Dịch Covid-19: Mặt bằng bán lẻ trung tâm thương mại cần đa dạng hóa dịch vụ

15:41 | 16/07/2021 Print
Theo các chuyên gia, mặt bằng cho thuê bán lẻ cần đa dạng hóa bằng cách bổ sung thêm các ngành hàng ăn uống và cung cấp các dịch vụ, thậm chí cả không gian làm việc. Trong tương lai, sẽ khó thấy trung tâm thương mại tồn tại chỉ với 100% khách thuê bán lẻ và giải trí.

trung

Các mặt bằng cho thuê bán lẻ cần đa dạng hóa để có thể tồn tại và phát triển. Ảnh: TL.

Trung tâm thương mại chiếm ưu thế với người Việt Nam

Tại Việt Nam, khi thị trường đối mặt với làn sóng dịch Covid-19 lần thứ tư, cái nhìn của người tiêu dùng về nền kinh tế trở nên ảm đạm. Theo Infocus Mekong, nhận định tổng quan về tình hình chung của nền kinh tế trở nên tiêu cực, giảm xấp xỉ 50% từ đầu năm nay.

Trong đó, doanh thu bán lẻ tại Hà Nội cũng giảm trong vài tháng gần đây, riêng trong tháng 6 giảm 9% so với cùng kỳ năm 2020. Song, nhờ các biện pháp kiểm soát dịch chặt chẽ trong các đợt dịch trước, Hà Nội đã đạt mức tăng 7 điểm theo năm trong 6 tháng đầu năm 2021.

Còn theo dữ liệu của Savills, năm 2020, khối lượng giao dịch siêu thị toàn cầu cao hơn 40% so với mức trung bình của 5 năm trước đó. Tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, khối lượng giao dịch bán lẻ được ghi nhận giảm vào năm ngoái. Tuy nhiên, dấu hiệu hồi phục của khu vực này được dự báo sẽ diễn ra mạnh mẽ, nhờ vào kinh tế đang phát triển, sự tăng trưởng trong số lượng các hộ gia đình giàu có, số lượng dân số trẻ và sự thích ứng nhanh chóng với mô hình bán lẻ đa kênh.

Một ví dụ điển hình là Trung Quốc - quốc gia có tỷ lệ thâm nhập của thương mại điện tử cao nhất thế giới, với gần 1/3 các giao dịch bán lẻ diễn ra trực tuyến, khi nền kinh tế được mở cửa trở lại, các trung tâm thương mại tại đây vẫn ghi nhận số lượng lớn người tiêu dùng tới mua sắm.

Có thể nói, bất động sản bán lẻ tại các thị trường như Trung Quốc đã phát triển và thích ứng trước sự bùng nổ của thương mại điện tử, cho phép các nhà bán lẻ châu Á và các chủ mặt bằng bán lẻ nắm bắt được hình thức kinh doanh đa kênh nhanh chóng hơn so với các thị trường tại châu Âu và Mỹ.

Báo cáo tổng quan thị trường 6 tháng đầu năm 2021 của Savills Việt Nam cho thấy, do không có nguồn cung mới, tổng nguồn cung bán lẻ tại Hà Nội trong quý II/2021 ghi nhận đạt khoảng 1,6 triệu m2, ổn định theo quý và tăng 2% theo năm.

Bà Hoàng Nguyệt Minh - Giám đốc Bộ phận cho thuê thương mại (Savills Hà Nội) nhận định: “Trung tâm thương mại đang dần chiếm một vị trí không thể thay thế đối với người dân Việt Nam nói riêng và châu Á nói chung. Đây không còn chỉ là nơi để mua sắm mà đã trở thành trung tâm sinh hoạt cộng đồng, đặc biệt đối với các gia đình sống trong những căn hộ nhỏ và không đầy đủ tiện nghi vui chơi giải trí. Xu hướng phát triển các trung tâm thương mại trong tương lai cũng được cân nhắc tích hợp trong các dự án phức hợp nhà ở hoặc kết nối trực tiếp vào tuyến tàu điện ngầm của đô thị”.

Có thể thay đổi không gian mặt bằng bán lẻ

Để các đơn vị cho thuê bán lẻ có thể thay đổi không gian mặt bằng bán lẻ và thích nghi với xu hướng tiêu dùng ngày nay, theo bà Minh, các mặt bằng cho thuê bán lẻ cần đa dạng hóa để có thể tồn tại và phát triển. Điều này không có nghĩa là chỉ cần bổ sung thêm các ngành hàng ăn uống mà cần cung cấp các dịch vụ đa dạng hơn, bao gồm cả không gian làm việc.

Các giải pháp về phát triển trung tâm thương mại có thể rất khác nhau, phụ thuộc vào vị trí, mô hình, nhưng sẽ khó để có thể thấy trung tâm thương mại trong tương lai tồn tại chỉ với 100% khách thuê bán lẻ và giải trí.

Với các nhà đầu tư, bà Minh cho biết, các chủ mặt bằng cần gắn bó với dự án lâu dài và linh động hơn trong các hoạt động cho thuê. Điều này sẽ giúp xây dựng khả năng phục hồi và tối ưu hóa tỷ lệ lấp đầy, cũng như cách mà khách thuê có thể thay đổi vị trí mô hình kinh doanh trong chính trung tâm thương mại của mình. Các nhà đầu tư trung tâm thương mại cần tư duy theo hướng đây không chỉ là trung tâm bán lẻ, mà nên là một trung tâm tiêu dùng đúng nghĩa.

Đánh giá về triển vọng của thị trường bán lẻ Việt Nam, đặc biệt tại các trung tâm thương mại, ông Matthew Powell khẳng định: “Chúng ta có thể thấy sự nâng cấp và phát triển đi lên rất rõ của thị trường bán lẻ Việt Nam, lấy ví dụ việc các cửa hàng Uniqlo, Zara lần lượt xuất hiện. Những thương hiệu thời trang này đang thu hút một lượng lớn các khách hàng tại các phân khúc khác nhau. Một cửa hàng Uniqlo có thể rộng trên 5.000 m2, đáp ứng đầy đủ các loại thời trang từ trẻ em đến người lớn, nam và nữ. Các nhà bán lẻ như vậy đang hoạt động rất tốt ở Việt Nam. Bán lẻ tại Việt Nam cũng đang đón nhận mô hình phát triển mới tương tự với các nước trên thế giới, đó là sự bùng nổ của các loại hình giải trí. Các trung tâm thương mại trong tương lai sẽ rất khác so với 5 - 10 năm trước”./.

(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)

Văn Nam

Văn Nam

© Thời báo Tài chính Việt Nam