Phú Yên cần thực hiện cách ly nhanh, ngăn chặn dịch lây lan ra cộng đồng

23:52 | 06/07/2021 Print
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, tỉnh Phú Yên cần làm tốt việc phát hiện sớm ca bệnh, kể cả ca nghi ngờ, thực hiện cách ly nhanh, ngăn chặn dịch lây lan ra cộng đồng.

làm

Toàn cảnh buổi làm việc của Đoàn công tác Bộ Y tế với Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 tỉnh Phú Yên. Ảnh: TL.

Đây là yêu cầu của Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên - Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 tại buổi làm việc với Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 tỉnh Phú Yên, ngày 6/7.

Xác định có 3 nguồn lây nhiễm chính SARS-CoV-2 trong tỉnh

Báo cáo tại buổi làm việc, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Phú Yên cho biết, qua truy vết, điều tra dịch tễ xác định có 3 nguồn lây nhiễm chính SARS-CoV-2 trong tỉnh, trong đó nguồn lây chủ yếu từ quán cơm Yến Nam, thôn Ngọc Phong, xã Bình Kiến, TP. Tuy Hòa có liên quan đến BN12190 của TP. Hồ Chí Minh.

Đồng thời, tỉnh đang gặp nhiều khó khăn về nguồn nhân lực thực hiện truy vết, lấy mẫu, đội ngũ y, bác sĩ chuyên khoa nhiễm, chuyên khoa xét nghiệm vi sinh; thiếu kinh nghiệm trong xử lý tình huống có dịch lây lan nhanh, mạnh trong cộng đồng, điều trị ca bệnh Covid-19 nặng và khó khăn trong xử lý rác thải y tế.

Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Phú Yên đề xuất Bộ Y tế hỗ trợ trang thiết bị và chuyên gia điều trị bệnh nhân nặng cần can thiệp bằng hệ thống tim phổi nhân tạo (ECMO). Ngoài ra, đề nghị được áp dụng hình thức cách ly tập trung F1 tại nhà đối với các trường hợp đủ điều kiện theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên yêu cầu, để thực hiện mục tiêu kép vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế xã hội, Phú Yên cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền người dân tuân thủ nguyên tắc 5K + vắc xin trong phòng chống dịch. Bên cạnh đó, tỉnh cũng cần quyết liệt đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong phòng chống dịch.

Theo Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên, qua kiểm tra thực tiễn công tác cách ly, phong toả tại khu vực có ca F0 trên địa bàn TP. Tuy Hoà, đoàn công tác đánh giá cao địa phương đã thiết lập nhanh chóng các khu vực cách ly, phong toả.

Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên yêu cầu, Phú Yên cần huy động thêm nguồn lực nâng cao năng lực xét nghiệm đảm bảo thực hiện được 5.000 mẫu đơn/ngày... đồng thời, giao Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh Phú Yên là đầu mối duy nhất chịu trách nhiệm điều phối về vấn đề xét nghiệm trên toàn tỉnh. Bên cạnh đó, tỉnh phải tập huấn cho lực lượng lấy mẫu và làm xét nghiệm. Riêng về lấy mẫu, phải tập huấn cho 100% cán bộ y tế từ tuyến xã trở lên để tất cả đều làm được.

Tuy nhiên, Thứ trưởng lưu ý, khi phát hiện F0 cần thực hiện khoanh vùng thật rộng, nhưng sau khi xác định được các F1 thì thu gọn lại, phong tỏa trên diện hẹp. Đồng thời, phải tuyệt đối tuân thủ quy định phòng chống dịch, không để lây nhiễm chéo trong khu cách ly, phong toả. Cùng với đó, 3 ngày 1 lần lấy mẫu và xét nghiệm gộp.

Địa phương cũng cần phát huy vai trò của Tổ Covid cộng đồng; phát huy vai trò lực lượng cảnh sát khu vực để giám sát dịch bệnh trên địa bàn, đặc biệt trong khu vực cách ly, phong toả. Tỉnh cần yêu cầu 100% các hộ gia đình ký cam kết thực hiện nghiêm công tác phòng chống dịch.

Tăng cường 3 tổ chuyên gia của Bộ Y tế hỗ trợ Phú Yên chống dịch

Để phòng chống dịch trong doanh nghiệp, Thứ trưởng yêu cầu, các doanh nghiệp trong khu công nghiệp thì ban quản lý khu công nghiệp, chế xuất quản lý và tiến hành tập huấn về các quy định phòng chống dịch. Đối với các cụm doanh nghiệp, nhà máy sản xuất nhỏ lẻ thì UBND huyện, thị tổ chức tập huấn.

Trong trường hợp cần tập huấn trực tuyến thì tỉnh liên hệ Bộ Y tế để Bộ hỗ trợ. Việc tập huấn phải đến chủ doanh nghiệp, chứ không “khơi khơi” trong lãnh đạo Ban Quản lý khu công nghiêp, khu chế xuất… Cùng với đó phải tăng cường thanh kiểm tra, giám sát. Nếu doanh nghiệp nào đạt yêu cầu thì cho tiếp tục hoạt động, doanh nghiệp nào không đạt thì dừng. Yêu cầu các doanh nghiệp phải xét nghiệm sàng lọc 20% công nhân.

Điều trị bệnh nhân COVID-19 là một trong những hoạt động mà tỉnh Phú Yên cần quan tâm để đáp ứng tình huống có đông bệnh nhân, trong đó có bệnh nhân nặng trên địa bàn. Tỉnh cần thiết lập các bệnh viện dã chiến theo khu vực địa lý, để tránh tình trạng F0 rải rác ở các huyện, thị xã, thành phố. Bệnh viện dã chiến nên trưng dụng các cơ sở y tế hiện có (bệnh viện đa khoa hoặc trung tâm y tế huyện) để tránh tình trạng khó khăn về hạ tầng kỹ thuật y tế.

Về điều trị bệnh nhân nặng, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên yêu cầu Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Yên phải xây dựng được đơn nguyên hồi sức cấp cứu (ICU) có khả năng điều trị được 100 bệnh nhân nặng, trong đó có khoảng 10 bệnh nhân rất nặng. Ngoài ra, bệnh viện tỉnh phải thiết lập được Phòng hội chẩn trực tuyến kết nối với Bộ Y tế và các bệnh viện tuyến trung ương.

Để hỗ trợ tỉnh Phú Yên trong công tác phòng chống dịch, ngoài một tổ công tác do Bộ Y tế đã điều đến Phú Yên trước đó do Viện Pasteur Nha Trang phụ trách, Bộ Y tế quyết định tăng cường 3 tổ chuyên gia của Bộ hỗ trợ cho Phú Yên, gồm: Tổ hỗ trợ truy vết xét nghiệm (hỗ trợ quy trình khoa học, nâng cao năng lực truy vết, lấy mẫu, xét nghiệm); Tổ điều trị (có nhiệm vụ hỗ trợ thiết lập Trung tâm điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng, thiết lập các bệnh viện dã chiến); Tổ công nghệ thông tin (thiết lập tập huấn về các ứng dụng công nghệ thông tin, nhất là phần mềm tổng hợp, phân tích và báo cáo dịch bệnh Covid-19)./.

(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)

Văn Nam

Văn Nam

© Thời báo Tài chính Việt Nam