Cam kết của người dân nỗ lực cùng Chính phủ chống đại dịch

18:54 | 26/06/2021 Print
(TBTCVN) - Sự tham gia đóng góp tích cực của cá nhân, doanh nghiệp vào Quỹ Vắc-xin phòng, chống Covid-19 cùng các sáng kiến khác là ví dụ đặc biệt về sự cam kết của người dân trong nỗ lực cùng Chính phủ đối phó với đại dịch.

8

Đông đảo người dân tham gia đóng góp, ủng hộ Quỹ Vắc-xin phòng, chống Covid-19.

Bà Caitlin Wiesen - Đại diện thường trú của Chương trình Phát triển của Liên Hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam cho biết như vậy khi trao đổi với phóng viên TBTCVN.

PV: Bà nhận định như thế nào xung quanh việc thành lập “Quỹ Vắc-xin phòng, chống Covid-19” của Chính phủ Việt Nam, để huy động sự chung tay của cả cộng đồng trong cuộc chiến chống Covid-19?

Bà Caitlin Wiesen: Làn sóng dịch bệnh lần này là thách thức lớn nhất, không chỉ đối với Việt Nam mà còn với các nước khác, đặc biệt các nước trong khu vực. Trong khi vẫn tiếp tục các biện pháp truy vết, xét nghiệm và thông tin minh bạch, việc triển khai nhanh chóng tiêm vắc-xin là vô cùng quan trọng. UNDP hoan nghênh Chính phủ Việt Nam thành lập Quỹ Vắc-xin phòng, chống Covid-19, với ngân quỹ hàng tỷ USD. Việc thành lập quỹ này với hoạt động công khai và minh bạch sẽ giúp Việt Nam đẩy nhanh các nỗ lực thiết thực để đạt mục tiêu tiêm chủng cho 75 triệu người trên toàn quốc.

pv8

Bà Caitlin Wiesen

PV: Bà đánh giá thế nào về tính hiệu quả, tính tích cực của việc thành lập Quỹ Vắc-xin phòng, chống Covid-19 của Chính phủ, thông qua việc ủng hộ tích cực của cộng đồng doanh nghiệp và người dân, chỉ trong thời gian ngắn sau khi quỹ được thành lập?

Bà Caitlin Wiesen: Việt Nam đã phản ứng kịp thời, nhanh chóng ngay từ những ngày đầu khi phát hiện trường hợp nhiễm Covid-19 đầu tiên. Truy vết, thông tin minh bạch, sự cam kết của người dân, sự cam kết của Chính phủ, lòng tin được xây dựng trong quá trình này. Theo nghiên cứu của UNDP về ý kiến của người dân đối với công tác phòng chống Covid-19 của Chính phủ, tỷ lệ người dân tin tưởng rất cao lên đến 80 - 90%. Điều đó nói lên rằng, một khi Chính phủ và nhân dân Việt Nam cam kết, chung sức đồng lòng vượt qua thách thức, không gì có thể ngăn cản được bước tiến của đất nước này. Tôi tin tưởng rằng, thử thách hiện tại sẽ được giải quyết với tinh thần tương tự như vậy.

Chính phủ đã kêu gọi mọi người đóng góp cho Quỹ Vắc-xin phòng, chống Covid-19 và chúng tôi đã thực sự thấy khu vực tư nhân tích cực hưởng ứng, người dân cũng tích cực hưởng ứng. Một trong những điều đặc biệt của công cuộc phòng chống Covid-19 ở Việt Nam là những sáng kiến đổi mới sáng tạo của người dân như máy ATM gạo; siêu thị 0 đồng; những người chuyển hướng sản xuất sang sản xuất PPE (thiết bị bảo hộ cá nhân), khẩu trang bằng vải, góp phần vào chính sách ngoại giao Covid-19 của Việt Nam và giúp các nước khác đối phó với khủng hoảng. Đây chính là những ví dụ đặc biệt về sự cam kết của người dân trong nỗ lực cùng Chính phủ đối phó với đại dịch. Tôi nghĩ rằng, khu vực tư nhân có thể làm được nhiều hơn nữa. Khu vực tư nhân có thể có vai trò lớn hơn trong sản xuất vắc-xin và đẩy lùi Covid-19 trong thời gian tới.

PV: Còn về nỗ lực tiếp cận vắc-xin thì sao, thưa bà? Bà có bình luận gì về nỗ lực tiếp cận vắc-xin của Chính phủ Việt Nam khi mà trên toàn cầu, lượng vắc-xin đang được sản xuất không đủ để đáp ứng nhu cầu của tất cả mọi người?

Bà Caitlin Wiesen: Vấn đề đặt ra hiện nay là tiếp cận đủ vắc-xin cho người dân trong cả nước và đây là vấn đề không chỉ của Việt Nam mà của tất cả các nước trên thế giới. Việt Nam đã thành công trong phòng chống Covid-19 ngay từ giai đoạn đầu của đại dịch, do đó không được nằm trong danh sách ưu tiên cao về tiếp cận vắc-xin so với các nước khác. Tuy nhiên, Chính phủ Việt Nam đang thực sự nỗ lực hết mình để tiếp cận nguồn vắc-xin thông qua cơ chế COVAX của Liên Hợp quốc và các nguồn khác và đang thực hiện rất tốt. Chúng tôi hoan nghênh và đánh giá cao việc Việt Nam đã nhìn về dài hạn, không chỉ tiếp cận vắc-xin mà còn cả sản xuất vắc-xin phòng Covid-19.

Việt Nam đã nộp đơn lên WHO (Tổ chức Y tế thế giới) để trở thành một trung tâm sản xuất vắc-xin, trước hết là cho Việt Nam và có tiềm năng phục vụ khu vực. Đây là sáng kiến rất đáng hoan nghênh và về lâu dài, điều này rất quan trọng trong nỗ lực đẩy lùi Covid-19.

Việt Nam trở thành nơi sản xuất trang bị bảo hộ cá nhân và cũng tương tự như vậy, Việt Nam trở thành trung tâm sản xuất vắc-xin trong khu vực. UNDP hoan nghênh những nỗ lực của Chính phủ, phối hợp với khu vực tư nhân trong việc tìm kiếm nguồn cung ứng vắc-xin và chuyển giao công nghệ cho sản xuất quốc gia và có khả năng trở thành một trung tâm sản xuất cho khu vực.

PV: Xin cảm ơn bà!

Vắc-xin phòng Covid-19 Việt Nam sắp về đích

Vắc-xin Nano Covax do Việt Nam nghiên cứu và phát triển đã hoàn tất thử nghiệm đầu tiên của giai đoạn 3 trên 1.000 tình nguyện viên. Vắc-xin Nano Covax đã trải qua các giai đoạn thử nghiệm lâm sàng: giai đoạn 1 bắt đầu từ tháng 12/2020; giai đoạn 2 từ tháng 2/2021; giai đoạn 3 chính thức từ ngày 11/6/2021. Qua 2 giai đoạn đầu, kết quả thử nghiệm cho thấy, 100% tình nguyện viên đều sinh miễn dịch tốt. Tỷ lệ chuyển đổi huyết thanh đạt trên 99%. Hiện vắc-xin này đang bước vào thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3, với quy mô dự kiến trên 13.000 người.


Thảo Miên (thực hiện)

Thảo Miên (thực hiện)

© Thời báo Tài chính Việt Nam