Hướng dẫn mới về chế độ tài chính của Ngân hàng Nhà nước

17:43 | 19/12/2013 Print
Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư 195 /2013/TT-BTC hướng dẫn chế độ tài chính của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Phạm vi và đối tượng áp dụng của Thông tư bao gồm: Ngân hàng Nhà nước tại trung ương; các Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố; các văn phòng đại diện ở trong nước và ngoài nước; các đơn vị sự nghiệp thuộc Ngân hàng Nhà nước chưa thực hiện chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm.

Thông tư quy định cụ thể về vốn của Ngân hàng Nhà nước; Về quản lý và sử dụng quỹ dự phòng tài chính; Dự phòng rủi ro; Sử dụng vốn và tài sản; Quản lý thu nhập; Quản lý chi phí; Phân phối chênh lệch thu, chi và nộp ngân sách nhà nước ...

Đối với cơ chế khoán kinh phí hoạt động đối với Ngân hàng Nhà nước, Thông tư quy định: trên cơ sở định hướng điều hành chính sách tiền tệ, nhiệm vụ ngân hàng và các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước có liên quan, Ngân hàng Nhà nước dự kiến và lập kế hoạch tài chính trung hạn 3 năm, có chia ra các năm gửi Bộ Tài chính để thẩm định phương án khoán chi phí quản lý.

Trên cơ sở đề nghị của Ngân hàng Nhà nước, Bộ trưởng Bộ Tài chính quyết định phương án khoán chi phí quản lý trong từng thời kỳ cho Ngân hàng Nhà nước 3 năm, trong đó có chia ra các năm. Phương án khoán gồm các nội dung cơ bản như:

Xác định tỷ lệ % được trích lập từ chênh lệch thu chi để bổ sung kinh phí khoán cho từng năm của thời kỳ giao khoán; Xác định tổng mức chi cho các khoản chi được khoán theo quy định cho từng năm của thời kỳ giao khoán; Quy định cụ thể việc sử dụng kinh phí tiết kiệm từ mức khoán chi và kinh phí bổ sung từ chênh lệch thu chi; Kinh phí tiết kiệm từ mức khoán chi và kinh phí bổ sung từ chênh lệch thu chi được sử dụng cho một số mục đích...

Đối với khoản chi bổ sung thu nhập cho cán bộ, công chức, viên chức của hệ thống Ngân hàng Nhà nước, Thông tư quy định, mức chi tối đa không quá 0,8 lần lương, phụ cấp lương thực tế thực hiện trong năm không bao gồm phụ cấp công vụ. Trong đó mức bổ sung từ chênh lệch thu chi tối đa không quá 0,55 mức chi tối đa nói trên, phần còn lại được bổ sung từ nguồn kinh phí tiết kiệm kinh phí khoán.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quyết định việc phân phối thu nhập theo kết quả, chất lượng hoàn thành công việc của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động theo nguyên tắc công bằng, hợp lý, gắn với thu nhập và hiệu quả công việc.

Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 03 tháng 2 năm 2014, thay thế Thông tư số 35/2006/TT-BTC ngày 20 tháng 4 năm 2006 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Nghị định số 07/2006/NĐ-CP ngày 10 tháng 01 năm 2006 của Chính phủ về chế độ tài chính của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam./.

Tài Tâm

Tài Tâm

© Thời báo Tài chính Việt Nam