Bộ Tài chính trả lời cử tri Hải Dương về bội chi ngân sách

12:31 | 30/03/2014 Print
Mức bội chi NSNN các năm qua vẫn ở mức cao là do nền kinh tế gặp nhiều khó khăn, để góp phần tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh và hỗ trợ thị trường, chính sách thu được hoàn chỉnh theo hướng giảm động viên vào NSNN, tăng tích tụ cho DN và nhà đầu tư đã ảnh hưởng đến dự toán thu.

NSNN

Để góp phần tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh và hỗ trợ thị trường, chính sách thu được hoàn chỉnh theo hướng giảm động viên vào NSNN, tăng tích tụ cho DN và nhà đầu tư. Ảnh: T.L

Bộ Tài chính cho biết như vậy trước ý kiến của cử tri tỉnh Hải Dương bày tỏ sự lo ngại về vấn đề thâm hụt NSNN kéo dài nhiều năm qua nhưng chưa cải thiện trong khi tỷ lệ thu thuế, phí còn cao so với các nước khác trong khu vực. Cử tri đề nghị Chính phủ cần sớm đưa ra chính sách và phương hướng cụ thể để giải quyết vấn đề này.

Tăng bội chi là cần thiết

Theo Bộ Tài chính, trong điều kiện phát triển của nước ta hiện nay, bội chi NSNN vẫn cần thiết do nhu cầu tăng chi ngân sách ở mức cao, trong khi thu NSNN chủ yếu mới đáp ứng nhu cầu chi thường xuyên cho phát triển các sự nghiệp văn hóa - xã hội, đảm bảo an sinh xã hội, cải cách tiền lương, đảm bảo quốc phòng, an ninh và nghĩa vụ trả nợ,…; chi đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội các công trình không có khả năng thu hồi vốn phải cân đối chủ yếu từ nguồn bội chi NSNN (đi vay) và huy động trái phiếu Chính phủ.

Thời gian qua, thâm hụt NSNN cơ bản được duy trì ở mức trên, dưới 5%GDP. Bình quân giai đoạn 2001-2005 là 4,9%GDP. Giai đoạn 2006-2010, trong bối cảnh khủng hoảng và suy thoái kinh tế toàn cầu, để tăng nguồn lực thực hiện các giải pháp kích thích kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, bội chi ngân sách ở mức cao hơn, bình quân giai đoạn này là 5,1%GDP.

Giai đoạn 5 năm 2011-2015, mục tiêu bội chi ngân sách theo các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội là giảm dần để đến năm 2015 xuống dưới 4,5%GDP. Thực tế, mức bội chi ngân sách năm 2011 là 4,0%GDP, năm 2012 là 4,3%GDP. Dự toán năm 2013 là 4,8%GDP. Tuy nhiên, do điều kiện thu ngân sách khó khăn, Chính phủ đã trình Quốc hội điều chỉnh mức bội chi lên 5,3%GDP. Khả năng thực tế thực hiện sẽ thấp hơn. Năm 2014 Quốc hội quyết định mức bội chi ngân sách bằng 5,3%GDP. Trong tổ chức thực hiện, sẽ phấn đấu tăng thu, tiết kiệm chi, từ đó giảm bội chi NSNN.

Kinh tế khó khăn ảnh hưởng đến dự toán thu

Cũng theo Bộ Tài chính, sở dĩ mức bội chi NSNN các năm qua vẫn ở mức cao so với mục tiêu theo Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, lý do chính là nền kinh tế các năm qua gặp nhiều khó khăn, để góp phần tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh và hỗ trợ thị trường, chính sách thu được hoàn chỉnh theo hướng giảm động viên vào NSNN, tăng tích tụ cho doanh nghiệp và nhà đầu tư đã ảnh hưởng đến dự toán thu NSNN các năm. Cụ thể:

Thứ nhất, đối với thuế thu nhập doanh nghiệp đã giảm mức thuế suất phổ thông từ mức 28% trước năm 2008 xuống 25% từ 1/1/2009 và xuống 22% áp dụng từ ngày 01/01/2014, riêng đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ, áp dụng thuế suất 20% ngay từ ngày 1/7/2013.

Thứ hai, việc ban hành Luật thuế giá trị gia tăng có hiệu lực từ ngày 1/1/2009 thay thế cho Luật Thuế giá trị gia tăng năm 1997 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế giá trị gia tăng năm 2003, đã mở rộng diện chịu thuế đối với hàng hoá, dịch vụ; thu hẹp diện không chịu thuế giá trị gia tăng, tạo điều kiện cho việc tính thuế, khấu trừ thuế được liên hoàn giữa các khâu đơn giản hoá thuế suất theo hướng rút gọn danh mục hàng hoá, dịch vụ áp dụng thuế suất 5% xuống còn 15 nhóm.

Theo Bộ Tài chính, tỷ lệ động viên thu NSNN của một số nước trong khu vực được nêu trong báo cáo của các tổ chức quốc tế thường chỉ tính ở cấp trung ương, trong khi ở Việt Nam được tính trên nguồn thu của cả 4 cấp ngân sách. Nếu tính cùng tiêu chí và cùng bản chất thì tỷ lệ động viên thu NSNN của Việt nam tương ứng mức trung bình của nhóm các nước có mức thu nhập dưới trung bình.

Thứ ba, đã ban hành Luật thuế thu nhập cá nhân (có hiệu lực từ ngày 1/1/2009) thay thế cho Pháp lệnh Thuế thu nhập đối với người có thu nhập cao. Theo đó, đã mở rộng đối tượng chịu thuế, thực hiện cấp mã số thuế để quản lý đối tượng; điều chỉnh giảm mức thuế suất cao nhất và mức thuế suất thấp nhất, tương ứng từ 50% xuống 35% và từ 10% xuống 5%; nâng mức khởi điểm thu nhập chịu thuế từ 3 triệu đồng/tháng lên 5 triệu đồng/tháng, đồng thời cho phép chiết trừ gia cảnh khi tính thu nhập chịu thuế; áp dụng thống nhất một biểu thuế giữa người Việt Nam và người nước ngoài; chuyển một bộ phận hộ gia đình trước đây nộp thuế thu nhập doanh nghiệp (dưới hình thức nộp thuế khoán) sang nộp thuế thu nhập cá nhân, tiếp theo đó từ ngày 1/7/2013 tiếp tục nâng mức khởi điểm chịu thuế cho bản thân và chiết trừ gia cảnh cho người phụ thuộc.

Thứ tư, miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp, miễn thu thuỷ lợi phí; rà soát, cắt giảm, bãi bỏ hàng trăm khoản phí, lệ phí...

Thực tế trong 3 năm 2011-2013, cũng đã liên tục thực hiện miễn, giảm, gia hạn thuế để tháo gỡ cho sản xuất - kinh doanh, kích thích tiêu dùng (năm 2011 khoảng 10.100 tỷ đồng; năm 2012 khoảng 13.300 tỷ đồng; năm 2013 khoảng 16.600 tỷ đồng).

Với việc thực hiện chính sách miễn, giảm, giãn thuế như nêu trên, tỷ lệ huy động từ thuế, phí năm 2011 đạt 22,7%GDP, năm 2012 đạt 20,6%GDP; năm 2013 ước đạt 18,4%GDP, dự toán 2014 khoảng 17,2%GDP (mục tiêu giai đoạn 2011-2015 là 22-23%GDP).

Khuyến khích "dưỡng" nguồn thu, tiết kiệm chi

Bộ Tài chính cho biết thời gian tới, để cải thiện mức thâm hụt NSNN, giảm gánh nặng chi trả nợ trong tương lai, trong điều hành Chính phủ sẽ chỉ đạo các Bộ tập trung triển khai các giải pháp:

Tiếp tục hoàn thiện chính sách pháp luật về thu NSNN theo hướng khuyến khích đầu tư, cơ cấu lại hoạt động sản xuất – kinh doanh của doanh nghiệp, đẩy mạnh sắp xếp, cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước, từ đó nâng cao hiệu quả sản xuất – kinh doanh để tăng thu cho NSNN.

Nâng cao hiệu quả đầu tư công, phân bổ vốn đầu tư trọng tâm, trọng điểm, tránh dàn trải, đẩy mạnh xã hội hóa nhằm thu hút các nguồn vốn đầu trong và ngoài nước (BOT, PPP,...).

Tiết kiệm chi tiêu, chống lãng phí. Rà soát, đánh giá tổng thể toàn bộ các chính sách, chế độ đã ban hành, trên cơ sở đó lồng ghép, bãi bỏ theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền đối với các chính sách, chế độ chồng chéo, không hiệu quả; tiếp tục rà soát hệ thống định mức kinh tế - kỹ thuật không phù hợp với thực tế, vượt quá khả năng đảm bảo của NSNN nhằm tăng cường hiệu lực quản lý và thúc đẩy chi tiêu công hiệu quả./.

Hoàng Lâm

Hoàng Lâm

© Thời báo Tài chính Việt Nam