Mức sống của người dân từng bước được cải thiện và nâng cao

14:17 | 28/05/2021 Print
Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa công báo kết quả sơ bộ khảo sát mức sống dân cư năm 2020 trên phạm vi 63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, bao gồm 46.995 hộ đại diện cho toàn quốc, khu vực thành thị, nông thôn, 6 vùng địa lý, tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương.

đời sống dân cư

Mức sống của người dân từng bước được nâng cao.

Theo đó, thu nhập bình quân người/tháng chung cả nước năm 2020 theo giá hiện hành đạt khoảng 4.230 nghìn đồng, giảm khoảng 2% so với năm 2019. Bình quân mỗi năm trong thời kỳ 2016 -2020, thu nhập người/tháng chung cả nước tăng 8,1%. Cụ thể, thu nhập bình quân người/tháng năm 2020 ở khu vực thành thị đạt 5.538 nghìn đồng, cao gấp gần 1,6 lần khu vực nông thôn (3.480 nghìn đồng). Nhóm hộ giàu nhất (nhóm gồm 20% dân số giàu nhất - nhóm 5) có thu nhập bình quân đạt 9.108 nghìn đồng/tháng cao gấp hơn 8 lần so với nhóm hộ nghèo nhất (nhóm gồm 20% dân số nghèo nhất - nhóm 1), với mức thu nhập đạt 1.139 nghìn đồng.

Trong tổng thu nhập năm 2020, tỷ trọng thu từ tiền lương, tiền công chiếm 55,3%, thu từ hoạt động tự làm nông, lâm nghiệp, thủy sản chiếm 11,2%, thu từ hoạt động tự làm phi nông, lâm nghiệp, thủy sản chiếm 22,9%, thu khác chiếm 10,6%. Cơ cấu thu nhập qua các năm đã có sự chuyển biến theo hướng tiến bộ hơn, trong đó tỷ trọng thu từ tiền lương, tiền công ngày càng tăng, ngược lại tỷ trọng thu từ hoạt động tự làm nông, lâm nghiệp, thuỷ sản ngày càng giảm, kết quả này phù hợp với sự chuyển dịch cơ cấu trong việc làm.

Theo kết quả khảo sát sơ bộ, đứng đầu cả nước là tỉnh Bình Dương với mức thu nhập bình quân đầu người đạt hơn 7 triệu đồng/tháng. Tiếp đến là TP. Hồ Chí Minh đạt 6,537 triệu đồng/người/tháng; Hà Nội đạt 5,981 triệu đồng/người/tháng.

Năm 2020, chi tiêu bình quân hộ gia đình cả nước là 2,89 triệu đồng/người/tháng, tăng 13% so với năm 2018. Năm 2020 là một năm người dân bị ảnh hưởng nặng nề do dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, có thể thấy rằng, chi tiêu năm này tăng chậm hơn so với thời kỳ trước (chi tiêu bình quân năm 2018 tăng 18% so với 2016). Trong đó, chi đời sống chiếm tỷ lệ cao trong tổng chi tiêu bình quân đầu người của hộ gia đình. Năm 2020 chi cho đời sống bình quân một người/tháng là 2,7 triệu đồng (chiếm tới 93% trong tổng chi tiêu hộ gia đình), trong đó chi cho ăn uống bình quân đầu người một tháng xấp xỉ 1,69 triệu đồng và không phải ăn uống là xấp xỉ 1,2 triệu đồng.

Tiêu dùng lương thực, thực phẩm qua số liệu cho thấy các hộ gia đình có xu hướng giảm dần việc tiêu thụ tinh bột, như việc lượng gạo tiêu thụ giảm dần qua các năm, từ 9,7 kg/người/tháng năm 2010 xuống còn 8,1 kg/người/tháng năm 2018 và chỉ còn 7,6 kg/người/tháng năm 2020. Bên cạnh đó, lượng tiêu thụ thịt các loại có xu hướng tăng nhẹ qua các năm, từ 1,8 kg/người/tháng năm 2010 lên 2,3 kg/người/tháng năm 2020. Tiêu thụ trứng tăng trong năm 2020, chủ yếu do năm 2020 bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19 và các đợt giãn cách xã hội, trứng là mặt hàng các hộ gia đình ưa chuộng sử dụng để bổ sung dinh dưỡng thay vì các loại khác.

Theo kết quả Tổng cục Thống kê công bố, trong giai đoạn 2010 - 2020, chất lượng nguồn nước sinh hoạt của hộ gia đình được nâng cao một cách rõ rệt. Tỷ lệ hộ có nguồn nước hợp vệ sinh năm 2020 là 97,4%, tăng 6,9 điểm phần trăm so với năm 2010.

Việc sử dụng điện sinh hoạt cũng là một trong số các chiều quan trọng phản ánh đời sống cư dân. Ở nước ta, việc đưa điện lưới quốc gia đến từng hộ gia đình, vùng miền ở mức rất cao, năm 2020, tỷ lệ hộ sử dụng điện sinh hoạt đạt 99,5%, trong đó gần như không có sự khác biệt đáng kể giữa các khu vực thành thị - nông thôn và giữa các vùng miền, địa phương. Thực tế số liệu cho thấy tại nhiều địa phương, tỷ lệ này đã đạt 100% từ nhiều năm qua.

Năm 2020, tỷ lệ hộ gia đình sống trong nhà kiên cố và bán kiên cố lên tới 95,6%, chỉ có một tỷ lệ rất nhỏ hộ gia đình sống trong nhà thiếu kiên cố và nhà đơn sơ, không hẳn là do điều kiện kinh tế kém mà đôi khi do điều kiện tự nhiên, phong tục tập quán lâu đời, ví dụ các hộ gia đình khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và Trung du và miền núi phía Bắc.

Theo nhận định của Tổng cục Thống kê, trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 còn không ít khó khăn, thách thức do vừa phải chống dịch vừa phải đảm bảo phát triển kinh tế - xã hội nhưng tỷ lệ hộ nghèo vẫn giảm do Chính phủ thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội. Tuy nhiên, mức sống vẫn có sự cách biệt giữa thành thị và nông thôn, giữa nhóm dân cư giàu và nghèo, giữa các vùng. Đây là vấn đề đòi hỏi các nhà hoạch định chính sách phải tiếp tục quan tâm giải quyết./.

Theo Dangcongsan.vn

Theo Dangcongsan.vn

© Thời báo Tài chính Việt Nam