WB: Việt Nam đã triển khai thành công dự án TABMIS

11:20 | 15/01/2014 Print
(TBTCVN) - Năm 2013 là năm đầu tiên Hệ thống Thông tin quản lý Ngân sách - Kho bạc (TABMIS) đi vào vận hành hoàn chỉnh, rộng khắp trong hệ thống KBNN. Để đánh giá toàn diện về dự án, PV TBTCVN đã có cuộc phỏng vấn bà Victoria Kwakwa - Giám đốc Quốc gia, Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam, đối tác tài trợ chính của dự án này.

Bà Victoria Kwakwa (ngoài cùng bên phải) quan sát thực tế vận hành hệ thống TABMIS tại Kho bạc Nhà nước Hà Nội. Ảnh: Đức Minh.

* Sau gần 10 năm WB hỗ trợ Việt Nam triển khai TABMIS, bà đánh giá thế nào về tiến độ và kết quả thực hiện của dự án này?

- Trước tiên, chúng tôi chúc mừng Chính phủ Việt Nam và Bộ Tài chính đã đạt được những thành tựu đáng kể trong việc thực hiện dự án TABMIS. Chúng tôi đánh giá cao sự chỉ đạo quyết liệt của Bộ Tài chính và sự quyết tâm nỗ lực của các cơ quan và đội ngũ chuyên viên để mang lại thành công cho dự án.

Trong chuyến thăm gần đây, tôi vui mừng được biết rằng dự án TABMIS đang đem lại nhiều hiệu quả cho Chính phủ, đặc biệt là trong giai đoạn ngân sách khó khăn. Dự án này tăng cường đáng kể tính minh bạch tài khóa nội bộ giữa các chính quyền trung ương và địa phương, hỗ trợ việc ra các quyết định kịp thời và nâng cao hiệu quả quản lý ngân sách, tiền mặt và các khoản phải chi. Dự án này cũng tạo thuận lợi cho quá trình kiểm toán về ngân sách và các giao dịch thanh toán, thúc đẩy trách nhiệm giải trình, nâng cao lòng tin của các nhà cung cấp và các đối tác phát triển.

Chúng tôi hy vọng sắp tới, các bạn sẽ tiếp tục ứng dụng hiệu quả TABMIS nhiều hơn nữa trong đánh giá chính sách chi tiêu và thông tin tài khóa, đặc biệt là tăng cường tính minh bạch của thông tin ngân sách tới công chúng.

* Theo bà việc triển khai TABMIS gặp những khó khăn, vướng mắc gì?

- Cho đến nay, TABMIS đã được triển khai thành công tại 1.500 phòng ban trên khắp cả nước. Hơn 10.000 nhân viên đã được đào tạo để sử dụng hệ thống mới. TABMIS đã được triển khai hiệu quả, ổn định trong suốt thời gian qua và Bộ Tài chính đã dần tiếp nhận và quản lý thành công hệ thống này từ nhà thầu. Dự án đã kết thúc thành công vào cuối năm 2013. Theo kinh nghiệm của WB, sẽ mất vài năm để toàn hệ thống, từ các nhân viên thực thi, đối tượng hưởng lợi tới các nhà làm chính sách quen với một hệ thống hoàn toàn mới và đưa ra cách làm việc mới. Năng lực của các cơ quan thuộc Bộ Tài chính cần phải được củng cố và tăng cường để đảm bảo sự vận hành hiệu quả, thông suốt của hệ thống...

Chúng tôi đánh giá cao sự chỉ đạo quyết liệt của Bộ Tài chính và sự quyết tâm nỗ lực của các cơ quan và đội ngũ chuyên viên để mang lại thành công cho dự án.
bà victoria kwakwa

Bà Victoria Kwakwa

Theo tôi, thách thức trong thời gian tới sẽ là tối đa hóa năng lực của hệ thống TABMIS trong việc nâng cao chất lượng báo cáo tài khóa cho mục đích điều hành, hỗ trợ việc đánh giá chính sách chi tiêu để làm nền tảng cho việc ra quyết định đúng đắn.

* Vậy theo bà, cần có giải pháp gì từ các bên để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy việc thực hiện hiệu quả dự án?

- Chúng tôi đã đề xuất với Bộ Tài chính các bước tiến tiếp theo để duy trì hiệu quả toàn diện của TABMIS. Hoạt động đào tạo vẫn được tiếp tục và có thể đầu tư thêm vào các công cụ hỗ trợ như BI (Business Intelligence – một hệ thống báo cáo khai thác dữ liệu thông tin từ nhiều nguồn khác nhau để hỗ trợ cho việc ra quyết định quản trị - PV).

Điều này đòi hỏi có những nỗ lực hơn nữa trong sử dụng dữ liệu ngân sách từ TABMIS để đánh giá chi phí tổng thể và từng lĩnh vực, từ đó đưa ra chính sách chi tiêu tốt hơn trong tương lai. Về mặt kỹ thuật, TABMIS đưa ra thông tin ngân sách chính xác và kịp thời hơn, nhưng cơ chế pháp lý liên quan cần được cập nhật để thúc đẩy minh bạch tài khóa. Tất cả những điều này sẽ lại hỗ trợ cho việc cải thiện năng lực và hiệu quả trong quản lý tài chính công.

* Trong thời gian tới, WB sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam như thế nào trong việc nâng cao tính minh bạch, hiệu quả của quản lý tài chính công?

- Hợp tác với các đối tác phát triển, WB sẽ tiếp tục cung cấp sự hỗ trợ kỹ thuật về hành pháp và lập pháp để củng cố năng lực, hệ thống và thể chế. Trước tiên, chúng tôi tiến hành các dự án tư vấn và phân tích khác nhau để hỗ trợ cải thiện quản lý tài chính công tại Việt Nam.

Gần đây, chúng tôi đã hoàn thành Đánh giá Minh bạch tài khoá (FTR) của Việt Nam với gợi ý cụ thể về các cải tiến khả thi để tăng chất lượng và tính kịp thời của các báo cáo ngân sách. Điều này sẽ giúp tăng sự tín nhiệm vào Chính phủ, Bộ Tài chính mà không làm chi phí tăng cao. Đó là những biện pháp có thể thực hiện ngay như công bố dự toán ngân sách ra công chúng cùng thời điểm trình ra Quốc hội, tăng cường công bố thường xuyên và chi tiết các báo cáo ngân sách trong năm. Chúng tôi đã gợi ý Chính phủ và Quốc hội đưa những nội dung này vào quá trình sửa đổi Luật Ngân sách năm 2014.

Chúng tôi cũng sẽ tiếp tục đưa ra những khuyến cáo và hỗ trợ kỹ thuật đối với cơ quan lập pháp bao gồm các luật về ngân sách, các loại thuế, đầu tư công, quản lý vốn trong các DNNN. Chúng tôi sẽ hỗ trợ để củng cố các hệ thống quốc gia, trong đó có hệ thống quản lý tài chính và mua sắm công, thúc đẩy cộng đồng quốc tế sử dụng hệ thống này trong các dự án và chương trình hỗ trợ của WB cho Việt Nam, nâng cao năng lực giám sát của Kiểm toán Nhà nước và Quốc hội.

Như đã nói ở trên, chúng tôi sẽ phối hợp với Chính phủ Việt Nam trong một số đánh giá về chi tiêu công, bắt đầu từ lĩnh vực giáo dục và hy vọng sẽ mở rộng sang các lĩnh vực khác. Những phân tích này chỉ ra những vấn đề cấp bách về chính sách của quốc gia, tìm ra biện pháp cải thiện hiệu quả phân bổ nguồn lực. Điều này đặc biệt hữu ích trong thời điểm thắt chặt tài khóa, và Việt Nam phải dựa nhiều hơn vào nguồn lực nội tại khi các nguồn vốn ODA giảm dần.

Tới đây, chúng tôi sẽ phối hợp chặt chẽ với Chính phủ trong các hoạt động quan trọng khác của quản lý tài chính công, trong đó có Dự án Hiện đại hóa quản lý thuế. Dự án này giúp hiện đại hóa việc quản lý thuế tại Việt Nam thông qua một chương trình cải cách toàn diện, theo các kinh nghiệm mới nhất của quốc tế với hệ thống công nghệ thông tin tích hợp toàn bộ. Chúng tôi cũng sẵn sàng thảo luận với Chính phủ về những hoạt động hợp tác trong tương lai khi cần thiết./.

* Xin cảm ơn bà!

Hoàng Yến

Hoàng Yến

© Thời báo Tài chính Việt Nam