Khu vực miền núi phía Bắc: Thiệt hại khoảng 25 tỷ đồng do thiên tai

17:51 | 27/04/2021 Print
Từ đầu năm đến nay, khu vực miền núi phía Bắc thiên tai đã làm 3 người chết, 1 người bị thương; 320 nhà bị hư hại, tốc mái; 1.086 con gia súc bị chết, thiệt hại về kinh tế ước tính là 25 tỷ đồng...

Ngày 27/4/2021, tại Phú Thọ, Ban Chỉ đạo trung ương về Phòng, chống thiên tai (PCTT) tổ chức hội nghị "Phòng, chống thiên tai khu vực miền núi phía Bắc năm 2021". Hội nghị nhằm đánh giá công tác về công tác PCTT năm 2020, phân tích diễn biến tình hình thiên tai đầu năm 2021 để chuẩn bị phương án ứng phó cho mùa thiên tai trọng điểm 2021 tại khu vực miền núi phía Bắc.

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo trung ương về PCTT, năm 2020, tại khu vực miền núi nước ta, tình trạng mưa lớn kéo dài đã gây ra tình trạng sạt lở đất, lũ quét đặc biệt nghiêm trọng, diện rộng ở nhiều nơi, gây thiệt hại lớn về người và tài sản.

Trong những tháng đầu năm 2021, trong khu vực đã xảy ra một số đợt rét đậm, rét hại, giông lốc, sét, mưa đá, đặc biệt là mặc dù chưa bước vào mùa mưa, song một số địa phương đã xảy ra hiện tượng lũ ống, lũ quét gây thiệt hại về người và tài sản. Đây là điều hiếm gặp, báo hiệu một năm thiên tai diễn biến khó lường trong khu vực.

Thiên tai tại khu vực từ đầu năm đến nay đã làm 3 người chết, 1 người bị thương; 320 nhà bị hư hại, tốc mái; 1.086 con gia súc bị chết, thiệt hại về kinh tế ước tính là 25 tỷ đồng.

Nhằm thực hiện tốt công tác PCTT và tìm kiếm cứu nạn trong thời gian tới, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo trung ương về PCTT Lê Minh Hoan đề nghị các địa phương trong khu vực cần khắc phục những hạn chế, tồn tại trong công tác PCTT; chủ động phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan triển khai công tác PCTT đi vào chiều sâu, hiệu quả; tập trung quán triệt nghiêm các văn bản pháp luật về PCTT, đặc biệt là Chỉ thị số 42-CT/TW của Ban Bí thư.

Đồng thời, các địa phương cần chỉ đạo triển khai các hoạt động thông tin truyền thông phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương; bố trí nguồn lực để triển khai Đề án nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng đến năm 2030, gắn xây dựng cộng đồng an toàn với thực hiện tiêu chí: chủ động PCTT trong xây dựng nông thôn mới; ưu tiên bố trí nguồn ngân sách trong kế hoạch trung hạn 2021 - 2025 địa phương, quỹ PCTT cho phòng, chống thiên tai đặc biệt là các công trình phòng chống lũ quét, sạt lở đất, hệ thống đê điều, hồ chứa; điều tra, khảo sát, quy hoạch lại không gian phát triển địa phương phù hợp với kế hoạch PCTT...

Ông Mai Văn Khiêm – Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia nhận định, trong khoảng thời gian từ tháng 4 đến tháng 7, khu vực Bắc Bộ sẽ có khả năng xuất hiện những trận giông mạnh xảy ra kèm lốc, sét, mưa đá ở nhiều tỉnh, thành phố.

Từ tháng 4 đến tháng 10, tổng lượng mưa phổ biến xấp xỉ so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ, riêng tháng 4, 5 và các tháng 8, 9 tổng lượng mưa có xu hướng cao hơn trung bình nhiều năm cùng thời kỳ khoảng 10 - 20%. Tháng 11 và tháng 12, bước sang giai đoạn ít mưa trên khu vực. Mưa lớn ở khu vực sẽ tập trung nhiều vào thời điểm tháng 6 - 9, đề phòng mưa lớn cục bộ trong thời đoạn ngắn, nguy cơ cao gây lũ quét và sạt lở đất đá.

Mùa mưa lũ năm 2021, đỉnh lũ trên các trên các lưu vực sông khu vực Bắc Bộ phổ biến ở mức bão động 1 – báo động 2 (BĐ1-BĐ2), riêng thượng lưu sông Thao có khả năng xuất hiện lũ ở mức BĐ2- BĐ3. Các đợt lũ vừa và lũ lớn sẽ tập trung trong các tháng 8-9. Nguy cơ lũ quét và sạt lở đất xuất hiện sớm tại vùng núi khu vực Tây Bắc và Việt Bắc...

Diệu Hoa

Diệu Hoa

© Thời báo Tài chính Việt Nam