Hà Nội huy động hơn 9.441 tỷ đồng xây dựng nông thôn mới

20:50 | 23/04/2021 Print
Hiện nay, Hà Nội có 12/18 huyện, thị xã đạt chuẩn nông thôn mới. Thời gian tới, Hà Nội sẽ tập trung nguồn lực cho 5 huyện và 14 xã chưa “về đích” nông thôn mới; đồng thời phấn đấu nâng thu nhập bình quân của người nông dân lên 60 triệu đồng/năm.

Chiều 23/4, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội, Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình 04-CTr/TU của Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến đã chủ trì hội nghị giao ban, đánh giá kết quả thực hiện Chương trình đến hết quý I, triển khai nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm 9 tháng cuối năm 2021.

Báo cáo tại hội nghị, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết, trong quý I/2021, Ban Chỉ đạo Chương trình 04-CTr/TU về “Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân giai đoạn 2021 - 2025” đã tập trung tham mưu xây dựng để Thành ủy ban hành Chương trình 04-CTr/TU vào ngày 17/3/2021, đồng thời kiểm tra, đôn đốc tiến độ xây dựng nông thôn mới tại 4 huyện; kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho cơ sở để hoàn thành các chỉ tiêu theo kế hoạch.

Kết quả, toàn thành phố có thêm 5 huyện (Thạch Thất, Thường Tín, Thanh Oai, Phúc Thọ, Sóc Sơn) được Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, nâng tổng số huyện đạt chuẩn lên 12/18 huyện, thị xã. Riêng huyện Phú Xuyên đã hoàn thiện hồ sơ trình Hội đồng thẩm định trung ương xem xét. Với 5 huyện còn lại, có 3 huyện (Chương Mỹ, Mê Linh, Ứng Hòa) đăng ký đạt chuẩn nông thôn mới trong năm 2021; 2 huyện (Ba Vì, Mỹ Đức) đăng ký đạt chuẩn nông thôn mới trong năm 2022.

Về xây dựng xã nông thôn mới và nông thôn mới nâng cao, trong quý I/2021, Hà Nội đánh giá và công nhận thêm 6 xã đạt chuẩn nông thôn mới và 23 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; nâng tổng số xã đạt chuẩn nông thôn mới lên 368/382 xã (chiếm 96,3%) và 29 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao...

Đáng chú ý, quý I, toàn thành phố huy động trên 9.441 tỷ đồng thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới; giải quyết việc làm cho khoảng 30 nghìn lao động; ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay các đối tượng hộ nghèo, hộ chính sách với tổng số tiền 199 tỷ đồng...

Phát biểu tại hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến nhấn mạnh, nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới từ nay đến cuối năm 2021 còn rất nặng nề.

Vì vậy, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy đề nghị tập trung mọi nguồn lực và quyết tâm để hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới tại 5 huyện và 14 xã chưa “về đích” xây dựng nông thôn mới. Trong đó, các huyện: Ứng Hòa, Chương Mỹ, Mê Linh tập trung đẩy nhanh tiến độ rà soát, hoàn thiện hồ sơ trình Hội đồng thẩm định trung ương xem xét, công nhận đạt chuẩn nông thôn mới trong năm 2021.

Đối với huyện Ba Vì và Mỹ Đức, phải đánh giá kết quả thực hiện từng chỉ tiêu, tiêu chí xây dựng nông thôn mới, từ đó xây dựng kế hoạch, giải pháp cụ thể và đẩy nhanh tiến độ thực hiện các tiêu chí, hoàn thiện hồ sơ công nhận nông thôn mới đối với 14 xã, trình UBND thành phố trong tháng 9/2021.

Đặc biệt, đối với các huyện và thị xã Sơn Tây đã hoàn thành xây dựng nông thôn mới, cần tiếp tục rà soát kết quả các tiêu chí để thực hiện xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao và nông thôn mới kiểu mẫu.

Cùng với việc đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy đề nghị các sở, ngành, địa phương tiếp tục củng cố, kiện toàn, đổi mới, phát triển kinh tế tập thể, thúc đẩy kinh tế trang trại... thông qua đó nâng cao thu nhập, đời sống nông dân một cách bền vững, phấn đấu đến hết năm 2021, thu nhập bình quân của người dân nông thôn đạt 60 triệu đồng/năm.

Diệu Hoa

Diệu Hoa

© Thời báo Tài chính Việt Nam