Đơn giản hóa và cắt giảm tối đa các thủ tục hỗ trợ người dân, doanh nghiệp

23:53 | 07/07/2021 Print
Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg quy định về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do Covid-19. Phương châm thực hiện chính sách hỗ trợ là đơn giản hóa và cắt giảm tối đa các thủ tục.

cn

Quyền lợi của người lao động vẫn được đảm bảo trong thời gian dừng đóng quỹ bảo hiểm tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp. Ảnh minh họa: LV

>> Triển khai Nghị quyết 68/NQ-CP: Để chậm trễ là có tội với dân

Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg nhằm quy phạm hóa việc thực hiện các biện pháp hỗ trợ người lao động (NLĐ) và người sử dụng lao động (SDLĐ) gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 tại Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 01/7/2021 của Chính phủ. Quyết định gồm 11 chương, 46 điều.

Người lao động vẫn được hưởng quyền lợi khi dừng đóng bảo hiểm

Thông tin về một số điểm mới nổi bật trong triển khai chính sách hỗ trợ, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, 12 chính sách theo Nghị quyết 68 sẽ được cụ thể hóa cách thức thực hiện, theo hướng đơn giản hóa tối đa về thủ tục và thời gian.

Cụ thể, giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp (BH TNLĐ-BNN) là chính sách hỗ trợ mới theo Nghị quyết số 68/NQ-CP. Theo đó, người SDLĐ được áp dụng mức đóng bằng 0% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng BHXH vào Quỹ BH TNLĐ-BNN trong 12 tháng (từ ngày 01/7/2021 đến hết ngày 30/6/2022) cho NLĐ thuộc đối tượng áp dụng chế độ BH TNLĐ-BNN (trừ cán bộ, công chức, viên chức, người thuộc lực lượng vũ trang nhân dân, người lao động trong các cơ quan của Đảng, Nhà nước, cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập được hưởng lương từ ngân sách nhà nước).

Người SDLĐ hỗ trợ toàn bộ số tiền có được từ việc giảm đóng vào Quỹ BH TNLĐ-BNN cho NLĐ phòng, chống Covid-19. Chính sách không phát sinh thủ tục hành chính mới. Việc đăng ký tham gia, quản lý và sử dụng Quỹ BH TNLĐ-BNN vẫn thực hiện theo quy định pháp luật hiện hành.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh rằng, giảm mức đóng bằng 0% nhưng tất cả NLĐ vẫn được hưởng các chính sách về BH TNLĐ-BNN một cách bình thường trong thời gian thực hiện chính sách. Đây là điều quan trọng và người SDLĐ dùng tiền này hỗ trợ toàn bộ cho NLĐ, chứ không phải hỗ trợ cho người SDLĐ. Một điểm mới là NLĐ nước ngoài đang làm việc ở Việt Nam trong các doanh nghiệp cũng được hưởng chính sách này, không chỉ riêng lao động là người Việt Nam.

Một điểm nổi bật khác là chính sách hỗ trợ người SDLĐ đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho NLĐ. Đây là chính sách hỗ trợ mới theo Nghị quyết 68/NQ-CP. Chính phủ trong thẩm quyền của mình cho phép giảm một số điều kiện hưởng chế độ hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho NLĐ từ Quỹ BHTN (giảm điều kiện về cắt giảm lao động, giảm điều kiện về khả năng tài chính để đào tạo cho NLĐ) để hỗ trợ người SDLĐ trong quá trình cơ cấu lại đầu tư, đổi mới công nghệ và quản trị, thích ứng với môi trường kinh tế trong nước và quốc tế trong và sau đại dịch Covid-19

Thời gian hỗ trợ là 1 năm và nâng mức hỗ trợ tối đa từ 1.000.000 đồng/người/tháng lên 1.500.000 đồng/người/tháng. Việc triển khai thực hiện chính sách theo hướng đơn giản hóa thủ tục, giảm thời gian giải quyết việc hỗ trợ, người SDLĐ tự kê khai và chịu trách nhiệm với kê khai của mình.

Trả lời thắc mắc về việc đảm bảo an toàn và tăng trưởng của Quỹ BHTN, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, đây là lần đầu tiên Việt Nam sử dụng quỹ này với số vốn khoảng 4.500 tỷ đồng hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho NLĐ. Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định, tăng trưởng và an toàn Quỹ BHTN hoàn toàn đảm bảo, không có gì đáng lo ngại.

Linh hoạt trong chi hỗ trợ người lao động tự do

Việc hỗ trợ NLĐ tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động hoặc nghỉ việc không hưởng lương và NLĐ chấm dứt hợp đồng lao động nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp là các chính sách kế thừa từ Nghị quyết số 42/NQ-CP. Tuy nhiên, mức hỗ trợ cho lao động tạm hoãn việc hoặc nghỉ không lương cao hơn mức hỗ trợ tại Nghị quyết số 42/NQ-CP. Trình tự thủ tục thực hiện chính sách này được điều chỉnh theo hướng đơn giản hóa thủ tục hành chính và thời gian thực hiện để tạo thuận lợi cho NLĐ dễ thực hiện và sớm nhận được hỗ trợ; bỏ điều kiện chứng minh về doanh thu hoặc tài chính của doanh nghiệp.

Chính sách hỗ trợ NLĐ ngừng việc là chính sách mới theo Nghị quyết số 68/NĐ-CP. Theo đó, NLĐ việc theo chế độ hợp đồng lao động bị ngừng và thuộc đối tượng phải cách ly y tế hoặc trong các khu vực bị phong tỏa theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền từ 14 ngày trở lên trong thời gian từ ngày 01/5/2021 đến hết ngày 31/12/2021; đang tham gia BHXH bắt buộc.

Trường hợp NLĐ đang mang thai được hỗ trợ thêm 1.000.000 đồng/người; đang nuôi con đẻ hoặc con nuôi hoặc chăm sóc thay thế trẻ em chưa đủ 06 tuổi thì được hỗ trợ thêm 1.000.000 đồng/trẻ em chưa đủ 06 tuổi và chỉ hỗ trợ cho 01 người là mẹ hoặc cha hoặc người chăm sóc thay thế trẻ em chưa đủ 06 tuổi. Ông Đào Ngọc Dung cho biết, hỗ trợ này dành cho NLĐ ở cả 3 nhóm đối tượng là ngừng việc, nghỉ việc không hưởng lương và chấm dứt hợp đồng lao động.

Đối với NLĐ tự do, theo ông Đào Ngọc Dung, đây là đối tượng bị ảnh hưởng sâu, khó khăn nhất hiện nay nhưng lại khó thực hiện hỗ trợ nhất, do di biến động mạnh, nay ở chỗ này, mai chỗ khác. Vì vậy, tinh thần thực hiện chính sách hỗ trợ là linh hoạt, không bắt buộc phải về quê lấy xác nhận sau đó mới làm thủ tục chi trả mà theo tinh thần hiện tại sinh sống ở đâu thì chi trả ở đó và cố gắng làm sao liên kết danh sách này giữa các địa phương, liên thông cơ sở dữ liệu, chi trả nhanh, kịp thời rồi sau đó hậu kiểm. “Chính phủ đưa ra sàn tối thiểu còn lại tối đa thì do địa phương quyết định. Còn các đối tượng khác, địa phương tự quyết định căn cứ vào cân đối ngân sách địa phương, Chính phủ không can thiệp vào việc này”- ông Đào Ngọc Dung cho biết.

Để triển khai thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP và Quyết định của Thủ tướng Chính phủ kịp thời, đúng đối tượng, công khai, minh bạch, hiệu quả thiết thực, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện các chính sách hỗ trợ NLĐ và người SDLĐ gặp khó khăn do Covid-19. Đồng thời, thiết lập đường dây nóng để kịp thời giải đáp các chính sách cũng như nhận các phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp.

(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)

Mai Lâm

Mai Lâm

© Thời báo Tài chính Việt Nam