Phát triển y tế cơ sở, giúp giảm quá tải tuyến trên

23:40 | 11/03/2021 Print
Nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh tuyến y tế cơ sở là giải pháp tối ưu và lâu dài trong vấn đề giảm quá tải bệnh viện tuyến trên, người dân được chăm sóc sức khỏe ban đầu ngay tại địa phương. Thời gian qua, Bộ Y tế đã thực hiện nhiều giải pháp thực hiện nhiệm vụ này.

người

Người dân được khám và theo dõi sức khỏe ngay tại trạm y tế xã. Ảnh: TL.

Xây dựng mạng lưới y tế không giới hạn giữa các tuyến

Theo PGS.TS Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế), việc ra đời Đề án “Khám, chữa bệnh từ xa” giai đoạn 2020 - 2025 với quan điểm chủ đạo là “Chất lượng khám, chữa bệnh vươn cao, vươn xa”. Thông điệp này có ý nghĩa giúp tăng cường năng lực chuyên môn của các bệnh viện tuyến dưới; đồng thời các kiến thức chuyên môn của tuyến trên được lan tỏa xa hơn tới mọi người dân trên khắp các vùng miền của Tổ quốc.

Đề án đề ra mục tiêu mọi người dân đều được quản lý, tư vấn, khám bệnh, chữa bệnh, hỗ trợ chuyên môn của các bác sỹ từ tuyến xã đến tuyến trung ương; người dân được sử dụng dịch vụ y tế có chất lượng của tuyến trên ngay tại cơ sở y tế tuyến dưới. Các cơ sở y tế được hỗ trợ chuyên môn thường kỳ và đột xuất từ các bệnh viện tuyến cuối dựa trên nền tảng công nghệ thông tin; góp phần phòng chống dịch bệnh, giảm quá tải bệnh viện tuyến trên, nâng cao chất lượng, hiệu quả khám, chữa bệnh và sự hài lòng của người dân.

PGS.TS Lương Ngọc Khuê cho biết, trong giai đoạn phòng chống dịch bệnh Covid-19, Bộ Y tế đã áp dụng giải pháp công nghệ thông tin triển khai hoạt động tư vấn điều trị từ xa rất hiệu quả. Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19 đã thành lập Trung tâm quản lý, điều hành hỗ trợ chuyên môn chẩn đoán, điều trị người bệnh Covid -19. Trung tâm thường xuyên tổ chức hội chẩn trực tuyến, mời các giáo sư đầu ngành cả nước cùng hội chẩn các ca bệnh nặng, bàn các phương pháp điều trị tối ưu cho người bệnh, cùng chia sẻ kinh nghiệm điều trị, chăm sóc người bệnh.

Cũng trong đợt dịch Covid-19, chỉ sau 45 ngày, Việt Nam đã khai trương 1.000 điểm khám chữa bệnh từ xa và hiện số lượng bệnh viện tham gia mạng lưới này vượt trên 1.500 cơ sở, giúp người dân được tiếp cận dịch vụ y tế tuyến trên ngay tại tuyến dưới. Trong đó, mục tiêu chuyển đổi số y tế đến 2025, 100% cơ sở y tế sẽ tham gia khám chữa bệnh từ xa, bao gồm cả hệ thống y tế tư nhân.

Đầu tư nâng cao chất lượng dịch vụ y tế cơ sở

Để nâng cao hơn nữa chất lượng dịch vụ tuyến y tế cơ sở, ông Nguyễn Nam Liên - Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính (Bộ Y tế) cho biết, Bộ Y tế sẽ tiếp tục hoàn thiện Thông tư thay thế Thông tư số 37/2016/TT-BYT hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Trung tâm y tế huyện. Đồng thời, rà soát chỉnh sửa, bổ sung danh mục thuốc, dịch vụ khám, chữa bệnh tại trạm y tế xã; xây dựng giá dịch vụ y tế dự phòng, nâng cao sức khỏe.

Xây dựng Đề án tổng thể nâng cao chất lượng công tác y tế xã tại khu vực đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn theo Nghị quyết số 88/2019/QH14 của Quốc hội khóa XIV. Trong đó, ngày 25/8/2020, Bộ Y tế ký kết thỏa thuận triển khai Dự án “Đầu tư xây dựng và phát triển hệ thống y tế tuyến cơ sở”. Tổng vốn dự án là 126,25 triệu USD, bao gồm, vốn vay Ngân hàng Thế giới (WB) là 80 triệu USD; vốn viện trợ không hoàn lại là 25 triệu USD; vốn đối ứng là 21,25 triệu USD. Cơ quan chủ quản dự án là Bộ Y tế và 13 UBND tỉnh, dự án được triển khai trong 5 năm (2020-2024).

Theo ông Liên, công tác quản lý bệnh không lây nhiễm tại y tế cơ sở được tăng cường. Tỷ lệ trạm y tế xã triển khai dự phòng, quản lý điều trị một số bệnh không lây nhiễm như tăng huyết áp, đái tháo đường… tăng từ 56,7% năm 2016 lên 77,3% năm 2020. Đặc biệt, trong thời gian phòng chống dịch Covid-19, y tế cơ sở đã có vai trò quan trọng trong cả phòng, chống dịch và chăm sóc sức khỏe người dân, đặc biệt là người cao tuổi, người mắc bệnh mạn tính tại cộng đồng.

Mạng lưới y tế cơ sở phát huy vai trò của mình với phương châm “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng”, giám sát, điều tra dịch tễ người đi đến từ vùng dịch để có biện pháp xử lý kịp thời.

“Ngoài ra, tỷ lệ trạm y tế xã có đủ điều kiện khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế tăng từ 90% năm 2016 lên 92,8% năm 2020; tỷ lệ trạm y tế xã thực hiện được trên 80% danh mục dịch vụ kỹ thuật của tuyến xã tăng từ 30% năm 2016 lên 48,8% năm 2020; tỷ lệ trung tâm y tế huyện thực hiện được tối thiểu 80% danh mục dịch vụ kỹ thuật của tuyến huyện tăng từ 22,7% năm 2016 lên 42,1% năm 2020; tỷ lệ xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế xã tăng từ 76,2% năm 2016 lên 94,4% năm 2020; tỷ lệ dân số được quản lý, theo dõi sức khỏe từ 0,2% năm 2016 lên 45,6% năm 2020” - ông Liên cho hay./.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long yêu cầu lãnh đạo sở y tế các địa phương và thủ trưởng y tế các bộ, ngành chỉ đạo các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa tuyến tỉnh hỗ trợ chuyển giao kỹ thuật và chuyên môn kỹ thuật cho tuyến dưới, chuyển một số bệnh mạn tính ở thể trung bình và nhẹ về tuyến huyện và xã quản lý.

Sở y tế các tỉnh chỉ đạo các cơ sở khám chữa bệnh tuyến huyện, tuyến xã thực hiện các giải pháp về nâng cao chất lượng tuyến y tế cơ sở, chú ý tập trung nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu về chuyên môn trong khám chữa bệnh, đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của người tham gia bảo hiểm y tế và giảm thiểu tình trạng người bệnh tự đi khám chữa bệnh tại tuyến tỉnh, tuyến trung ương.

Văn Nam

Văn Nam

© Thời báo Tài chính Việt Nam