2.740 tỷ đồng giảm phát thải khí nhà kính đến năm 2020

16:03 | 25/09/2013 Print
Theo Bộ NN&PTNT, sẽ cần kinh phí 2.740 tỷ đồng để thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp xanh theo hướng an toàn, ít phát thải, phát triển bền vững đến năm 2020.

Bộ NN&PTNTđã phê duyệt Đề án “Giảm phát thải khí nhà kính (KNK) trong nông nghiệp, nông thôn đến năm 2020", với mục tiêu nhằm thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp xanh theo hướng an toàn, ít phát thải, phát triển bền vững, đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, góp phần giảm nghèo và ứng phó có hiệu quả với biến đổi khí hậu.

Theo đó, đến năm 2020, giảm phát thải 20% lượng KNK trong nông nghiệp, nông thôn, đồng thời đảm bảo mục tiêu tăng trưởng ngành và giảm tỷ lệ đói nghèo theo chiến lược phát triển ngành.

Về huy động tài chính, sẽ huy động và đa dạng hóa nguồn tài chính trong triển khai các giải pháp giảm phát thải KNK trong nông nghiệp, nông thôn, bao gồm: Nhà nước và các địa phương hỗ trợ nâng cấp cơ sở hạ tầng, quy hoạch vùng sản xuất, đào tạo nông dân, nghiên cứu khoa học để phát triển các quy trình kỹ thuật, các công nghệ liên quan đến các hoạt động giảm phát thải KNK và thông tin, tuyên để nhân rộng các giải pháp.

Các tổ chức phi chính phủ, tổ chức quốc tế hỗ trợ kinh phí xây dựng mô hình trình diễn, đào tạo tập huấn cán bộ kỹ thuật, một số nghiên cứu cơ sở khoa học. Các đơn vị sản xuất có mức độ phát thải cao chia sẻ một phần. Kinh phí để chi trả cho nông dân áp dụng triển khai khai các hoạt động giảm phát thải.

Về tiến độ triển khai giai đoạn 2011-2015: Xây dựng, ban hành các văn bản kỹ thuật, văn bản pháp lý, văn bản quản lý đến giảm phát thải KNK. Tổ chức tuyên truyền, đào tạo nguồn nhân lực, đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ... Triển khai thí điểm một số các dự án đầu tư, các mô hình giảm phát thải KNK, trồng và phục phục hồi rừng.

Giai đoạn 2016-2020: Triển khai các dự án đầu tư, các mô hình và các nội dung của đề án. Đánh giá, giám sát và tổng kết các hoạt động của đề án, xây dựng kế hoạch cho giai đoạn sau năm 2020.

Tổng nhu cầu kinh phí các chương trình, dự án ưu tiên của đề án là 2.740 tỷ đồng: Trong đó, kinh phí từ ngân sách Nhà nước là 540 tỷ đồng (giai đoạn 2011 - 2015: 140 tỷ đồng và 2016 - 2020: 400 tỷ đồng). Kinh phí từ nguồn vốn ODA là 2.200 tỷ đồng./.

Phúc Nguyên

Phúc Nguyên

© Thời báo Tài chính Việt Nam