Giám sát tài chính doanh nghiệp: Quan trọng là công khai thế nào

14:19 | 17/09/2013 Print
(TBTCVN) - “Công khai chế độ tài chính, quy chế giám sát tài chính và đánh giá hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước (DNNN)” được nhắc đến trong hàng loạt văn bản của Quốc hội, Chính phủ. Tuy nhiên, công khai như thế nào vẫn là một câu hỏi lớn?

Trong hoạt động giám sát tài chính của DNNN thì công khai và mình bạch đóng một vai trò rất quan trọng

Nhiều DN vẫn có vô vàn sai phạm tài chính

Trong hoạt động giám sát tài chính của DNNN thì công khai và mình bạch đóng một vai trò rất quan trọng. Đây là một thực tế không ai có thể phủ nhận.

Tuy nhiên, theo đánh giá của ông Phạm Đình Soạn, nguyên Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính), quan trọng không phải là công khai đến đâu mà đối tượng nhận được các thông tin này là ai.

Ví dụ như đối tượng là công nhân viên chức của DN thì việc công khai, minh bạch quan trọng nhất đối với họ là tiền lương, quỹ khen thưởng, quỹ phúc lợi và những quyền lợi mà họ được hưởng.

Đối tượng là cán bộ tài chính, thì phải công bố về các chỉ tiêu tài chính. Ví dụ: Trong giá thành khoản khấu hao tài sản cố định đã đúng chưa, đã đầy đủ chưa, trong giá thành này tính đúng không, giá trị tài sản cố định có đúng không...

Như vậy, đối với mỗi đối tượng cần thực hiện công khai những thông tin khác nhau, không phải ai cũng công bố như nhau. Tuy nhiên, DN không dựa vào đó để không thực hiện công khai, minh bạch số liệu báo cáo.

Cơ chế hiện nay có nhiều tầng nấc giám sát như Kiểm toán Nhà nước, Bộ Tài chính, Thanh tra. Theo các chuyên gia, hiện nay nhiều DN vẫn có vô vàn sai phạm tài chính.

Về điều này, ông Phạm Đình Soạn chỉ ra một thực tế là sai phạm về mặt hoạt động của DN có nhiều nguyên nhân, giám sát chỉ là một nguyên nhân. Bản thân giám sát đúng là có nhiều tầng nấc, chính vì vậy nên có tình trạng “cha chung không ai khóc” và không người nào chịu trách nhiệm chính, dẫn đến kết quả giám sát chưa đi đến đâu.

Quan trọng là con người

Trao đổi với phóng viên về câu chuyện mỗi năm có hàng chục nghìn tỷ đồng cổ tức của phần vốn nhà nước nằm lại ở các tổng công ty (TCT), tập đoàn (TĐ) nhà nước thì có cần được giám sát hay không? Ông Phạm Đình Soạn cho rằng, đúng là có vấn đề này nhưng vì cơ chế từ trước đến nay là cơ chế phân phối lợi nhuận đã áp dụng cho tất cả các DN, kể cả các TĐ, TCT.

Hiện nay, Nhà nước giao vốn cho TCT, TĐ. Các TCT, TĐ này dùng vốn đó đầu tư vào các công ty con, công ty thành viên. Các công ty con, công ty thành viên này sẽ phải nộp cổ tức cho họ, nhưng riêng họ lại không phải nộp gì cho nhà nước.

Nộp cổ tức là quan hệ giữa DN với DN nên vừa rồi TCT Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (viết tắt là SCIC) ra đời. SCCI đi thu cổ tức của các DN khác nhưng Nhà nước không thu cổ tức ở SCIC nữa, đơn vị này chỉ phải nộp thuế thu nhập DN.

Do đó, khi giao vốn nhà nước, chúng ta phải có chế độ phân phối lợi nhuận áp dụng riêng cho các TCT, TĐ, kể cả SCCI. Không nên áp dụng chế độ thu cổ tức vì đây không phải là quan hệ giữa DN, mà là quan hệ của cơ quan quản lý nhà nước với DN.

Điều quan trọng nhất trong vấn đề giám sát tài chính DNNN là gì? Ông Phạm Đình Soạn cho rằng, muốn giám sát tốt nền tảng để giám sát phải tốt, tức là cơ chế chính sách phải được hoàn thiện. Cơ chế chính sách vạch ra những vấn đề, con đường để cho DN đi, để cho DN thực hiện.

Nhưng cơ chế, chính sách chưa ổn, có những vấn đề tồn tại làm khó cho người giám sát và làm khó cho DN. Đây là vấn đề quan trọng. Ví dụ như vấn đề về chủ sở hữu DNNN là vấn đề nhiều tầng nấc và không rõ ràng, chồng chéo, lúc tập trung, lúc phân tán theo các bộ. Điều này chi phối không nhỏ hoạt động của DN.

Theo ông Phạm Đình Soạn, trong kinh tế thị trường không nên chỉ giám sát DNNN, vì pháp luật không điều chỉnh một mình DNNN, Luật DN là luật chung, điều chỉnh chung, ở đâu có sự điều chỉnh của luật ở đó phải có sự giám sát.

"DN điều chỉnh chung nhưng giám sát DNNN lại tách ra là không ổn, cho nên tôi cho rằng, việc ra quy chế giám sát tài chính DNNN chỉ là bước đệm. Ở đâu có mối quan hệ tài chính, ngân hàng, ở đó có giám sát", ông Soạn nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, trình độ đội ngũ cán bộ còn hạn chế, chúng ta chưa tập trung đào tạo các lĩnh vực chuyên sâu về tài chính DN. Giám sát nói cho cùng là con người, con người phải tinh thông, có trình độ mới phát hiện ra các sai phạm, ông Soạn khẳng định./.

Sâm Linh

Sâm Linh

© Thời báo Tài chính Việt Nam