Dầu Tường An đặt mục tiêu thận trọng với kế hoạch năm 2021

17:38 | 17/06/2021 Print
Chiều 17/6, Công ty cổ phần Dầu thực vật Tường An (mã TAC, sàn HOSE) đã họp đại hội đồng cổ đông thường niên 2021. Diễn biến đại hội cho thấy, dù đạt tăng trưởng khá trong nửa đầu năm, nhưng công ty này vẫn tỏ ra thận trọng với kế hoạch cả năm 2021.

tuong an

Các thành viên Đoàn chủ tịch Đại hội đồng cổ đông thường niên 2021 của Dầu Tường An

Chia sẻ với cổ đông tại đại hội, ông Bùi Thanh Tùng - Tổng giám đốc Dầu Tường An, đã cho biết một số thông tin ước tính về tình hình kinh doanh 6 tháng đầu năm.

Theo đó, doanh thu 6 tháng đầu năm ước đạt khoảng 3.000 tỷ đồng, tăng trưởng 37% so với cùng kỳ năm trước; lợi nhuận trước thuế 6 tháng ước đạt 105 tỷ đồng, tăng trưởng 23% so với 6 tháng đầu năm 2020.

Trước đó trong quý đầu năm 2021, Dầu Tường An đạt doanh thu thuần quý I/2021 là 1.583 tỷ đồng, tăng trưởng 53,2% so với cùng kỳ.

Lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp quý I ghi nhận mức 77,6 tỷ đồng, tăng trưởng 160% so với cùng kỳ.

Tại thời điểm cuối quý I/2021, Dầu Tường An có vốn chủ sở hữu 525,9 tỷ đồng, tổng tài sản đạt 1.796,5 tỷ đồng. Lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh quý I/2021 dương 32 tỷ đồng, lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động đầu tư âm 46,7 tỷ đồng, lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động tài chính ấm 190,2 tỷ đồng. Tổng lưu chuyển tiền thuần trong kỳ ghi nhận âm gần 205 tỷ đồng.

Mặc dù tốc độ tăng trưởng doanh và lợi nhuận quý I và 6 tháng đầu năm 2021 tăng trưởng khá, nhưng theo những nội dung được lãnh đạo công ty chia sẻ với các cổ đông tại đại hội, nền kinh tế nói chung và lĩnh vực kinh doanh của công ty vẫn còn có nhiều khó khăn do dịch bệnh.

Theo đó, mục tiêu tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận được công ty này đưa ra cũng ở mức khá thận trọng, cụ thể lần lượt tăng nhẹ 2,6% và 5%. Về con số tuyệt đối, mục tiêu doanh thu thuần năm 2021 là 5.266 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 232 tỷ đồng. Tỷ lệ chia cổ tức dự kiến là 20%.

Trao đổi với các cổ đông, lãnh đạo Dầu Tường An cho biết, mặc dù một số quốc gia hiện nay đã tiêm ngừa Covid-19 bắt đầu mở cửa trở lại, nhưng hệ thống các chuỗi cung ứng lớn trên thế giới vẫn còn đứt quãng dẫn đến việc thiếu nguồn cung nguyên vật liệu, biến động giá cả, vận chuyển và logistics…

Tại Việt Nam, sự bùng phát mạnh của dịch Covid-19 trong những tháng đầu năm khiến hầu hết các công ty gặp khó khăn trong việc sản xuất kinh doanh, các kế hoạch kinh doanh chưa được thực thi đúng hướng, đòi hỏi các doanh nghiệp phải chuyển hướng kinh doanh.

Tác động của đại dịch Covid-19 cũng ảnh hưởng đến thói quen và hành vi của người tiêu dùng. Theo đó, người tiêu dùng bắt đầu chi tiêu hợp lý và quan tâm đến các nhóm sản phẩm có lợi cho sức khỏe.

Riêng với ngành dầu ăn, mức độ tiêu thụ dầu ăn tại Việt Nam nhìn chung vẫn còn thấp so với các nước trong khu vực (13,5kg/năm, theo WHO). Lượng tiêu thụ dầu ăn ở Việt Nam hiện vẫn còn thấp hơn mức khuyến nghị bởi WHO.

Về kế hoạch thời gian tới, công ty dầu ăn này sẽ tiếp tục phát triển các sản phẩm chính và nâng cấp một số sản phẩm gồm nhóm sản phẩm dầu chuyên biệt, dầu ăn cao cấp Season, mè thơm và dầu Olive.

Ngoài ra, Dầu Tường An cũng sẽ thực hiện chiến lược khu vực hóa, xây dựng kế hoạch kinh doanh mùa vụ và danh mục sản phẩm phù hợp với từng địa phương; đầu tư mở rộng, cải tiến nhà máy để nâng công suất, tăng năng lực các bồn chứa…

Chí Tín

Chí Tín

© Thời báo Tài chính Việt Nam