Lệnh xuất hàng cứu trợ khẩn cấp bằng fax, điện thoại

17:06 | 20/08/2013 Print
Quy định này của dự thảo thông tư về quy trình xuất cấp, giao nhận, phân phối, sử dụng hàng DTQG xuất cứu trợ đã nhận được sự đồng thuận khá cao của các bộ, ngành, địa phương liên quan.

Trong tình huống đột xuất, cấp bách, Tổng cục trưởng Tổng cục DTNN, thủ trưởng các đơn vị DTQG được phép sử dụng bản FAX, hoặc điện thoại của thủ trưởng bộ, ngành quản lý hàng DTQG để thực hiện xuất hàng DTQG.

Sử dụng fax, điện thoại lệnh xuất hàng

Khoản 8 Điều 4 của Luật DTQG, Bộ trưởng Bộ Tài chính, Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quyết định xuất cấp ngay hàng DTQG- có giá trị tương ứng với thẩm quyền quyết định chi ngân sách của Bộ trưởng Bộ Tài chính, để đáp ứng kịp thời cho mỗi nhiệm vụ phát sinh và phải quản lý, sử dụng đúng mục đích, đối tượng.

Dự thảo đề xuất đặc biệt, trong tình huống đột xuất, cấp bách, Tổng cục trưởng Tổng cục Dự trữ Nhà nước (DTNN), thủ trưởng các đơn vị DTQG được phép sử dụng bản Fax (Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, của bộ trưởng các bộ, ngành quản lý hàng DTQG), hoặc điện thoại của thủ trưởng bộ, ngành quản lý hàng DTQG (nếu không nhận được bản Fax) để thực hiện xuất hàng DTQG đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ phát sinh.

Sau 5 ngày kể từ ngày xuất hàng DTQG, đơn vị DTQG được giao nhiệm vụ xuất cấp hàng phải tổng hợp, hoàn thiện đủ hồ sơ theo quy định.

Theo đánh giá của các địa phương quy định trên sẽ tạo điều kiện rất thuận lợi cho các đơn vị, tổ chức thực hiện việc xuất hàng dự trữ. Nhất là trong tình huống đột xuất như bão, lũ lụt, thiên tai, cứu đói.

Cấm bán hàng cứu trợ để lấy tiền

Dự thảo thông tư quy định, hàng dự trữ xuất cấp để cứu trợ, sau khi tiếp nhận phải được quản lý chặt chẽ; việc phân phối, sử dụng đảm bảo đúng đối tượng, đúng mục đích. Nghiêm cấm việc bán, đổi hàng để tạo nguồn bù đắp các chi phí, hoặc sử dụng sai mục đích.

Trường hợp không sử dụng hết số hàng đã tiếp nhận (sau khi kết thúc việc cứu trợ), các bộ, ngành, địa phương, đơn vị có trách nhiệm theo dõi, bảo quản, quản lý chặt chẽ và chỉ sử dụng vào mục đích để cứu trợ.

Đối với hàng DTQG là lương thực xuất cấp cứu trợ, Chủ tịch UBND cấp tỉnh chỉ đạo các đơn vị, tổ chức tiếp nhận, chủ động phối hợp với các ban, ngành liên quan và chính quyền địa phương phân phối kịp thời số hàng được cấp đến đúng đối tượng được sử dụng.

Trong trường hợp hàng dự trữ là hạt giống cây trồng các loại, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, cũng phải được khẩn trương tiếp nhận, để kịp thời dập dịch, bệnh, ngăn chặn lây lan trên diện rộng, đẩy nhanh sản xuất đáp ứng nhu cầu của thời vụ.

Hồng Sâm

Hồng Sâm

© Thời báo Tài chính Việt Nam