Mới có 33/63 tỉnh, thành ban hành văn bản cụ thể về chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết 68

17:26 | 14/07/2021 Print
Một tuần sau khi có hướng dẫn thực hiện Nghị quyết 68/NQ-CP, nhiều địa phương đã tích cực vào cuộc triển khai các chính sách hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp chịu ảnh hưởng của Covid-19. Tuy nhiên, mới có 33/63 tỉnh thành ban hành văn bản cụ thể về chính sách hỗ trợ.

ld

Các điểm cầu báo cáo về tình hình thực hiện Nghị quyết 68 và Quyết định 23. Ảnh: Bộ LĐTBXH

TP. Hồ Chí Minh hoàn thành hỗ trợ cho lao động tự do vào ngày 15/7

Báo cáo tại Hội nghị sơ kết 6 tháng ngành Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) ngày 14/7, về tình hình thực hiện gói hỗ trợ theo Nghị quyết 68 và Quyết định 23/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, ông Lê Minh Tấn - Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP. Hồ Chí Minh cho biết, ngay từ đầu tháng 5, sở đã tham mưu các chính sách hỗ trợ; ngày 8/6 trình gói an sinh xã hội và được HĐND thông qua ngày 25/6.

Cụ thể, người bị cách ly tại khu cách ly tập trung được hỗ trợ tiền ăn 80.000 đồng/ngày với công dân Việt Nam và hỗ trợ người tham gia lực lượng phòng chống dịch 120.000 đồng/ngày, với tổng kinh phí 350 tỷ đồng.

Người lao động (NLĐ) tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ không hưởng lương tại các doanh nghiệp khó khăn, (khoảng 80.000 công nhân, giáo viên nhóm trẻ mẫu giáo...) nghỉ việc liên tục từ 30 ngày trở lên được hỗ trợ một lần 1.800.000 đồng/ người, với tổng kinh phí 160 tỷ đồng. NLĐ không phải làm bất cứ thủ tục gì mà chủ doanh nghiệp sẽ tự thực hiện thủ tục gửi danh sách lên BHXH thẩm định 1 ngày, chủ tịch quận, huyện thẩm định 2 ngày là chi trực tiếp.

Thành phố thực hiện hỗ trợ thành phố hỗ trợ một lần 1.800.000 đồng/người cho khoảng 24.000 lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp. NLĐ gửi quyết định chấm dứt hợp đồng và giấy yêu cầu lên cơ quan BHXH với thời gian thẩm định được rút ngắn xuống còn 1 ngày, nếu đủ điều kiện, NLĐ sẽ được chi trả qua số tài khoản hoặc chi trả trực tiếp.

Về chính sách hỗ trợ vay vốn để trả lương, thành phố có 410 doanh nghiệp có khả năng vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội, với kinh phí 350 tỷ đồng. 410 doanh nghiệp trên có khoảng 13.500 NLĐ, tương đương với mỗi lao động, chủ doanh nghiệp được vay 3 tháng lương để chi trả lương cho người lao động, tính theo mức lương tối thiểu vùng của thành phố là 4.420.000 đồng/tháng/ lao động.

Riêng với NLĐ tự do, ông Lê Minh Tấn cho biết, thành phố thực hiện hỗ trợ cho khoảng 230.000 người buôn thúng bán bưng, bán vé số lưu động, bốc vác, bảo vệ…., theo từng giai đoạn giãn cách xã hội. Ông Tấn cho biết, triển khai thực hiện từ 6/7 đến nay, thành phố đã hỗ trợ được 106.000 NLĐ tự do, đạt 46%, tổng kinh phí hơn 160 tỷ đồng 1 ngày hỗ trợ 50.000 đồng/ngày trong thời gian giãn cách xã hội, từ 31/5 - 29/6, tương đương 1.500.000 đồng/người. Còn thời gian thực hiện giãn cách từ 9 - 23/7 thì 15 ngày đó tiếp tục thực hiện hỗ trợ 750.000 ngàn đồng/ người.

Ngày mai 15/7, TP. Hồ Chí Minh sẽ kết thúc chi trả với 230.000 lao động tự do này là sẽ tập trung vào những nhóm đối tượng còn lại theo Nghị quyết 68. Ngoài ra, thành phố còn vận động được đóng góp từ các nguồn xã hội hóa khác khoảng 87 tỷ đồng để hỗ trợ người yếu thế cùng nhiều máy ATM gạo, siêu thị 0 đồng…

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung đánh giá cao việc triển khai các chính sách hỗ trợ của TP. Hồ Chí Minh, đặc biệt chính sách hỗ trợ lao động tự do đã vượt lên tinh thần của Nghị quyết 68. Ông cũng đề nghị thành phố tiến hành chi trả song song hỗ trợ các nhóm cùng lúc chứ không đợi nhóm này xong mới làm nhóm khác.

Phê bình công khai trên báo chí các địa phương làm chưa tốt

Ngoài sự vào cuộc tích cực của TP. Hồ Chí Minh, nhiều địa phương khác cũng đang tích cực triển khai Nghị quyết 68 và Quyết định 23.

Tại Đồng Nai, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Nguyễn Thị Thu Hiền cho biết, ngay sau khi Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị quyết 68 và Quyết định 23, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch để triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ đối với nhóm đối tượng 12 (NLĐ tự do) tại Nghị quyết 68. Tinh thần chỉ đạo của UBND tỉnh Đồng Nai là rút ngắn nhanh nhất các thủ tục để triển khai thực hiện kịp thời.

Đối với lao động tự do, tỉnh Đồng Nai thực hiện hỗ trợ 1 lần 1.500.000 đồng/người cho các nhóm đối tượng gồm: thu gom rác, phế liệu, bốc vác, vận chuyển hàng hóa; lái xe mô tô 2 bánh chở khách (xe ôm), lái xe công nghệ 2 bánh; bán lẻ vé số lưu động, bán hàng rong, buôn bán nhỏ lẻ không có địa điểm cố định... Dự kiến khoảng 25.000 - 30.000 người được hỗ trợ với kinh phí khoảng 45 tỷ đồng.

Tại Bắc Giang, ông Nguyễn Tiến Cơi - Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh cho biết, khi chưa có Nghị quyết 68, tỉnh đã chủ động thực hiện chính sách hỗ trợ tiền ăn cho đối tượng là F0, F1 tại các khu cách ly và khu điều trị với thủ tục rất thông thoáng khi chỉ cần nộp biên lai thu tiền sau khi hết thời gian điều trị hay cách ly để nhận hỗ trợ. Thậm chí, chính sách hỗ trợ với phụ nữ mang thai chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19 còn được thực hiện ngay bằng cách trừ trực tiếp vào chi phí điều trị. Hiện nay, Bắc Giang đã hoàn thiện dự thảo kế hoạch thực hiện Nghị quyết 68, ngay sau hội nghị hôm nay, sẽ ban hành để triển khai thực hiện.

Tại Bình Dương, Sở LĐ-TB&XH tỉnh đã có tờ trình UBND tỉnh ban hành quyết định về việc hỗ trợ NLĐ không có giao kết hợp đồng lao động và một số đối tượng khác bị tác động bởi dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh Bình Dương trên cơ sở thống nhất của các sở ngành liên quan và UBND cấp huyện. Dự kiến khoảng 40.000 đối tượng là lao động tự do với múc hỗ trợ một lần là 1.500.000 đồng/người (trong đó 7.000 đối tượng bán vé số). Hiện nay UBND cấp xã đang triển khai xuống các khu, ấp để tiếp nhận hồ sơ NLĐ đề nghị hỗ trợ theo Nghị quyết 68 và Quyết định 23.

Bà Bạch Liên Hương- Giám đốc LĐ-TB&X TP. Hà Nội cho biết, ngay sau khi có Nghị quyết số 68 và Quyết định số 23, Sở LĐ-TB&XH đã khẩn trương thành lập tổ công tác để tham mưu UBND TP. Hà Nội triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ NLĐ và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.

Sở chủ động liên hệ Sở Tài chính, Sở Tư pháp và các cơ quan liên quan của TP. Hà Nội để phối hợp triển khai; đồng thời đề nghị các sở, ngành và cơ quan liên quan nghiên cứu, hướng dẫn chi tiết hồ sơ, trình tự, thủ tục và trách nhiệm của sở, ngành trong tổ chức thực hiện. Hiện nay, Sở Lao động TB&XH Hà Nội đang đôn đốc các sở, ngành khẩn trương góp ý kiến để hoàn thiện quyết định, trình UBND thành phố ban hành nhằm triển khai kịp thời các chính sách hỗ trợ tới các đối tượng thụ hưởng.

Thống kê tới ngày 14/7, Bộ LĐTB&XH đã nhận được 33/63 văn bản cụ thể ban hành thực hiện Nghị quyết số 68 và Quyết định số 23 của các tỉnh, thành phố. Vì vậy, người đứng đầu ngành LĐ-TB&XH yêu cầu cơ quan LĐ-TB&XH các địa phương cần khẩn trương vào cuộc tham mưu cho HĐND, UBND ban hành thực hiện các chính sách hỗ trợ, không để chậm trễ hơn nữa. Đơn vị, địa phương nào chậm trễ là có tội với dân và sẽ bị phê bình công khai trên báo chí nếu để chậm trễ, trục lợi, làm chưa tốt.

Thảo Miên

Thảo Miên

© Thời báo Tài chính Việt Nam