Quản lý và sử dụng vốn ODA: Thêm mới những giải đáp để gỡ khó

18:37 | 30/07/2013 Print
Nghị định 38 về quản lý và sử dụng nguồn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và nguồn vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ đã có hiệu lực thi hành gần ba tháng nhưng Thông tư hướng dẫn Nghị định chưa có, vậy các dự án giữa thời điểm này liệu có phải chờ Thông tư hướng dẫn?

Phối cảnh nhật tân

Phối cảnh cầu Nhật Tân sau khi hoàn thành. Ảnh: JICA

Nhằm cởi bỏ những băn khoăn trên, ngày 30/7, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp với Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tổ chức hội thảo góp ý kiến cho Dự thảo Thông tư hướng dẫn Nghị định số 38 của Chính phủ.

Nhận định đây là diễn đàn đúng lúc, kịp thời và hữu ích, đại diện của Ngân hàng Thế giới, các đại sứ quán, các tổ chức phi chính phủ… đã thảo luận và góp ý một số điểm quan trọng trong Thông tư để từ đó làm sao nâng cao, đơn giản hóa và đồng bộ hóa quy trình, quản lý một cách hiệu quả nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi.

Thông tin tại hội thảo Vụ trưởng Vụ Kinh tế đối ngoại Hoàng Viết Khang cho biết: Phần lớn các ý kiến của các nhà tài trợ đã được đưa vào Nghị định 83 về quản lý và sử dụng nguồn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và nguồn vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ.

Theo ông Khang, những điểm mới của Nghị định 83 sẽ được thể hiện rõ trong dự thảo Thông tư lần này, cụ thể như về vấn đề phân cấp phê duyệt hay trách nhiệm trong quản lý, giám sát và đánh giá… Đặc biệt là cách lập kế hoạch giải ngân vốn ODA và vốn vay ưu đãi, vốn đối ứng. Kế hoạch giải ngân ODA và vốn vay ưu đãi, vốn đối ứng phải được xây dựng trên cơ sở kế hoạch thực hiện chương trình, dự án hàng năm của chủ dự án được cơ quan chủ quản phê duyệt và tiến độ đã cam kết với nhà tài trợ…

Đối với những chương trình, dự án phát sinh sau thời điểm phê duyệt, phân bổ ngân sách Nhà nước, cơ quan chủ quản lập kế hoạch bổ sung vào thời điểm bổ sung kế hoạch ngân sách hàng năm hoặc báo cáo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính xử lý từng trường hợp cụ thể.

“Ban soạn thảo nhận thấy, trong quá trình triển khai khi thay đổi trong đề cương chi tiết thì phải trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt lại. Ví dụ chỉ cần thay đổi một khoảng 1 triệu USD cũng cần phải trình lại Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, bởi nó ảnh hưởng tới toàn bộ tổng nguồn vốn dự án”, ông Khang nói.

Trao đổi về những vướng mắc của Đại sứ quán Canada khi triển khai, trình tự phê duyệt rắc rối mất thời gian, ông Hoàng Viết Khang cho hay: Dự thảo thông tư hướng dẫn lần này cũng sẽ quy định, đối với những chương trình, dự án mà Điều ước quốc tế cụ thể về ODA và vốn vay ưu đãi đã ký kết nhưng chưa có hiệu lực, cơ quan chủ quản có trách nhiệm báo cáo Bộ Kế hoạch Đầu tư và Bộ Tài chính để bố trí dự phòng chi xây dựng cơ bản, hoặc chi hành chính sự nghiệp, trình cấp có thẩm quyền quyết định hoặc chủ dự án có trách nhiệm báo cáo cơ quan chủ quản, để bố trí trong dự phòng ngân sách địa phương, trình cấp có thẩm quyền quyết định.

Ngoài những vấn đề trên, nhiều đại biểu còn đưa ra ý kiến: Nghị định 38 đã có hiệu lực thi hành hơn hai tháng, nhưng Thông tư hướng dẫn chưa có, vậy các dự án giữa thời điểm này liệu có phải chờ Thông tư hướng dẫn hay như vượt tổng mức dự toán thì nguồn lấy ở đâu?...

Trao đổi về việc này, đại diện Bộ Kế hoạch Đầu tư cho hay, dù Thông tư hướng dẫn chưa ra đời nhưng Nghị định 38 đã quy định rất chi tiết các điều khoản, các đơn vị liên quan cần nghiên cứu kỹ Nghị định khi triển khai.

Thái Hằng

Thái Hằng

© Thời báo Tài chính Việt Nam