Chữa lành vết thương cho Trái Đất

19:40 | 05/06/2021 Print
Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) đã lựa chọn chủ đề của Ngày Môi trường thế giới (5/6) năm nay là “Phục hồi hệ sinh thái”, nhằm tập hợp sự đoàn kết của các quốc gia trong công cuộc bảo vệ và hồi sinh các hệ sinh thái trên thế giới, vì lợi ích của con người và thiên nhiên.

oi và hươu cao cổ sinh sống trong Vườn Quốc gia Hwange.

Voi và hươu cao cổ sinh sống trong Vườn Quốc gia Hwange.

Đây cũng là sự kiện khởi động cho Thập kỷ Liên hợp quốc (LHQ) về phục hồi hệ sinh thái (2021-2030), với mục tiêu chung là: phòng ngừa, ngăn chặn và đảo ngược sự tàn phá của không gian tự nhiên.

Theo Ủy ban Đa dạng sinh học LHQ, hệ sinh thái trên Trái Đất - nền tảng của sự sống - đang bị suy thoái với tốc độ chưa từng có trong lịch sử. Đa dạng sinh học cung cấp 18 dịch vụ cơ bản trên toàn cầu để duy trì các hoạt động sống và phát triển của con người. Tuy nhiên, 14/18 đóng góp này của thiên nhiên đang có xu hướng suy giảm trên toàn cầu. Bên cạnh đó, tỷ lệ độ che phủ rừng đã giảm từ 31,6% xuống còn 30,6% trong giai đoạn 1990 - 2015. Hệ sinh thái rạn san hô có sự suy giảm về chỉ số sống sót cao nhất, trong thời gian từ 1970 - 2015 đã giảm 35% xuống còn 25% số loài được nghiên cứu bị đe dọa tuyệt chủng. Khoảng 7 triệu loài động, thực vật khác cũng đang đứng trước nguy cơ "biến mất" do những tác động của con người gây ra.

Trong khi đó, việc tiêu thụ động vật hoang dã, phá hủy môi trường sống đã khiến các bệnh truyền nhiễm có nhiều khả năng lây sang người. “Sức khỏe” của hệ sinh thái càng suy giảm sẽ khiến "bức tường" miễn dịch giữa con người và mầm bệnh càng mong manh. Nếu không có sự thay đổi trong cách con người đối xử với thiên nhiên, đại dịch trong tương lai sẽ xảy ra thường xuyên, tổn hại nhiều sinh mạng và tác động nghiêm trọng đến kinh tế toàn cầu. Mức độ khốc liệt còn lớn hơn nhiều so với những gì đại dịch COVID-19 gây ra cho thế giới hiện nay.

Những tổn thất về đa dạng sinh học cùng biến đổi khí hậu đã và đang đe dọa đến tiến trình thực hiện phát triển bền vững của toàn cầu. Theo LHQ, kế sinh nhai của hơn 3 tỷ người trên thế giới phụ thuộc vào sự đa dạng sinh học biển và ven biển, trong khi 1,6 tỷ người kiếm sống nhờ vào rừng. Do đó, việc bảo tồn các loài sinh vật trên Trái Đất không còn trong khuôn khổ "lòng vị tha" mà có vai trò quan trọng để đảm bảo sự sống của con người.

Trong tuyên bố khởi động Thập kỷ LHQ về phục hồi hệ sinh thái, Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres cảnh báo Trái Đất đang tiến tới "thời điểm không thể quay đầu" khi nạn chặt phá rừng, tình trạng ô nhiễm sông ngòi và đại dương, các bãi cỏ bị cày xới... dường như rơi vào quên lãng. Ông nêu rõ: "Chúng ta đang tàn phá chính các hệ sinh thái vốn là nền tảng của xã hội. Sự suy thoái thế giới tự nhiên đang hủy hoại chính nguồn thực phẩm, nước và tài nguyên cần thiết để con người và các sinh vật tồn tại, cũng như cuộc sống của 3,2 tỷ người - tương đương 40% dân số thế giới".

Năm 2010, tại thành phố Nagoya (tỉnh Aichi, Nhật Bản), khoảng 190 quốc gia tham gia Công ước Đa dạng sinh học của LHQ đã thông qua một chiến lược hành động đến năm 2020 đầy tham vọng, nhằm giảm áp lực của xã hội con người đối với thế giới tự nhiên, bảo tồn đa dạng sinh học. Trong khuôn khổ công ước này, các nước đã đưa ra 20 mục tiêu về đa dạng sinh học đến năm 2020 nhằm bảo tồn đa dạng sinh học và phục hồi hệ sinh thái trên toàn cầu. Các quyết định của cuộc họp các bên liên quan lần thứ 12, 13 và 14 của Công ước Đa dạng sinh học đều kêu gọi các bên tham gia công ước xây dựng và thông qua các kế hoạch phục hồi hệ sinh thái. Một số mục tiêu của Chương trình nghị sự 2030 về phát triển bền vững có liên quan đến phục hồi hệ sinh thái cần những hành động khẩn cấp trên toàn cầu nếu muốn đạt được chỉ tiêu đề ra. Kế hoạch chiến lược của Công ước Ramsar giai đoạn 2016 - 2024 cũng bao gồm các mục tiêu về phục hồi hệ sinh thái đất ngập nước nhằm bảo tồn đa dạng sinh học và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Tuy nhiên, hệ sinh thái tiếp tục bị suy thoái nhanh chóng, các hệ sinh thái biển, từ ven biển đến biển sâu, hiện đang chịu những tổn thất nặng nề nhất trong lịch sử do các hoạt động của con người. Trong một nghiên cứu công bố trên Tạp chí Frontiers in Forest and Global Change, các nhà khoa học nhận định chỉ 3% diện tích đất trên thế giới (không bao gồm Nam Cực) vẫn còn nguyên vẹn về mặt sinh thái, với các quần thể động vật nguyên thủy khỏe mạnh và môi trường sống chưa bị xáo trộn. Sự đa dạng sinh học tự nhiên trên toàn cầu bị suy giảm nghiêm trọng bởi kỹ thuật canh tác hiện đại; nạn phá rừng; sự hủy hoại môi trường sống ở những vùng đầm lầy và trên đại dương...

Báo cáo của Diễn đàn liên chính phủ về Đa dạng sinh học và dịch vụ hệ sinh thái cũng chỉ ra rằng tốc độ tuyệt chủng của các loài trên toàn cầu đã tăng lên ít nhất hàng chục đến hàng trăm lần so với tốc độ trung bình trong 10 triệu năm qua và vẫn đang tiếp tục tăng nhanh. Ước tính, khoảng 7 triệu loài có nguy cơ tuyệt chủng trong khoảng 30 năm tới; 3/4 loài chim trên thế giới đang bị đe dọa; 1/4 loài có vú có khả năng biến mất khỏi Trái Đất.

Rạn san hô Great Barrier ở đảo Orpheus, Australia.
Rạn san hô Great Barrier ở đảo Orpheus, Australia.

Mặt khác, các mục tiêu Aichi đến năm 2020 gần như đều không đạt được. Trong 20 mục tiêu Aichi, chỉ có 4 mục tiêu có khả năng cao để đạt được, các mục tiêu còn lại được đánh giá là có khả năng đạt được thấp hoặc không đạt được. Báo cáo này cùng với Công ước Đa dạng sinh học nhấn mạnh thế giới cần tiến hành những nỗ lực khẩn cấp ngay bây giờ và hành động hiệu quả để ngăn chặn sự suy giảm hệ sinh thái đang diễn ra một cách nghiêm trọng.

LHQ quyết định giai đoạn 2021 - 2030 là thập niên về phục hồi hệ sinh thái dựa trên đề xuất của hơn 70 quốc gia, với mục tiêu thúc đẩy các nỗ lực toàn thế giới nhằm ngăn chặn và đảo ngược tình trạng suy thoái của các hệ sinh thái và nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của hệ sinh thái với cuộc sống của con người. LHQ nhấn mạnh rằng việc phục hồi và bảo tồn các hệ sinh thái góp phần quan trọng thực hiện Chương trình nghị sự 2030 về phát triển bền vững, Hiệp định Paris trong khuôn khổ Công ước khung của LHQ về biến đổi khí hậu và Khung đa dạng sinh học toàn cầu.

LHQ khuyến nghị các quốc gia tăng cường ý chí chính trị, huy động các nguồn lực, nâng cao năng lực về nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế để tạo động lực phục hồi hệ sinh thái ở cấp quốc gia, khu vực và địa phương; lồng ghép việc phục hồi hệ sinh thái vào các chính sách và kế hoạch phát triển quốc gia, từ đó tạo cơ hội cho các hệ sinh thái tăng khả năng thích ứng và cơ hội để duy trì, cải thiện sinh kế cho tất cả mọi người.

Các quốc gia xây dựng, thực hiện các chính sách, kế hoạch ngăn chặn sự suy thoái hệ sinh thái, phù hợp với luật pháp và ưu tiên quốc gia cũng như xây dựng, củng cố các sáng kiến nhằm tăng cường hiệu quả phục hồi hệ sinh thái; tạo điều kiện để hiệp lực và thống nhất một cách nhìn tổng thể nhằm đạt được cam kết, ưu tiên quốc gia thông qua phục hồi hệ sinh thái; thúc đẩy chia sẻ kinh nghiệm, thực hành tốt trong bảo tồn, phục hồi hệ sinh thái.

Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres nhấn mạnh: "Điều may mắn là Trái Đất có khả năng phục hồi và chúng ta vẫn còn thời gian để đảo ngược những thiệt hại mà mình đã gây ra. Bằng cách khôi phục các hệ sinh thái với những nỗ lực chưa từng có để chữa lành Trái Đất, chúng ta có thể thúc đẩy một sự chuyển đổi, góp phần đạt được tất cả các Mục tiêu phát triển nền vững". Theo ông Guterres, việc hoàn thành những mục tiêu này sẽ không chỉ bảo vệ tài nguyên của hành tinh, mà còn giúp tạo ra hàng triệu việc làm mới vào năm 2030, tạo ra lợi nhuận hơn 7.000 tỷ USD/năm và giúp xóa bỏ đói nghèo.

Rừng ngập mặn nguyên sinh Rú Chá thuộc xã Hương Phong, thị xã Hương Trà
Rừng ngập mặn nguyên sinh Rú Chá thuộc xã Hương Phong, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên - Huế (Việt Nam) có diện tích khoảng 5 ha, có chức năng ngăn mặn, bảo vệ nguồn lợi thủy sản và đất liền.

Việt Nam hiện nằm trong nhóm quốc gia có hệ sinh thái đa dạng sinh học và quan trọng nhất trên thế giới, cả về hệ sinh thái biển và trên cạn (đặc biệt là hệ sinh thái rừng và rừng ngập mặn). Việt Nam hiện có 173 khu bảo tồn với tổng diện tích hơn 2,5 triệu ha, trong đó có 33 vườn quốc gia, 66 khu dự trữ thiên nhiên, 18 khu bảo tồn loài và sinh cảnh cùng 56 khu bảo vệ cảnh quan. Đặc biệt, 9 cơ sở được công nhận là “khu dự trữ sinh quyển thế giới,” 3 cơ sở là “khu di sản thiên nhiên thế giới” do tổ chức UNESCO công nhận, 9 khu ramsar (đất ngập nước), 10 khu vườn di sản ASEAN.

Là một trong số những thành viên tích cực của cộng đồng quốc tế, Việt Nam luôn nỗ lực trong việc bảo vệ, phát triển các hệ sinh thái tự nhiên, loài sinh vật, các nguồn gene phong phú, đặc hữu, quý, hiếm và đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng cam kết chung tay cùng các quốc gia trong khu vực và trên thế giới, hợp tác để đẩy lùi tình trạng mất đa dạng sinh học vào năm 2030 để phát triển bền vững.

Như lời Tổng Thư ký LHQ Guterres, 10 năm tới là "cơ hội cuối cùng" để con người có thể chữa lành “những vết thương” do chính mình gây ra đối với Trái Đất, ngăn chặn biến đổi khí hậu, ô nhiễm và suy giảm đa dạng sinh học. Chỉ có hành động mạnh mẽ, con người mới có thể kết thúc 10 năm này bằng viễn cảnh sáng sủa: chung sống hòa bình với thiên nhiên và đảm bảo một tương lai tốt đẹp hơn cho tất cả mọi người.

Theo TTXVN

Theo TTXVN

© Thời báo Tài chính Việt Nam