6 loại vắc-xin phòng Covid-19 được Bộ Y tế cấp phép sử dụng tại Việt Nam

19:36 | 02/08/2021 Print
Theo Bộ Y tế, tính đến nay, đã có 6 loại vắc-xin phòng Covid-19 được Bộ Y tế cấp phép sử dụng tại Việt Nam.

vác

Ảnh: TL.

Cụ thể: Vắc -xin Covid-19 của AstraZeneca: Vắc -xin này do Tập đoàn AstraZeneca sản xuất đã được cấp phép sử dụng khẩn cấp tại 181 quốc gia, vùng lãnh thổ và được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đưa vào danh sách sử dụng khẩn cấp. Đến nay, vắc-xin này đã được sử dụng tại 119 quốc gia, vùng lãnh thổ với tổng số vắc-xin đã sử dụng khoảng 980 triệu liều.

Tại Việt Nam, vắc-xin AstraZeneca đã được Bộ Y tế phê duyệt có điều kiện cho nhu cầu cấp bách trong phòng, chống dịch Covid-19.

Việt Nam đã tiếp nhận tổng cộng 8.716.290 liều sau 15 đợt giao vắc-xin. Vắc-xin AstraZeneca được triển khai tiêm chủng tại Việt Nam từ tháng 3/2021, hiện đang là vắc-xin có số lượng sử dụng nhiều nhất tại Việt Nam.

Tiếp đến là vắc-xin Gam-COVID-Vac (tên khác là Sputnik V): Vắc-xin Gam-COVID-Vac do Viện Nghiên cứu Gamaleya (Nga) sản xuất đã được cấp phép sử dụng tại 70 quốc gia, vùng lãnh thổ. Đến nay, vắc-xin này đã được sử dụng tại 49 quốc gia với tổng số đã sử dụng khoảng 85 triệu liều.

Tại Việt Nam, vắc xin Sputnik V đã được Bộ Y tế phê duyệt có điều kiện cho nhu cầu cấp bách trong phòng, chống dịch Covid-19.

Giữa tháng 3/2021, Việt Nam tiếp nhận 2.000 liều vắc-xin Sputnik V do Chính phủ Liên bang Nga viện trợ và sử dụng cho gần 900 người. Ngày 1/8, Việt Nam nhận thêm 10 nghìn liều vắc-xin Sputnik V do Chính phủ Liên bang Nga tặng.

Thứ 3 là vắc-xin Vero Cell của Sinopharm: Vắc-xin Vero Cell do Sinopharm phát triển và Beijing Institute of Biological Products Co., Ltd.,- Trung Quốc sản xuất, đã được cấp phép sử dụng tại 64 quốc gia, vùng lãnh thổ, đã được WHO đưa vào danh sách sử dụng khẩn cấp. Đến nay, vắc-xin này đang sử dụng tại 59 quốc gia với khoảng 800 triệu liều đã được sử dụng.

Tại Việt Nam, vắc-xin Vero Cell đã được Bộ Y tế phê duyệt có điều kiện cho nhu cầu cấp bách trong phòng, chống dịch Covid-19. Việt Nam đã tiếp nhận 500.000 liều vắc-xin Sinopharm do Chính phủ Trung Quốc viện trợ và đang triển khai tiêm chủng từ tháng 7/2021.

Tỉnh Quảng Ninh là địa phương đầu tiên triển khai tiêm xong 88.100 liều mũi 1 và sẽ tiến hành tiêm mũi 2 từ ngày 4/8. Riêng Bình Liêu, Quảng Ninh đã đạt độ bao phủ tiêm vắc-xin đối với 50% dân số toàn huyện. TP. Hồ Chí Minh cũng đã nhận loại vắc-xin này.

Thứ 4, vắc-xin Comirnaty của Pfizer/BioNTech: Vắc-xin của Pfizer/BioNTech đã được cấp phép sử dụng tại 111 quốc gia và vùng lãnh thổ và được WHO đưa vào danh sách sử dụng khẩn cấp. Đến nay, vắc-xin này đã được sử dụng tại 97 quốc gia với khoảng 850 triệu liều đã được sử dụng.

Vắc-xin Comirnaty đã được Bộ Y tế phê duyệt có điều kiện cho nhu cầu cấp bách trong phòng, chống dịch Covid-19. Việt Nam đã tiếp nhận tổng cộng 746.460 liều vắc-xin Pfizer và đang triển khai tiêm chủng.

Thứ 5, vắc-xin Spikevax (Tên khác là: Covid-19 Vaccine Moderna): Vắc-xin Spikevax do Moderna sản xuất đã được cấp phép sử dụng tại 64 quốc gia, vùng lãnh thổ và được WHO đưa vào danh sách sử dụng khẩn cấp. Đến nay, vắc-xin này đã được sử dụng tại 63 quốc gia với khoảng 340 triệu liều.

Vắc-xin này đã được Bộ Y tế phê duyệt sử dụng có điều kiện cho nhu cầu cấp bách trong phòng, chống dịch Covid-19. Tính đến nay, Việt Nam đã tiếp nhận tổng cộng 5.000.100 liều vắc-xin Moderna do Chính phủ Hoa Kỳ viện trợ thông qua COVAX Facility và đang triển khai tiêm chủng.

Thứ 6, vắc-xin Covid-19 Vaccine Janssen: Vaccine Janssen do Janssen Pharmaceutica NV (Bỉ) và Janssen Biologics B.V (Hà Lan) sản xuất được cấp phép sử dụng tại 56 quốc gia, vùng lãnh thổ và được WHO đưa vào danh sách sử dụng khẩn cấp. Đến nay, vắc-xin này đã được sử dụng tại 34 quốc gia với khoảng 60 triệu liều đã sử dụng.

Vắc-xin do Janssen sản xuất đã được Bộ Y tế phê duyệt sử dụng có điều kiện cho nhu cầu cấp bách trong phòng, chống dịch Covid-19. Hiện nay, Việt Nam chưa tiếp nhận vắc-xin này.

Bộ Y tế khẳng định, tất cả các vaccine được cấp phép và đưa về Việt Nam sử dụng đều đảm bảo an toàn và hiệu quả./.

Văn Nam

Văn Nam

© Thời báo Tài chính Việt Nam