Sửa đổi Luật Kế toán: Bốn điểm mới đáng chú ý

12:02 | 27/09/2013 Print
Đây là ý kiến từ phía các chuyên gia, các nhà hoạch định chính sách nêu lên tại hội thảo “Sửa đổi, bổ sung Luật kế toán” do Hội Kế toán và kiểm toán Việt Nam (VAA) hợp tác với Vụ Chế độ kế toán và kiểm toán-Bộ Tài chính, Hiệp hội Kế toán Công chứng Anh (ACCA) vừa tổ chức tại Hà Nội.

Sửa Luật Kế toán-đòi hỏi khách quan và cấp bách. Ảnh: Ngọc Linh

Dần bộc lộ hạn chế

Theo Phó Chủ tịch thường trực Hội Kiểm toán viên hành nghề Việt Nam (VACPA) Bùi Văn Mai, Luật Kế toán 2003 đã tạo lập hành lang pháp lý khá đầy đủ, hoàn chỉnh phù hợp với giai đoạn đổi mới, tiếp cận kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế, đã giúp các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, đơn vị sự nghiệp tổ chức công tác kế toán, lập báo cáo tài chính… đáp ứng yêu cầu quản lý của Nhà nước, của doanh nghiệp, đơn vị và xã hội 10 năm qua.

Tuy nhiên, theo ông Bùi Văn Mai, do những thay đổi mạnh mẽ của nền kinh tế, chính sách của Nhà nước và yêu cầu hội nhập, mở cửa theo kinh tế thị trường… đã đến thời điểm cần thiết phải sửa đổi, bổ sung, ban hành mới Luật Kế toán.

Đồng thuận với quan điểm đổi mới Luật Kế toán, ông Đặng Văn Thanh - Chủ tịch Hội kế toán và kiểm toán Việt Nam chia sẻ, các nguyên tắc và nội dung quy định trong Luật Kế toán 2003 cơ bản phù hợp với giai đoạn đầu chuyển đổi sang kinh tế thị trường, mở cửa và hội nhập quốc tế, khi các cơ chế, cấu trúc kinh tế chưa phát triển và phức tạp như hiện nay.

Luật Kế toán (sau khi sửa đổi, bổ sung) sẽ góp phần cho hoạt động tài chính, kinh tế Việt Nam minh bạch, hiệu quả hơn.

luật kế toán

PGS.TS. Đặng Thái Hùng

"Tuy nhiên, Luật đã có nhiều vấn đề không còn phù hợp; bộc lộ sự thiếu thống nhất, không hợp lý và thiếu khả thi. Việc nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật Kế toán đã trở thành yêu cầu khách quan và cấp bách", ông Thanh nhấn mạnh.

Phù hợp với thông lệ quốc tế

Quan điểm của Bộ Tài chính về sửa đổi, bổ sung Luật Kế toán, đảm bảo phù hợp với cam kết WTO và Chiến lược phát triển kế toán đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 (vừa được Chính phủ phê duyệt ngày 18/03/2013).

Theo PGS.TS Đặng Thái Hùng, Vụ trưởng Vụ Chế độ Kế toán và Kiểm toán, hướng sửa đổi, bổ sung Luật Kế toán lần này là không rà soát sửa đổi toàn bộ nội dung của Luật, mà chỉ tập trung vào những vấn đề lớn thật sự cần thiết xuất phát từ các yêu cầu của thực tế, yêu cầu hội nhập và yêu cầu của các văn bản pháp luật liên quan, như sự thiếu thống nhất giữa các văn bản Luật pháp hiện hành.

Theo quy định về sửa đổi bổ sung luật, chỉ được phép sửa đổi bổ sung 20% điều khoản của luật hiện hành (sẽ điều chỉnh khoảng 13/64 điều khoản của Luật Kế toán 2003).

Theo đó, Luật Kế toán sửa đổi, bổ sung sẽ được xây dựng theo hướng phù hợp hơn với thông lệ quốc tế, phù hợp với nền kinh tế thị trường đang dần hoàn thiện của Việt Nam. Có 4 điểm đáng chú ý.

Thứ nhất là nguyên tắc “giá thị trường” sẽ phải được nghiên cứu, quy định áp dụng phù hợp vào điều kiện cụ thể của Việt Nam (Chứ không chỉ áp dụng “Nguyên tắc giá gốc” theo quy định trong Luật Kế toán 2003).

Thứ hai là nâng cao vai trò, vị trí của công tác kế toán nói chung và của Kế toán trưởng nói riêng, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp có vốn nhà nước vị thế của kế toán trưởng sẽ phải được nâng cao hơn, kế toán trưởng sẽ phải được tham gia vào các quyết định tài chính tầm vĩ mô của doanh nghiệp, tập đoàn.

Thứ ba là sẽ nghiên cứu, quy định về sổ sách, chứng từ kế toán, lưu trữ tài liệu kế toán phù hợp với trình độ phát triển công nghệ hiện nay (thay cho phương thức thủ công truyền thống).

Thứ tư là nghiên cứu, quy định phù hợp về nội dung, phương thức, tổ chức quản lý dịch vụ kế toán, thúc đẩy thị trường dịch vụ kế toán phát triển./.

Hải Anh

Hải Anh

© Thời báo Tài chính Việt Nam