Nợ Chính phủ bảo lãnh: Cảnh báo “quýt làm, cam chịu”

13:30 | 05/07/2013 Print
Bộ Tài chính vừa đưa ra cảnh báo, yêu cầu bảo lãnh của Chính phủ có thể xấu đi nếu các Tập đoàn đầu tư quá nhiều dự án với giá trị lớn.

Chính phủ đã phải trả nợ thay cho không ít các dự án xi măng. (Ảnh chỉ để minh họa)

Theo báo cáo của Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính), 6 tháng đầu năm 2013, tổng giá trị các khoản vay có bảo lãnh Chính phủ đã cấp là 1.695 triệu USD. Theo đó, bảo lãnh cho các khoản vay nước ngoài gồm 6 chương trình, dự án đầu tư với trị giá 1.644 triệu USD ở các lĩnh vực điện và mua máy bay. Riêng bảo lãnh vay trong nước, Bộ Tài chính đã trình Thủ tướng Chính phủ cấp bảo lãnh cho 1 dự án với tổng trị giá 51 triệu USD.

Tổng trị giá rút vốn ròng của các khoản vay có bảo lãnh chính phủ tạm tính là 332 triệu USD (trên tổng hạn mức được duyệt cho năm 2013 là 1.800 triệu USD).

Mặc dù công tác bảo lãnh cho các dự án lớn đã và đang được Bộ Tài chính triển khai. Tuy nhiên, Bộ Tài chính cũng dự báo đối với các dự án hạ tầng cơ sở như: dự án đường cao tốc do Tổng công ty Đường cao tốc (VEC) hoặc Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) làm chủ đầu tư, khai thác bô xít hay đầu tư cảng biển có thể chứa đựng rủi ro lớn về khả năng trả nợ.

“Nhất là với tình hình tài chính của một số tập đoàn lớn như EVN, Tập đoàn Sông Đà và một số tập đoàn, tổng công ty xây dựng khác có các dự án đầu tư quy mô lớn có thể xấu đi do đầu tư quá nhiều dự án với giá trị lớn”, Bộ Tài chính nhấn mạnh.

Theo đánh giá của đơn vị trực tiếp cấp, quản lý bảo lãnh của Chính phủ là Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại, việc cấp bảo lãnh chính phủ cho các chủ đầu tư vay các ngân hàng thương mại trong nước cũng có khả năng gây rủi ro cho Ngân sách Nhà nước (NSNN), do các ngân hàng thương mại có thể ỷ lại vào bảo lãnh của Chính phủ để cho vay, mà không xem xét kỹ lưỡng các yếu tố rủi ro của dự án và doanh nghiệp. Điều này dẫn đến việc chuyển rủi ro tín dụng của hệ thống ngân hàng sang NSNN.

Đơn vị này khẳng định: “Khi các doanh nghiệp được Chính phủ bảo lãnh vay vốn mất khả năng thanh toán, nghĩa vụ trả nợ của các khoản vay được Chính phủ bảo lãnh từ nợ dự phòng của NSNN có nguy cơ trở thành nợ trực tiếp của Chính phủ”.

Từ tình hình hiện nay và những dự báo nêu trên, Bộ Tài chính cho rằng, cần thiết tăng cường hơn nữa công tác quản lý cấp bảo lãnh Chính phủ nhằm đảm bảo giảm thiểu các rủi ro, đảm bảo khả năng trả nợ cũng như duy trì các giới hạn an toàn về nợ quốc gia.

6 tháng đầu năm 2013, Bộ Tài chính đã thực hiện xử lý khó khăn tài chính cho 5 dự án xi măng (Thái Nguyên, Đồng Bành, Sông Thao, Hạ Long) vay vốn có bảo lãnh chính phủ và dự án xi măng Tam Điệp vay vốn Ngân hàng Đầu tư Bắc Âu.

Huyền Trang

Huyền Trang

© Thời báo Tài chính Việt Nam