Xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành Dự trữ

14:15 | 04/12/2013 Print
(TBTCVN) - Thực tiễn hoạt động nghề dự trữ có đặc thù: vất vả, gian khổ, thậm chí nguy hiểm... Điều kiện làm việc của cán bộ, công chức còn nhiều khó khăn. Do đó, đòi hỏi về nguồn nhân lực chất lượng cao, tâm huyết với nghề luôn được đặt ra bức thiết với ngành.

Xây dựng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của ngành DTNN luôn là mối quan tâm, trăn trở lớn đối với lãnh đạo ngành DTNN. Ảnh: Chi Linh

Thông tin trên được bà Nguyễn Thị Hoàng Anh - Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Tổng cục Dự trữ Nhà nước (DTNN) chia sẻ, trong cuộc trao đổi mới đây với phóng viên Thời báo Tài chính Việt Nam.

Cơ hội để thay đổi, phát triển

Bà Nguyễn Thị Hoàng Anh cho biết, trước năm 2008, đội ngũ cán bộ công chức của Tổng cục DTNN có khoảng trên 2.600 người; trong đó cán bộ nữ chiếm 33%, cán bộ từ 40 tuổi trở lên chiếm 64%, cán bộ từ 30 tuổi trở xuống chiếm 11%. Do công tác tuyển dụng công chức trong giai đoạn này chưa được liên tục và đẩy mạnh nên phần lớn cán bộ công chức ngành DTNN là được duy trì kế thừa từ các giai đoạn trước đó.

Công tác đào tạo bồi dưỡng từ năm 2008 đến nay đã được ngành DTNN đẩy mạnh hơn bao giờ hết. Đặc biệt, do đặc thù của ngành là bảo quản nên việc phát triển đội ngũ làm công tác khoa học kỹ thuật và bảo quản đã được lãnh đạo Tổng cục đặc biệt coi trọng...

Bà Nguyễn Thị Hoàng Anh

Từ năm 2008 trở lại đây, để đáp ứng nhu cầu xây dựng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của ngành DTNN, công tác tuyển dụng cán bộ đã có đổi mới, bảo đảm tính khoa học, khả thi, có lộ trình, cách làm phù hợp; gắn quy hoạch chung với quy hoạch cụ thể của từng ngành, từng đơn vị; có dự báo chiến lược, đón trước sự phát triển, chủ động chuẩn bị cán bộ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ...

Cơ chế tuyển dụng linh hoạt, theo hướng nâng cao chất lượng cán bộ, để có nguồn nhân lực thực sự, thu hút được nhân tài phục vụ cho sự phát triển của ngành.

Điểm đáng mừng là đến thời kỳ này, Nhà nước có các chính sách như: chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển DTQG phù hợp với chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong từng thời kỳ. Vì vậy, các chính sách thu hút nhân lực của ngành DTNN đã có nhiều thuận lớn hơn. Do công tác tuyên truyền được làm tốt, ngành DTNN đã được nhiều người biết đến và quan tâm hơn.

Thủ tướng Chính phủ đã có các quyết định nâng cấp cơ quan quản lý thành Tổng Cục DTNN; phê duyệt Chiến lược phát triển DTQG đến năm 2010, định hướng đến năm 2020; phê duyêt quy hoạch tổng thể hệ thống kho DTQG đến năm 2020… đã tạo tiền đề để bộ máy DTNN có cơ hội chuyển động nhanh, phát triển nguồn nhân lực. Đặc biệt, Luật DTQG được Quốc hội thông qua, mở ra một trang mới cho hoạt động DTNN.

Chọn lọc và cơ cấu lại đội ngũ

Theo bà Nguyễn Thị Hoàng Anh, để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cũng như thực tiễn đòi hỏi, nhiều giải pháp nhằm thu hút người tài cho ngành DTNN đã được lãnh đạo ngành quan tâm, triển khai linh hoạt, đa dạng.

Từ năm 2008 đến nay, Tổng cục DTNN đã xây dựng đề án chiến lược phát triển nguồn nhân lực và được Bộ Tài chính phê duyệt. Tổng cục DTNN đã tiến hành tuyển dụng công chức 5 lần. Phần lớn cán bộ công chức được tuyển dụng đáp ứng các tiêu chí tốt nghiệp đại học chính qui, trong phạm vi 6 trường có thương hiệu như: Học viện Tài chính, Học viện Ngân hàng, Đại học Kinh tế quốc dân, Đại học Ngoại thương, Đại học Thương mại, Đại học Luật.

Đối với các đơn vị trực thuộc, công tác tuyển dụng cán bộ cũng được quan tâm chú trọng. Ngoại trừ những ngạch mang tính chất chuyên ngành như thủ kho, những người làm cán sự ở cấp chi cục… chỉ cần trình độ trung cấp, cao đẳng, còn phần lớn các chỉ tiêu tuyển dụng luôn ưu tiên tuyển dụng cán bộ có trình độ đại học. Chất lượng đầu vào vì thế từng bước được nâng cao, đáp ứng nhu cầu sử dụng một cách thực chất, hiệu quả.

Song song với việc tăng cường tuyển dụng đầu vào, Tổng cục DTNN cũng đã thực hiện tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ; kiên quyết đưa ra khỏi biên chế những trường hợp cán bộ năng lực, phẩm chất kém, sức khỏe yếu, hiệu quả, chất lượng công tác không đạt yêu cầu; mạnh dạn thay thế những người không đủ khả năng đáp ứng với đòi hỏi công việc tương ứng được giao.

Bên cạnh đó, việc tinh giản biên chế hiệu quả cũng là cơ hội để cải thiện chất lượng đầu vào. Đội ngũ hiện tại cũng phải thường xuyên nâng cao trình độ, bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ.

Hồng Sâm

Hồng Sâm

© Thời báo Tài chính Việt Nam