Tin giả - hậu quả khôn lường

11:52 | 23/07/2021 Print
Thời gian qua, có một số cá nhân đã sử dụng mạng xã hội để tung tin giật gân để "câu like". Đặc biệt, trong những tháng ngày này khi cả nước tập trung toàn lực chống lại làn sóng dịch Covid-19 lần thứ tư, lại nổi lên rất nhiều các thông tin giả mạo, gây hoang mang, bức xúc trong xã hội.

tin giả

Vấn nạn tin giả hiện đang rất cần sự tẩy chay và nhanh chóng dẹp bỏ. Ảnh: TL

Ma trận tin giả

Tối 21/7, thông tin Nghệ sỹ Nhân dân (NSND) Công Lý bị đột quỵ do rượu và đang nguy kịch được chia sẻ rầm rộ trên mạng xã hội.

Làm rõ những thông tin này, đại diện của NSND Công Lý cho biết, khi đang đi trên cầu thang, NSND Công Lý không may ngã và bị thương khá nặng, đã được đưa tới bệnh viện cấp cứu. “Gia đình khẳng định việc anh ấy ngã không liên quan đến rượu hay đột quỵ như một số tin đồn thất thiệt trên mạng xã hội”, quản lý của NSND Công Lý nói thêm.

Trước đó, bà N.T.Đ.T. (38 tuổi, trú huyện Diên Khánh, Khánh Hòa) đã bị Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp cùng Công an tỉnh Khánh Hòa mời đến làm việc và bị cơ quan chức năng phạt 7,5 triệu đồng, vì đăng tin sai sự thật.

Theo Nghị định 174/2013/NĐ-CP hành vi tung tin đồn thất thiệt trên mạng sẽ gây kích động dư luận, gây hoang mang tinh thần người dân, ảnh hưởng đến trật tự, an ninh xã hội; thậm chí đã dẫn tới nhiều vụ việc gây thiệt hại về vật chất, tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm của người khác từ những tin đồn không được kiểm chứng có thể có thể bị phạt từ 10 triệu đồng đến 100 triệu đồng.

Tùy theo tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi mà người tung tin đồn thất thiệt lên các trang mạng xã hội có thể bị xử lý hình sự về tội "Đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông" được quy định tại điều 288 Bộ Luật Hình sự 2015, có thể bị phạt tù từ 3 tháng đến 7 năm tù.

Nguyên nhân, vào ngày 18/7, trên trang Facebook cá nhân, bà T. đã đăng tải nội dung buổi chiều sẽ phát 7 tấn gạo cho bà con nghèo, địa điểm sau Quảng trường 2-4 Nha Trang chỗ bãi giữ xe. Sau khi thông tin được đăng tải đã có nhiều người dân tập trung để mong được nhận gạo. Tuy nhiên, hoạt động phát gạo đã không diễn ra, thông tin bà T. đăng tải là không đúng sự thật và gây tụ tập đông người.

Chưa hết, ngày 15/7 Bộ Y tế phải lên tiếng bác bỏ thông tin về đại dịch gắn mác "Bộ Y tế" được phát tán trên mạng xã hội.

Trước đó, mạng xã hội lan truyền đoạn tin nhắn được cho là của Bộ Y tế cung cấp thông tin về một nghiên cứu của Singapore cho rằng Covid-19 là loại vi khuẩn bị nhiễm phóng xạ gây ra đông máu và làm chết người. Tin nhắn còn khẳng định có thể điều trị Covid-19 bằng thuốc kháng sinh, kháng viêm và chống đông máu...

Theo Trung tâm Xử lý tin giả Việt Nam (Bộ Thông tin và Truyền thông – TT&TT), các tin giả liên quan dịch bệnh đang là thông tin được cảnh báo và xử phạt hành chính nhiều nhất thời gian gần đây.

Trong vài tháng qua, hàng loạt vụ tung tin giả liên quan dịch Covid-19 đã bị cơ quan chức năng ở nhiều địa phương từ Hà Nội, Bắc Giang, Đà Nẵng, TP.Hồ Chí Minh, Sóc Trăng, Cần Thơ, An Giang, Cà Mau... xử lý.

Mới nhất, ngày 21/7, đối tượng Phan Hữu Điệp Anh đã bị khởi tố vì có hành vi đăng tin xuyên tạc, sai sự thật về việc "người dân tự thiêu" ở TP. Thủ Đức.

Thông tin này xuất hiện vào chiều 19/7, kèm bình luận: “Bức xúc vì cách thức chống dịch Covid-19… người dân phẫn uất ngay giữa đường bức bách, tự thiêu”... Những thông tin xuyên tạc, kích động kiểu này rất nguy hại, vì nó gây chia rẽ chính quyền nhân dân, ảnh hưởng đến uy tín của Đảng và Nhà nước, đặc biệt là công tác phòng, chống dịch, có thể dẫn đến những bất ổn xã hội.

Cùng với thói quen chia sẻ thông tin tùy tiện, không kiểm chứng và thiếu trách nhiệm, không ít người vô tình đã tiếp tay cho những thông tin xấu, độc trên mạng xã hội lan truyền chóng mặt và sự nguy hiểm của nó được đánh giá là không thua vi-rút gây ra SARS-CoV-2.

Dùng mạng xã hội một cách văn minh để chống tin giả

Nói về vấn nạn tin giả, ông Lê Quang Tự Do, Phó Cục trưởng Cục Phát thanh truyền hình và thông tin điện tử, Bộ TT&TT cho rằng, để hạn chế tin giả, tin sai sự thật trên không gian mạng nói chung, mạng xã hội nói riêng, bên cạnh các công cụ pháp luật thì giải pháp nâng cao ý thức của các cấp các ngành, doanh nghiệp và người sử dụng vẫn là quan trọng nhất, bởi chỉ khi nào mỗi người sử dụng đều tự giác dùng mạng xã hội một cách văn minh thì mới đẩy lùi được thông tin xấu độc, sai lệch.

Phó Cục trưởng cho biết, Bộ TT&TT đã ban hành Bộ Quy tắc ứng xử trên không gian mạng ngày 17/6/2021. Bộ quy tắc này ra đời góp phần nâng cao trách nhiệm của các nhà cung cấp dịch vụ trên mạng xã hội, kêu gọi sự chung tay của cơ quan truyền thông, cộng đồng mạng và cả hệ thống chính trị nhằm nâng cao nhận thức cho người dân trong việc xây dựng môi trường mạng an toàn.

Bộ quy tắc bao gồm những quy định điều chỉnh hành vi người dùng bằng đạo đức, văn hóa ứng xử dư luận xã hội. Đây là bộ khung cơ sở để các tổ chức địa phương, cơ quan, đơn vị, các ban, ngành dựa vào đó đưa ra quy định của mình và có điều kiện ràng buộc với những người trong phạm vi cơ quan tổ chức địa phương đó. Bộ cũng triển khai giải pháp công nghệ rà soát phát hiện các hành vi vi phạm.

Ông Tự Do cũng cho biết thêm, Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia đã đưa vào vận hành được hai năm, với năng lực xử lý 300 triệu thông tin, đáp ứng phát hiện kịp thời tin giả, tin xấu độc.

Bộ cũng phối hợp với các địa phương xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Trong thời điểm đại dịch Covid-19 diễn ra, Bộ Công an, Bộ TT&TT cùng các địa phương phối hợp xử phạt hàng nghìn trường hợp tung tin giả về dịch bệnh, thậm chí có những trường hợp bị xử lý hình sự.

Bên cạnh đó, Bộ cũng tích cực chỉ đạo Cục Báo chí và các cơ quan truyền thông tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dùng các nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới và cả những đối tượng sử dụng các nền tảng, để người dân có thay đổi về nhận thức, một khi viết gì, đăng tải gì trên không gian mạng cần cẩn trọng hơn. “Thậm chí có ai đăng tin gì đó có vẻ không chính xác, tin giả thì ở dưới lập tức có ngay comment: có muốn lên phường uống trà hay không. Người dân đã có ý thức chống tin giả, có nhận thức đăng tin giả sẽ bị xử phạt, đã phản bác lại các thông tin mà họ cho là không đúng sự thật. Trong họ đã hình thành bộ lọc để bảo vệ mình trước thông tin chưa được kiểm chứng trên không gian mạng”- ông Tự Do chia sẻ.

Bộ quy tắc về ứng xử trên mạng xã hội đưa ra 4 quy tắc ứng xử chung áp dụng cho các nhóm đối tượng, để dễ hiểu, dễ nhớ, có thể tóm gọn lại bằng các cụm từ sau: Tôn Trọng - Trách nhiệm - An toàn - Lành mạnh. Trong đó, các cụm từ được hiểu như sau:

Tôn trọng: Là tôn trọng pháp luật, tôn trọng người tham gia mạng xã hội, tôn trọng các quy định của nhà cung cấp dịch vụ xã hội để có các hành vi đúng đắn, hướng tới những điều tốt đẹp. Đó cũng chính là tôn trọng bản thân mình.

Trách nhiệm: Trách nhiệm ở đây có nghĩa người tham gia mạng xã hội phải chịu trách nhiệm về các hành vi ứng xử trên mạng xã hội. Người tham gia dịch vụ mạng xã hội cũng như các nhà cung cấp dịch vụ mạng xã hội có trách nhiệm phối hợp với các cơ quan chức năng để xử lý hành vi, nội dung thông tin vi phạm pháp luật trên mạng xã hội.

An toàn: Là an toàn và bảo mật thông tin. Người tham gia mạng xã hội phải tuân thủ các quy định, hướng dẫn về an toàn thông tin, bảo mật thông tin.

Lành mạnh: Các hành vi ứng xử trên mạng xã hội phải phù hợp với các giá trị đạo đức, văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.

(TS. Đỗ Quý Vũ – Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Thông tin và Truyền thông - Bộ TT&TT)

Kim Thanh

Kim Thanh

© Thời báo Tài chính Việt Nam