Giá tiêu tăng cao, cơ hội cho người dân vượt khó, thoát nghèo

10:23 | 10/03/2021 Print
Sau nhiều năm mất mùa, mất giá, mấy ngày qua, giá tiêu tăng mạnh đồng loạt vượt mốc 60.000 đồng/kg, được xem là cơ hội tốt cho người trồng tiêu ở Gia Lai cũng như cả nước sớm vượt qua khó khăn.

anh moi

Cây tiêu sắp đến kỳ thu hoạch tại Chư Sê, Gia Lai. Ảnh:Gia Cư

Nhu cầu tăng mạnh

Ghi nhận giá hồ tiêu đồng loạt tăng đột biến trong những ngày qua vượt mốc 60.000 kg và dao động từ 60.000-62.000 đồng/kg không chỉ tại các tỉnh Tây Nguyên mà tại hầu hết các tỉnh có diện tích trồng tiêu trong cả nước.

Theo ông Hoàng Phước Bính - Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê, Gia Lai: “Với giá thu mua 60 ngàn đồng/kg thì người trồng hồ tiêu bắt đầu có lãi và tích lũy để tái đầu tư. Bởi lẽ, liên tục trong nhiều năm qua, giá hồ tiêu nằm ở mức thấp. Bên cạnh đó, cây chết rất nhiều do bị bệnh, việc kiến thiết vườn cây cũng mất nhiều thời gian và vốn liếng”.

Ông Nguyễn Tấn Công - Chủ tịch Hội đồng Quản trị Hợp tác xã Nông nghiệp và Dịch vụ Nam Yang, huyện Đak Đoa, Gia Lai cho biết, nếu giá hồ tiêu thông thường là 57-60 ngàn đồng/kg thì hồ tiêu hữu cơ được thu mua 70-75 ngàn đồng/kg. Hiện tại, các doanh nghiệp đang đẩy mạnh thu mua. Tuy nhiên, do mới vào chính vụ thu hoạch nên sản lượng chưa được nhiều.

“Hiện hợp tác xã có 60 ha hồ tiêu của 110 hộ thành viên, năm nay, năng suất vườn cây giảm đến 35% so với niên vụ trước. Bình thường có thể đạt 5-6 tấn/ha nhưng nay chỉ đạt 3-4 tấn/ha”- ông Công cho biết thêm.

Ông Hoàng Phước Bính - Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê, Gia Lai cũng cho biết, giá hồ tiêu đang được dự báo sẽ còn tăng cao hơn nữa, bởi nguồn hàng đang khan hiếm.

Hiện nay, hầu như nguồn dự trữ hồ tiêu trong dân cũng như các đại lý đã cạn kiệt, lượng hàng tồn không nhiều, trong khi các doanh nghiệp lớn đang bắt đầu mạnh tay mua hàng dự trữ để phục vụ cho xuất khẩu. Bên cạnh các đại lý thu mua tại địa phương thì một số thương lái Trung Quốc cũng đang thu mua hồ tiêu nguyên liệu của Việt Nam, gồm cả tiêu đen và tiêu trắng.

Theo phân tích của các chuyên gia kinh tế, giá tiêu trong nước tăng mạnh cùng với dự báo tiếp tục tăng trưởng trong những tháng tới hiện đang rất có lợi cho người dân.

Tuy nhiên, cũng theo phân tích của các chuyên gia, mặc dù giá tiêu trên thị trường đang tăng và có lợi cho người nông dân, nhưng do mấy năm trước giá tiêu thấp nên người nông dân không đầu tư phát triển khiến sản lượng thu hoạch tiêu thấp.

Sản xuất liên kết, hữu cơ để tăng thêm giá trị

Nhiều hộ trồng tiêu ở Gia Lai cho rằng, so với niên vụ trước, năng suất hồ tiêu giảm đáng kể do thời tiết thất thường. Tuy nhiên, với những vườn cây được sản xuất theo hướng liên kết, hữu cơ, có phương pháp canh tác tốt và chi phí đầu tư hợp lý thì với giá bán 60 nghìn đồng/kg, người trồng có lãi 50-70 triệu đồng/ha. Ngược lại, những vườn cây có suất đầu tư lớn hơn thì lãi sẽ giảm đi.

Ông Nguyễn Tấn Công - Chủ tịch Hội đồng Quản trị Hợp tác xã Nông nghiệp và Dịch vụ Nam Yang, huyện Đak Đoa, Gia Lai cho rằng, hiện nay, nhiều nông dân bắt đầu thay đổi nhận thức và định hướng canh tác như: xen canh hồ tiêu vào vườn cà phê, quản lý tốt dịch hại, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, hướng đến sản xuất hữu cơ…

“Hợp tác xã đã đầu tư xây dựng nhà máy chế biến với công suất 1 tấn hồ tiêu/giờ. Dự kiến, nhà máy sẽ hoạt động vào đầu tháng 4/2021. Đây là giải pháp hiệu quả để nâng cao giá trị sản phẩm sau chế biến, góp phần tạo thu nhập ổn định cho người trồng hồ tiêu.” - ông Công cho hay.

Qua khảo sát của Hiệp hội hồ tiêu Chư Sê cho thấy, nhiều vườn cây tại các vùng “thủ phủ” hồ tiêu của tỉnh, mặc dù phát triển xanh tốt nhưng năng suất không đạt. “Cây hồ tiêu chỉ cần thiếu chăm sóc trong 1 năm là đã xuống cấp, vì vậy chúng tôi tiếp tục khuyến cáo người dân không tăng diện tích và chú trọng đầu tư theo hướng hữu cơ, VietGAP. Đồng thời, đẩy mạnh liên kết sản xuất với hợp tác xã, doanh nghiệp và áp dụng các phương pháp chế biến đưa ra các sản phẩm: tiêu ngũ sắc, tiêu sọ, tiêu đỏ, tiêu vàng, tiêu xanh” – đại diện Hiệp hội hồ tiêu Chư Sê, Gia Lai khuyến cáo.

Theo số liệu từ Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Gia Lai, toàn tỉnh hiện có 13.673 ha hồ tiêu, trong đó có 12.582 ha đang kinh doanh. Về định hướng trong thời gian tới, ông Lưu Trung Nghĩa - Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT cho biết: “Ngành nông nghiệp sẽ duy trì diện tích trồng hồ tiêu khoảng 12.300 ha, năng suất đạt bình quân khoảng 4 tấn/ha. Đồng thời, mở rộng mô hình trồng hồ tiêu ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ; sử dụng các giống có năng suất, chất lượng cao, có khả năng chống chịu sâu bệnh”./.

Theo Hiệp hội hồ tiêu Việt Nam, tổng nhu cầu tiêu thụ hồ tiêu của thế giới khoảng 500 nghìn tấn/năm, Việt Nam xuất khẩu trên 280.000 tấn/năm, chiếm khoảng 56% thị trường hồ tiêu thế giới. Năm nay, dù diện tích hồ tiêu của Việt Nam có giảm, nhưng có nhiều nhận định cho rằng lượng tiêu xuất khẩu sẽ không thấp hơn mức 60%, vì có một số vùng trồng tiêu ở Campuchia không tự xuất khẩu được đã đưa qua Việt Nam, góp phần nâng tổng khối lượng tiêu xuất khẩu của Việt Nam”.

Gia Cư

Gia Cư

© Thời báo Tài chính Việt Nam