Được giữ lại 20% số tiền thu hồi các khoản nợ ngoại bảng

13:56 | 04/07/2013 Print
Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam, Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam, Ngân hàng TMCP Phát triển nhà đồng bằng sông Cửu Long sẽ được trích 20% trên số tiền thu hồi được từ các khoản nợ ngoại bảng được giữ lại để hạch toán vào thu nhập.

BIDV nằm trong danh sách các ngân hàng được giữ lại 20% số tiền thu hồi được từ các khoản nợ ngoại bảng.

Đó là nội dung chính trong Thông tư số 83 /2013/TT-BTC hướng dẫn thực hiện Quyết định số 64/QĐ-TTg ngày 07/01/2013 của Thủ tướng Chính phủ, về tỷ lệ phí tổ chức tín dụng cổ phần hóa được hưởng khi thu hồi các khoản nợ ngoại bảng được giữ lại, vừa được Bộ Tài chính ban hành.

Đối tượng áp dụng Thông tư này bao gồm Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam, Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam, Ngân hàng TMCP Phát triển nhà đồng bằng sông Cửu Long (gọi chung là ngân hàng thương mại nhà nước cổ phần hóa) và các tổ chức có liên quan.

Các khoản nợ ngoại bảng được giữ lại là các khoản nợ ngoại bảng đã loại trừ không tính vào giá trị doanh nghiệp khi thực hiện cổ phần hóa các ngân hàng thương mại nhà nước, và được Thủ tướng Chính phủ cho phép ngân hàng thương mại nhà nước cổ phần hoá tiếp tục theo dõi, quản lý và thu hồi cho ngân sách nhà nước.

Theo đó, số tiền thu hồi được từ các khoản nợ ngoại bảng được giữ lại theo quy định tại Thông tư này là số tiền thực tế mà các ngân hàng thương mại nhà nước cổ phần hóa thu được từ việc thu hồi khoản nợ ngoại bảng. Ngân hàng thương mại nhà nước cổ phần hoá được trích 20% trên số tiền thu hồi được từ các khoản nợ ngoại bảng được giữ lại để hạch toán vào thu nhập.

Chi phí phát sinh liên quan trực tiếp đến các khoản nợ ngoại bảng được giữ lại bao gồm toàn bộ chi phí liên quan đến quá trình xử lý nợ ngoại bảng (chi phí phát mại tài sản, chi phí quản lý tài sản bảo đảm, chi phí đấu giá, định giá…), ngân hàng thương mại nhà nước cổ phần hoá được hạch toán chi phí theo quy định của pháp luật và quy chế tài chính áp dụng cho các tổ chức tín dụng. Toàn bộ chi phí nêu trên phải có hóa đơn, chứng từ hợp lý, hợp lệ theo quy định của pháp luật.

Định kỳ sáu tháng một lần tính theo năm dương lịch, từ ngày 1/1 đến ngày 30/6 và từ ngày 1/7 đến ngày 31/12 hàng năm, ngân hàng thương mại nhà nước cổ phần hóa có khoản nợ ngoại bảng được giữ lại có trách nhiệm lập và báo cáo Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về số nợ hạch toán ngoại bảng được giữ lại, số tiền đã thu hồi các khoản nợ ngoại bảng được giữ lại; số tiền được trích để lại ngân hàng thương mại nhà nước cổ phần hóa, số phải nộp ngân sách nhà nước và số đã nộp ngân sách nhà nước.

Báo cáo định kỳ đến thời điểm ngày 31/12 hàng năm có tổng hợp số tiền thu hồi nợ ngoại bảng được giữ lại cộng dồn cả năm.

Thời hạn gửi báo cáo: chậm nhất là 20 ngày kể từ ngày kết thúc ngày cuối cùng của kỳ báo cáo đối với báo cáo 6 tháng đầu năm; và chậm nhất là 90 ngày kể từ ngày kết thúc năm tài chính đối với báo cáo năm.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/8/2013.

PĐT

PĐT

© Thời báo Tài chính Việt Nam