu tư và tâm lý chờ mua thỏa thuận. Nhưng vẫn đồng thời tạo điều kiện tốt nhất cho các doanh nghiệp thoái vốn thành công.

Trường hợp thoái vốn tại công ty cổ phần đã niêm yết trên Sàn giao dịch chứng khoán hoặc đăng ký giao dịch trên sàn giao dịch Upcom, sau khi doanh nghiệp bán theo phương thức giao dịch khớp lệnh hoặc thỏa thuận theo quy định của pháp luật, nhưng không bán hết số cổ phần chào bán trong 3 tháng, kể từ ngày đầu tiên giao dịch khớp lệnh hoặc thỏa thuận, thì cũng được phép giảm giá bán tối đa 10% so với giá bình quân giao dịch thành công của 30 ngày trước ngày xác định giá điều chỉnh để bán thỏa thuận.

Lý giải về con số 10%, Bộ Tài chính cho biết, thời gian qua có một số trường hợp bán ngoài biên độ giá của cổ phiếu niêm yết sau khi được Ủy ban Chứng khoán nhà nước chấp thuận. Do đó, quy định giảm giá 10% ngoài biên độ giá giao dịch trên sàn, không trái với quy định của pháp luật về chứng khoán.

Tự tổ chức đấu giá cổ phần

Dự thảo cũng quy định, việc chuyển nhượng vốn theo mệnh giá từ 10 tỷ đồng trở lên có thể thuê tổ chức trung gian, hoặc cho phép doanh nghiệp tự tổ chức bán đấu giá mà không nhất thiết phải bán qua Sở giao dịch chứng khoán.

Đối với công ty cổ phần đại chúng có kết quả kinh doanh thua lỗ cũng được phép chào bán cổ phần ra công chúng.

Dự thảo cũng quy định rõ, các bộ, ngành, địa phương bên cạnh trách nhiệm chỉ đạo, đôn đốc việc triển khai thực hiện phương án thoái vốn, còn được giao quyền quyết định phương án thoái vốn dưới mệnh giá và dưới giá trị sổ sách đối với các doanh nghiệp thuộc phạm vi quản lý.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có trách nhiệm hướng dẫn các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, cơ chế thoái vốn tại các công ty đầu tư tài chính, các ngân hàng thương mại cho các ngân hàng thương mại nhà nước, chuyển giao quyền đại diện vốn chủ sở hữu nhà nước về Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Đối với vốn nhà nước đầu tư vào lĩnh vực bảo hiểm, ngân hàng sau khi thoái vốn dưới mệnh giá và dưới giá trị sổ sách nhưng không thành công, thì chủ sở hữu vốn nhà nước có thể bán thỏa thuận cho SCIC theo giá thị trường, nhưng không cao hơn mức giá khởi điểm khi bán thỏa thuận.

Hiện tại, tiến độ thoái vốn của doanh nghiệp nhà nước còn chậm, do chưa có quy định cho phép doanh nghiệp được thoái vốn dưới mệnh giá, các công ty cổ phần đại chúng được phép chào bán cổ phần khi kinh doanh thua lỗ, đơn giản việc thoái vốn tại các công ty cổ phần chưa niêm yết có giá trị từ 10 tỷ đồng trở lên…

Với dự thảo này, nhiều “nút thắt” đã được gỡ bỏ, hy vọng thúc đẩy khối doanh nghiệp thực hiện thoái vốn thành công theo tinh thần của Nghị quyết 15/NQ-CP và Quyết định số 929/QĐ-TTg./.

Hà Anh

Hà Anh

© Thời báo Tài chính Việt Nam