Bảo đảm chính xác trong lựa chọn tổng mức đầu tư xây dựng

17:04 | 25/03/2021 Print
Nghị định số 10/2021/NĐ-CP mới ban hành của Chính phủ hy vọng sẽ bảo đảm sự chính xác trong lựa chọn phương pháp xác định tổng mức đầu tư xây dựng...

xaydung

Ảnh minh họa.

Gỡ vướng mắc triển khai dự án theo tuyến

Theo Cục Kinh tế xây dựng, Bộ Xây dựng, một số quy định về quản lý chi phí đầu tư xây dựng của Luật Xây dựng số 50/2014/QH13 đã được sửa đổi, bổ sung tại Luật Xây dựng số 62/2020/QH14.

Do đó, Nghị định số 68/2019/NĐ-CP về quản lý chi phí đầu tư xây dựng cần được rà soát, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với Luật Xây dựng số 62/2020/QH14 và các quy định có liên quan tại một số luật mới ban hành (Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư sửa đổi, Luật Doanh nghiệp sửa đổi, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư…). Nghị định số 10/2021/NĐ-CP ban hành ngày 09/02/2021 thay thế Nghị định số 68/2019/NĐ-CP, bảo đảm sự chính xác trong lựa chọn phương pháp xác định tổng mức đầu tư xây dựng.

Cụ thể, Nghị định số 10/2021/NĐ-CP quy định giao cơ quan, tổ chức được giao nhiệm vụ chuẩn bị dự án hoặc chủ đầu tư (trong trường hợp đã xác định được chủ đầu tư) tổ chức lập, thẩm định và phê duyệt dự toán chi phí các công việc ở giai đoạn chuẩn bị dự án.

Loại bỏ quy định việc thẩm tra phục vụ thẩm định tổng mức đầu tư xây dựng chỉ thực hiện đối với các dự án quan trọng quốc gia, dự án nhóm A hoặc dự án có kỹ thuật phức tạp, sử dụng công nghệ cao; bổ sung, quy định rõ phạm vi, nội dung cần thẩm định đối với tổng mức đầu tư xây dựng điều chỉnh;quy định cụ thể trường hợp cần có ý kiến thẩm định của cơ quan chuyên môn về xây dựng, trường hợp chỉ cần các cơ quan chuyên môn của người quyết định đầu tư kiểm tra để giảm thiểu thủ tục.

Nội dung về thẩm quyền phê duyệt tổng mức đầu tư xây dựng điều chỉnh được dẫn chiếu sang Nghị định quy định chi tiết một số nội dung về quản lý dự án đầu tư xây dựng để đảm bảo bao quát tất cả các trường hợp cũng như đảm bảo sự thống nhất giữa các quy định.

Nghị định số 10/2021/NĐ-CP quy định rõ ràng, cụ thể hơn đối với dự toán gói thầu xây dựng. Theo đó, dự toán gói thầu xây dựng có thể xác định theo dự toán xây dựng công trình đã phê duyệt hoặc được xác định từ thiết kế triển khai sau thiết kế cơ sở khi người quyết định đầu tư cho phép, góp phần tạo hành lang pháp lý khi thực hiện và tháo gỡ những vướng mắc trong thực tiễn triển khai thực hiện các dự án xây dựng công trình theo tuyến, các dự án có quy mô lớn triển khai theo từng giai đoạn (phân kỳ đầu tư).

Quy định giao chủ đầu tư thực hiện thẩm định, phê duyệt dự toán chi phí các công việc chuẩn bị để lập thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở và các chi phí tính chung cho cả dự án,góp phần hạn chế phát sinh thủ tục không cần thiết và đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án.

Ngoài ra, Nghị định số 10/2021/NĐ-CP loại bỏ, sửa đổi, bổ sung tương tự như đối với các quy định về tổng mức đầu tư xây dựng đối với các quy định về việc mời tổ chức, cá nhân tham gia thẩm định hoặc yêu cầu thẩm tra dự toán xây dựng công trình; phạm vi, nội dung thẩm định; thẩm quyền phê duyệt dự toán xây dựng công trình cũng được.Những vướng mắc liên quan đến sử dụng chi phí dự phòng trong dự toán xây dựng đã được tháo gỡ.

Nâng cao trách nhiệm của chủ đầu tư

Nghị định số 10/2021/NĐ-CP quy định quá trình lập dự toán, tổ chức, cá nhân lập dự toán xây dựng có trách nhiệm lập danh mục các định mức dự toán mới, định mức dự toán cần điều chỉnh và tổ chức xác định các hao phí định mức; chủ đầu tư xem xét, quyết định việc sử dụng các định mức này, nhằm tháo gỡ vướng mắc và phát huy tính chủ động, nâng cao trách nhiệm của chủ đầu tư trong quản lý thực hiện dự án.

Giới hạn lại các trường hợp phải khảo sát; quy định cụ thể các nội dung chuẩn xác lại định mức; quy định rõ mục đích của việc khảo sát, chuẩn xác lại định mức, nhằm tháo gỡ bất cập trong thực hiện các quy định trước, tiết kiệm nguồn lực, hạn chế tranh chấp và ý kiến khác nhau trong thanh quyết toán hợp đồng và vốn đầu tư xây dựng.

Quy định các nội dung về giá xây dựng công trình xác định trên cơ sở định mức dự toán và giá các yếu tố đầu vào phù hợp với mặt bằng giá thị trường; theo đơn giá xây dựng do UBND cấp tỉnh công bố; trên cơ sở giá thị trường hoặc theo giá tương tự tại các công trình đã thực hiện.

Thẩm quyền công bố các thông tin về giá vật liệu xây dựng, thiết bị công trình, đơn giá nhân công xây dựng, giá ca máy và thiết bị thi công, giá thuê máy và thiết bị thi công xây dựng được phân cấp, ủy quyền cho Sở Xây dựng (thay vì UBND cấp tỉnh). Tần suất công bố các thông tin về giá nói trên cũng được sửa đổi theo hướng giảm để tránh lãng phí nguồn lực, phù hợp với tình hình biến động của từng địa phương.

Sửa đổi, bổ sung một cách cụ thể, rõ ràng hơn các quy định về hệ thống cơ sở dữ liệu về định mức xây dựng, giá xây dựng công trình và chỉ số giá xây dựng, nguyên tắc xây dựng, quản lý hệ thống, trách nhiệm của Bộ Xây dựng, Bộ quản lý công trình xây dựng chuyên ngành, UBND cấp tỉnh và các chủ thể có liên quan trong xây dựng, quản lý, vận hành hệ thống, cung cấp và kiểm soát thông tin.

Chỉnh lý, sửa đổi, bổ sung một số quy định khác về thuê tư vấn nước ngoài, sửa đổi phạm vi chi phí quản lý dự án, sửa đổi quy định về trách nhiệm của các chủ thể trong quản lý chi phí đầu tư xây dựng,… Việc quy định về xử lý chuyển tiếp đã bao quát các trường hợp trong thực tế, hạn chế tối đa những khoảng trống trong quá trình tổ chức thực hiện.

Nghị định số 10/2021/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 9/2/2021, tuy nhiên, theo Phòng Kinh tế và Vật liệu xây dựng của một Sở Xây dựng, hiện nay chưa có những nội dung quy định về chi phí thẩm định, thẩm tra Báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng, chi phí thẩm tra dự toán xây dựng, chi phí thẩm định dự án đầu tư xây dựng, phí thẩm định dự toán xây dựng nên sẽ có ảnh hưởng không nhỏ đến việc tổ chức thực hiện dự án.

Kỳ vọng, Nghị định số 10/2021/NĐ-CP đi vào thực tiễn cùng với các thông tư hướng dẫn sớm được ban hành sẽ góp phần nâng cao chất lượng, đẩy nhanh tiến độ, nâng cao hiệu quả đầu tư dự án công, tạo thị trường xây dựng cạnh tranh, minh bạch, chống thất thoát, lãng phí trong đầu tư xây dựng.

Theo lãnh đạo Cục Quản lý chất lượng công trình giao thông, Bộ GTVT, hiện nay Bộ GTVT đang nghiên cứu rà soát các định mức đơn giá các công trình giao thông phấn đấu đến tháng 6/2021 sẽ hoàn thành. Trong quá trình đó sẽ phối hợp sát sao với Cục Kinh tế xây dựng, Bộ Xây dựng.

Tuy nhiên, có một vướng mắc khó khăn là điều 43 của Nghị định quy định các bộ quản lý công trình xây dựng chuyên ngành sẽ phải căn cứ phương pháp lập định mức xây dựng do Bộ Xây dựng hướng dẫn, tổ chức xây dựng và ban hành các định mức xây dựng cho các công tác xây dựng đặc thù của chuyên ngành.

Định kỳ rà soát hệ thống định mức xây dựng do mình ban hành và gửi những định mức xây dựng mới, định mức xây dựng điều chỉnh về Bộ Xây dựng để theo dõi quản lý theo quy định mới nhưng khái niệm công trình xây dựng đặc thù của chuyên ngành lại chưa được quy định rõ ràng nên trong công tác công bố định mức đơn giá thì ranh giới giữa các lĩnh vực của Bộ GTVT quản lý chuyên ngành và Bộ Xây dựng rất khó phân định./.

Trí Dũng

Trí Dũng

© Thời báo Tài chính Việt Nam