Sức nóng tháng bảy!

13:57 | 04/07/2013 Print
Lương tối thiểu sẽ tăng thêm 100 nghìn đồng từ 1/7; giá than bán cho ngành Điện đã tăng và sẽ còn tăng tiếp; điện đang “nhấp nhổm” đòi tăng giá… Những thông tin trên đang tạo sức ép lớn đối với sức chịu đựng của cả nền kinh tế và của mỗi gia đình.

Dồn dập tin “nóng”
Tháng bảy vốn được xem là tháng nóng nhất của năm. Bởi đây là thời điểm giữa hè, khi cái nắng nóng đã nung đất trời nhiều ngày tháng. Tháng bảy nóng hơn, bởi đây chính là thời điểm diễn ra kỳ thi đại học, cao đẳng quốc gia. Người người đổ về các đô thị lớn, trong sự căng thẳng, âu lo hết cỡ. Năm nay, người ta cảm nhận tháng bảy còn “nóng” hơn nữa, bởi những thông tin đang dồn dập đổ về.

Giá than bán cho ngành Điện đã tăng từ ngày 20/4 và đang đề nghị tăng tiếp; điện và xăng đang đề nghị “cơ chế mềm” cho việc điều chỉnh giá, và người ta dự đoán, giá điện sẽ không thể “nhịn” được nữa khi tháng bảy đã cận kề. Thành phố Hà Nội đang đề nghị điều chỉnh giá 819 dịch vụ khám, chữa bệnh; thành phố cũng đề nghị tăng giá nước sinh hoạt vì cho rằng ngành này đang quá thua lỗ...

Trong khi nhiều mặt hàng đang tăng giá, vàng mấy hôm nay lại đang "trồi - sụt" với biên độ mạnh, theo tâm lý thị trường và xu hướng của giá vàng thế giới. Xu hướng giá vàng đang lao dốc không cưỡng lại được và đi ngược ý muốn của nhiều nhà đầu tư. Nhưng đằng sau việc giá vàng đi xuống, người ta lo ngại đến sự lên giá của đồng USD và cùng với đó là sự mất giá của VND.

Giữa mối tơ vò của các loại thông tin trên, Bộ Nội vụ công bố lương tối thiểu sẽ tăng thêm 100 nghìn đồng từ 1/7/2013. Người làm công ăn lương, trước thông tin này, vui ít, lo nhiều. Còn số đông bà con tiểu thương, nông dân thì lo ngại sắp tới hàng hóa cái gì cũng tăng giá.

Chọn mặt hàng vừa túi tiền lại đủ dinh dưỡng đang là suy tư thường trực của các bà nội trợ Ảnh: TL

Lo từ trong nhà ra… doanh nghiệp

Trước những thông tin “nóng” nêu trên, không ai có thể vô lo, vô nghĩ. Bởi sau khi những chi phí đầu vào cơ bản kia đều tăng lên, thì hầu bao của mỗi gia đình sẽ hao hụt thêm nhiều để đáp ứng các nhu cầu về giao thông, vận tải, y tế, học hành, ăn uống và vui chơi.

Các mặt hàng thiết yếu sẽ thi nhau “đội” lên, nhanh chóng thiết lập một mặt bằng giá mới.Và hiệu ứng “đô-mi-nô” sẽ xuất hiện, với những sự tăng giá có lý, hay cả vô lý nữa... Chắc chắn là số hao hụt ngân quỹ gia đình sẽ lớn hơn nhiều so với số tiền được nhận thêm từ việc tăng lương tối thiểu.

“Hầu hết các siêu thị hiện nay đang phải xem xét việc tăng giá sau 1/7 như thế nào để vẫn bán được hàng. Tôi lo ngại rằng do chi phí tăng, nhiều nhà sản xuất sẽ phải thay đổi mẫu mã, trọng lượng, chất lượng sản phẩm; nghĩa là thêm cái này thì phải bớt cái kia trong khâu sản xuất để giảm bớt áp lực phải tăng giá”.
Ông Vũ Vinh Phú - Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội

Không chỉ các gia đình lo lắng, các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh cũng đã cảm nhận được cái “nóng” tháng bảy đang “hắt” vào đến “rát mặt”.

Bởi trong khi sản xuất, kinh doanh bị đình đốn bởi sức mua của thị trường đang suy giảm, lại phải đương đầu với những áp lực mới từ tăng chi phí đầu vào. Cho dù “cái dây lưng” tiết giảm chi phí đã được thắt chặt lại đến mấy lần, vẫn khó có thể trụ vững.

6 tháng đầu năm 2013, số doanh nghiệp giải thể đã tăng 12,3%, liệu đến cuối năm, con số này sẽ là bao nhiêu nữa?

Nóng tháng bảy, cộng thêm những khó khăn chất chồng... đang là thử thách cho nền kinh tế, cho mỗi gia đình…

Bộ Công thương vừa công bố Dự thảo lần thứ 4 sửa đổi Nghị định 84 về kinh doanh xăng dầu. Dự thảo chốt phương án thời gian giữa 2 lần điều chỉnh giá liên tiếp tối thiểu là 10 ngày với trường hợp tăng giá. Khi giá xăng dầu thế giới tăng làm giá cơ sở biến động trong phạm vi 5%, thương nhân đầu mối được quyền chủ động tăng giá bán lẻ.

Trước đó, Bộ Công thương cũng đã công bố dự thảo quy định về cơ chế quản lý và điều chỉnh giá bán lẻ điện. Theo đó, trường hợp các thông số đầu vào tăng từ 2% đến 5% và trong khung giá quy định thì EVN được phép điều chỉnh tăng giá bán điện ở mức tương ứng sau được Bộ này chấp thuận.

Kim Thanh

Kim Thanh

© Thời báo Tài chính Việt Nam