TP. Hồ Chí Minh: Hướng đến tiêm vắc - xin cho toàn dân

17:43 | 10/06/2021 Print
Trước đề xuất của lãnh đạo hiệp hội doanh nghiệp, ngành hàng về việc tiêm vắc - xin cho công nhân, người lao động tại doanh nghiệp, Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong khẳng định: “Mục tiêu của Thành phố là tiêm vắc - xin cho toàn bộ người dân”.

anh moi

Toàn cảnh lãnh đạo TP.Hồ Chí Minh làm việc với các hiệp hội doanh nghiệp. Ảnh: Gia Cư

Doanh nghiệp kiến nghị tiêm vắc - xin cho người lao động

Theo Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP. Hồ Chí Minh - Chu Tiến Dũng, các doanh nghiệp hiện nay chấp hành rất nghiêm quy định 5K, bộ tiêu chí phòng chống dịch của Chính phủ và thành phố ban hành, rất tích cực quyên góp, đóng góp ủng hộ Quỹ Vắc - xin phòng, chống Covid-19 của Chính phủ.

Tuy nhiên, ông Dũng cho rằng, trong lúc nhiều quốc gia phát triển, những thị trường quan trọng như Mỹ, Châu Âu… đang dần đạt miễn dịch xã hội, kinh tế đang mở cửa, thị trường có nhiều cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam và thành phố, nhưng doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa tiếp cận được vắc xin tiêm phòng cho công nhân, người lao động.

Điều này sẽ làm ảnh hưởng tới cơ hội gia nhập thị trường, sức cạnh tranh của doanh nghiệp do bị chậm chân trên các thị trường nước ngoài, quan hệ làm ăn với các đối tác.

Vì vậy, ông Chu Tiến Dũng đề xuất lãnh đạo thành phố kiến nghị Chính phủ có cơ chế, kế hoạch và lộ trình thật cụ thể về chương trình tiêm vắc xin phòng dịch Covid – 19 cho công nhân, người lao động trong thời gian sớm nhất có thể, đưa đối tượng các doanh nhân, công nhân, người lao động vào đối tượng ưu tiên tiếp cận vắc xin vì sự phát triển kinh tế sau ưu tiên cho tuyến đầu phòng chống dịch, vùng dịch. Đồng thời, tạo điều kiện và hướng dẫn các doanh nghiệp có điều kiện có thể chủ động mua sớm vắc xin tiêm phòng cho công nhân của mình.

Mặt khác cũng theo ông Dũng, bài học từ việc ban hành quy định phòng chống dịch của tỉnh Đồng Nai đã ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp cho thấy, mỗi khi các địa phương ban hành các quy định phòng chống dịch có liên quan đến doanh nghiệp cần có sự phối hợp trao đổi giữa các địa phương khác để có sự thống nhất trước khi quyết định. Đồng thời nếu có thể thì cần dành cho doanh nghiệp một thời gian chuẩn bị, để không bị động gây cản trở và khó khăn cho sản xuất.

Về việc tiêm vắc xin cho công nhân, người lao động, ông Phạm Văn Việt, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may - Thêu đan Thành phố, Chủ tich Hội đồng quản trị công ty Việt Thắng Jean cũng đề nghị Bộ Y tế bổ sung thêm nhóm đối tượng rủi ro cao là người lao động dệt may vào nhóm ưu tiên tiêm vắc xin.

Bên cạnh đó, ông Phạm Văn Việt đề nghị Chính phủ hỗ trợ doanh nghiệp tiêm vắc xin cho người lao động với chi phí của doanh nghiệp. Theo ông Việt, hiện nay toàn bộ vắc xin trên thế giới cấp phép lưu hành chưa có lưu hành thương mại, các doanh nghiệp bán vắc xin chỉ giao dịch thông qua Chính phủ, chưa bán trực tiếp cho doanh nghiệp nên nguồn vắc xin cho người lao động nhờ Chính phủ tìm nguồn hỗ trợ. Mặt khác, ông Phạm Văn Việt cũng đề xuất cho phép doanh nghiệp mua bộ test Covid-19 để kiểm tra, kiểm soát tình hình sức khỏe của công nhân:

“Hiện nay có rất nhiều bộ test, hai bộ test mà chúng tôi xin đề xuất, có thể cho chúng tôi tiếp cận mua, đó là hai bộ test của công ty cổ phần Việt Á và Học viện Quân Y Sao Thái Dương do Bộ Y tế cấp phép. Hiện nay, hai bộ test này chỉ được bán cho các tuyến trên với số lượng lớn chứ chưa bán rộng rãi ra thị trường” – ông Việt nói.

Mục tiêu tiêm vắc - xin cho toàn dân

Trước đề xuất của lãnh đạo hiệp hội doanh nghiệp, ngành hàng về việc tiêm vắc xin cho công nhân, người lao động tại doanh nghiệp, Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Thành Phong khẳng định: “Mục tiêu của thành phố là tiêm vắc xin cho toàn bộ người dân thành phố. Từ đầu tuần đến nay, thành phố cũng đã có những buổi đàm phán với nhà cung ứng vắc xin và làm việc với một số doanh nghiệp có nguồn cung ứng vắc xin. Ngày mai, lãnh đạo thành phố sẽ có cuộc họp liên quan vấn đề này, bàn lộ trình tiêm vắc xin cụ thể từ đây đến đầu quý IV năm nay và quý I năm 2022”- ông Phong nói.

Đối với vấn đề tiêm vắc xin cho toàn dân, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên nói thêm, trước khi đến cuộc họp này, ông có trao đổi với Bộ trưởng Bộ Y tế. Mục tiêu chúng ta là tiêm vắc xin toàn dân, nhưng có ưu tiên là bởi vì số lượng vắc xin ít, nên có bao nhiêu thì chúng ta cứ mở rộng diện ưu tiên thêm. Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên khẳng định, Chính phủ mở rộng cơ chế cho các doanh nghiệp được tiếp cận vắc xin. Bất cứ khi nào, có nguồn vắc xin là Bộ Y tế sẵn sàng kiểm tra chất lượng, kế hoạch tiêm. Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Y tế cũng chia sẻ rằng, hiện nay Việt Nam rất khó tiếp cận nguồn vắc xin. Do đó chúng ta cứ mở rộng, tăng cường liên kết, hợp tác, tìm nguồn. Hễ ai có nguồn vắc xin thì cứ báo cho UBND thành phố, rồi bàn cách mua vắc xin đem về càng sớm càng tốt, càng nhiều càng tốt.

“Tiền mặc dù chúng ta đang huy động, nhưng cỡ nào cũng đáp ứng được. Hiện nay nguồn cung vắc xin trên thế giới là cung không đáp ứng với cầu, mà các đồng chí ở Chính phủ, kể cả Bộ trưởng Bộ Y tế nói rằng, nguồn vắc xin cực kỳ khó khăn, do đó chúng ta cần chia sẻ với thực trạng đó”- ông Nên cho hay.

Khảo sát nhanh trên 100 doanh nghiệp bằng hình thức online cho thấy: Có trên 84% các doanh nghiệp nhỏ và vừa gặp khó khăn do tái dịch Covid-19 lần thứ 4 này, trong đó thiếu vốn kinh doanh chiếm 40%, thị trường bị ảnh hưởng, thu hẹp chiếm 80%, phải cắt giảm lao động chiếm 52%, bị đứt chuỗi cung ứng nguyên liệu chiếm 14%, bị cản trở hoạt động kinh doanh do biện pháp cách ly xã hội phòng dịch chiếm trên 50%.

Còn theo số liệu theo dõi của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn thành phố có 1.365 doanh nghiệp báo cáo gặp khó khăn do dịch Covid-19, với hơn 42.500 công nhân mất việc hoặc ngừng việc; 410 doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn để trả lương cho công nhân. Có 2.274 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng gần 5% so với cùng kỳ; có hơn 9.300 doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động, tăng gần 23% so với cùng kỳ...

Theo lãnh đạo Hiệp hội Các doanh nghiệp TP. Hồ Chí Minh, mặc dù một số doanh nghiệp ở một số ngành công nghiệp trọng yếu đã nhanh chóng kết nối lại được nguồn nguyên liệu; điều chỉnh lại hoạt động phù hợp với các điều kiện hiện tại cùng với khả năng tiêu thụ sản phẩm, nhưng đang phải đối mặt với áp lực lớn nhất hiện nay là thiếu vốn và giá nguyên liệu tăng lên chưa biết điểm dừng, chi phí sản xuất tăng cao làm cho sức cạnh tranh thị trường giảm; Nhiều doanh nghiệp muốn tái cấu trúc, chuyển đổi sản phẩm, ứng dụng công nghệ mới, chuyển đổi số đẩy mạnh mua bán online… nhưng đang kẹt về vốn.

Do đó, Chủ tịch Hiệp hội Các doanh nghiệp Thành phố - Chu Tiến Dũng đề xuất triển khai nhanh các gói hỗ trợ Chính phủ ban hành theo nghị định 52/2021; các gói hỗ trợ an sinh xã hội do Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội ban hành cần khắc phục các rào cản mà lần hỗ trợ thứ nhất các doanh nghiệp gặp phải./.

(Bài thực hiện tuyên truyền theo Nghị quyết 84/NQ-CP của Chính phủ)

Gia Cư

Gia Cư

© Thời báo Tài chính Việt Nam