Người lao động tự do được hỗ trợ ít nhất 1,5 triệu đồng

22:17 | 01/07/2021 Print
Chính phủ quy định hỗ trợ tối thiểu không dưới 1.500.000 đồng/người/lần và tối thiểu không dưới 50.000 đồng/người/ngày. "Những địa phương hỗ trợ trên mức đó Chính phủ càng hoan nghênh" - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết.

TT

Người lao động tự do được hỗ trợ ít nhất 1,5 triệu đồng/người/lần. (Ảnh minh họa: TTXVN)

Hoan nghênh địa phương hỗ trợ cao hơn mức quy định

Các chính sách hỗ trợ mới theo Nghị quyết 68 vừa được Chính phủ ban hành chiều 1/7 là thông tin rất được quan tâm tại cuộc họp báo Chính phủ chiều cùng ngày. Tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và xã hội (LĐTB&XH) Đào Ngọc Dung đã chia sẻ nhiều thông tin về nội dung nghị quyết này, đặc biệt là về việc hỗ trợ đối tượng lao động tự do.

Theo Bộ trưởng, trong chỉ đạo của Bộ Chính trị và Chính phủ trong phiên họp chiều nay, Thủ tướng Chính phủ đã đặc biệt nhấn mạnh chăm lo cho nhóm lao động tự do, vì đây là một trong những nhóm bị ảnh hưởng sâu và trực tiếp, nhưng cũng là nhóm khó triển khai nhất.

Thực tiễn vừa qua, việc triển khai gói Nghị quyết 42 gặp rất nhiều khó khăn trong việc xác định đối tượng vì lao động tự do di chuyển thường xuyên, không ổn định nơi cư trú, và còn phải lấy xác nhận tại nơi ở, nơi cư trú. Do đó, nếu như Chính phủ ban hành một chính sách cụ thể và Chính phủ đứng ra hỗ trợ ngân sách cho nhóm đối tượng này sẽ rất khó khăn.

Do đó, sau khi làm việc với một số địa phương đông lực lượng lao động tự do, Chính phủ đã thống nhất hỗ trợ nhóm đối tượng lao động tự do và giao toàn quyền cho địa phương căn cứ vào điều kiện của mình, căn cứ vào khả năng ngân sách của mình chủ động xây dựng kinh phí, xây dựng mức tiền, xác định đối tượng.

Theo nghị quyết, Chính phủ quy định hỗ trợ tối thiểu không dưới 1.500.000 đồng/người/lần và tối thiểu không dưới 50.000 đồng/người/ngày. "Những địa phương hỗ trợ trên mức đó Chính phủ càng hoan nghênh" - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết.

Tinh giản tối đa các thủ tục, điều kiện

Đồng thời, Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH cũng khẳng định chương trình hỗ trợ này không song song với gói hỗ trợ theo Nghị quyết 42 bởi Nghị quyết 42 chỉ là gói ngắn hạn và đến 31/12/2020 đã hết hiệu lực. Số tiền còn lại chưa giải ngân đã xử lý theo chu kỳ ngân sách và Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đồng ý chuyển sang sử dụng cho những công việc khác.

Để sớm đưa Nghị quyết 68 vào triển khai, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết đã phối hợp các ngành và xây dựng một quyết định của Thủ tướng, với khoảng 50 trang hướng dẫn. Ngày 2/7, Bộ Tư pháp sẽ thẩm định các vấn đề pháp lý trong nội dung quyết định của Thủ tướng để triển khai nghị quyết này.

Tinh thần triển khai nghị quyết là tinh giản tối đa các thủ tục, các điều kiện, để tạo sự thông thoáng nhất. Chẳng hạn như miễn giảm toàn bộ quỹ an toàn lao động chỉ cần một quyết định là doanh nghiệp đến bảo hiểm, đưa toàn bộ danh sách mình đã đóng hằng tháng, sau đó, bảo hiểm ra quyết định hỗ trợ ngay. Thời gian cũng được quy định rất rõ, như khi nhận hồ sơ trong 2 hoặc 3 ngày là phải xử lý ngay, nếu không xử lý hoặc không đồng ý thì trả lời bằng văn bản ngay cho người sử dụng lao động, người lao động.

"Nếu như trước đây cho tạm dừng đóng bảo hiểm phải có 4 thủ tục thì bây giờ tinh thần là cái gì luật không bắt buộc thì không cần. Đúng là gói 42 xây dựng một chính sách rất đặc thù, một quyết định chưa có tiền lệ, khi đó chưa hình dung hết được. Sau đó chúng ta mới rút ra kinh nghiệm" - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói.

Ngân sách trung ương hỗ trợ tới 80% cho các địa phương khó khăn

Nghị quyết 68 nêu rõ, nguyên tắc hỗ trợ phải bảo đảm hỗ trợ kịp thời, đúng đối tượng, công khai, minh bạch, không để lợi dụng, trục lợi chính sách; bảo đảm tính khả thi, hiệu quả của các chính sách và nguồn lực để thực hiện. Mỗi đối tượng chỉ được hưởng một lần trong một chính sách hỗ trợ. Người lao động được hỗ trợ một lần bằng tiền (trừ các đối tượng hưởng chính sách bổ sung theo quy định) chỉ được hưởng một chế độ hỗ trợ; không hỗ trợ đối tượng tự nguyện không tham gia.

Đồng thời phải phát huy tính chủ động của các cấp, các ngành, địa phương, căn cứ vào điều kiện cụ thể để linh hoạt triển khai, đảm bảo mục tiêu, nguyên tắc và kịp thời các chính sách hỗ trợ.

Về việc hỗ trợ NSNN, các tỉnh, thành phố có tỷ lệ điều tiết các khoản thu phân chia về ngân sách trung ương trên 60% tự bảo đảm kinh phí thực hiện. Ngân sách trung ương hỗ trợ các địa phương còn lại theo nguyên tắc: 80% mức thực chi theo quy định tại nghị quyết này đối với các tỉnh miền núi, Tây Nguyên; 60% mức thực chi theo quy định tại nghị quyết này đối với các tỉnh chưa tự cân đối ngân sách còn lại (ngoài các tỉnh miền núi, Tây Nguyên); 40% mức thực chi theo quy định tại nghị quyết này đối với các tỉnh, thành phố có tỷ lệ điều tiết các khoản thu phân chia về ngân sách trung ương còn lại.

Các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chủ động sử dụng 50% nguồn dự phòng ngân sách địa phương (bao gồm cả 3 cấp tỉnh, huyện, xã) và 70% quỹ dự trữ tài chính địa phương, nguồn cải cách tiền lương còn dư để thực hiện theo các nguyên tắc, chế độ hỗ trợ quy định tại nghị quyết này.

Dương An

Dương An

© Thời báo Tài chính Việt Nam